Quán vỉa hè vẫn "phớt lờ" Thông tư 30 của Bộ Y tế

Thứ Ba, 22/01/2013, 08:38
Sau 2 ngày Thông tư 30 của Bộ Y tế quy định Điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố chính thức có hiệu lực, vẫn thấy rằng, dường như văn bản pháp luật chưa “thấm” vào cuộc sống.

Dạo một vòng các điểm tập trung các quán ăn đường phố ở Hà Nội, có thể dễ dàng nhận rõ điều này. Ở cổng các Bệnh viện Phụ sản TW, Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, phố Tôn Đức Thắng, Đoàn Thị Điểm vv… các hàng bán rong vẫn không có gì thay đổi. Trên phố Lê Văn Hưu, Hàng Bè, Tạ Hiện, Hàng Buồm, trừ những cửa hàng ăn uống lớn có tủ kính bày thức ăn, còn nhiều hàng thực phẩm ăn sẵn vẫn “đối diện” với bụi đường trong bước chân của hàng ngàn người lại qua mỗi ngày.

Trên phố Tô Tịch, hoa quả dầm vẫn được bày chơ vơ trên… nóc tủ kính, ruồi nhặng bu bám thoải mái. Về đêm, những quán ăn vỉa hè vẫn tấp nập, không chỉ người bán, mà hầu hết khách hàng đều cũng chưa biết rằng, có Thông tư 30 của Bộ Y tế, cũng như nội dung của nó, để bảo vệ quyền của mình.

Nhiều hàng ăn trên các phố lớn vẫn bày bán thực phẩm ăn sẵn không đảm bảo vệ sinh (ảnh chụp ngày 21/1 trên phố Hàng Bè, Hà Nội).

Theo Thông tư này, người đang mắc các bệnh truyền nhiễm sẽ không được phép tiếp xúc trực tiếp trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm, không được tham gia kinh doanh thức ăn đường phố. Tuy nhiên, dù có biết, khách hàng cũng không thể kiểm tra được người nấu đồ ăn cho mình có mắc bệnh truyền nhiễm hay không.

Trên thực tế, dù Thông tư cũng qui định, người bán thức ăn đường phố phải tham gia tập huấn về ATTP và được cấp giấy chứng nhận tập huấn kiến thức về ATTP; trang phục phải sạch, dùng găng tay sử dụng một lần khi tiếp xúc với thực phẩm; các phương tiện kinh doanh thực phẩm ăn ngay bán rong phải có khoang riêng chứa thực phẩm chín, đảm bảo chống được bụi, bẩn, mưa nắng, côn trùng, nhưng có thể nói là các hàng rong và nhiều hàng ăn không đáp ứng các điều kiện kiện này. Anh Triệu Chí Hòa ở ngõ Lương Sử C, Đống Đa, Hà Nội nêu ý kiến: Chúng tôi đến ăn, cũng chả có quyền kiểm tra để họ cho biết, họ có bị bệnh không? Còn nhiều quán ăn không đảm bảo vệ sinh, mình có nói thì họ bảo, không ăn thì đi chỗ khác, vì cơ quan quản lý còn chả kiểm tra nữa là!

Nhiều hàng quán rong vẫn bán thực phẩm không đảm bảo vệ sinh.

Vấn đề đặt ra là, Thông tư 30 tuy có hiệu lực, nhưng quan trọng lại là khâu hậu kiểm. Trao đổi với ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội thì được biết, Thanh tra không có đợt kiểm tra nào về việc thực hiện Thông tư này, mà vẫn chỉ là công tác thường qui, vì những nội dung chính trong Thông tư 30 đã được Hà Nội triển khai từ 4 - 5 năm qua, còn Thông tư là quy định mới cụ thể hóa hơn. Hơn nữa, việc thanh, kiểm tra về ATTP đã được phân cấp tới phường, xã. Với những gì đã được “mục sở thị”, thì có thể thấy, dường như việc quản lý với công tác này vẫn chưa vào cuộc, dù lẽ ra, đây phải là thời điểm làm quyết liệt nhất, khi đang trong Tháng ATVSTP, lại là dịp giáp Tết Nguyên đán và Thông tư có hiệu lực chính là “cây gậy” pháp lý vững vàng để việc phát hiện và xử lý thuận lợi.

Đây là điều đáng ngại khi theo Chi cục ATVSTP Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 47.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Trong đó, dịch vụ ăn uống chiếm hơn 60%, mà chỉ 16.138 cơ sở được cấp GCN đủ điều kiện VSATTP. Mà việc kiểm tra thực tế cho thấy, rất nhiều cơ sở chưa đảm bảo tiêu chuẩn.

Thông tư cũng qui định rõ việc xử phạt và mức phạt cụ thể, nhưng vấn đề là ai sẽ kiểm tra để mà xử phạt? Cũng không rõ công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện Thông tư đến đâu, khi mà sau khi Thông tư có hiệu lực, mọi sự vẫn chẳng có gì thay đổi? Điều này có thể thấy rõ, chính cơ quan quản lý Nhà nước cũng còn thờ ơ với việc thực hiện Thông tư, thì làm sao đòi hỏi người bán hàng, người tiêu dùng quan tâm?

Việc đưa kinh doanh thực phẩm đường phố vào nề nếp là điều cần thiết, để đảm bảo sức khỏe của người dân. Nhưng nếu không triển khai đồng bộ, và có trách nhiệm thực sự, thì việc ra Thông tư chỉ để khẳng định về mặt lý là, đã có chỉ đạo về vấn đề này, để khi có xảy ra việc gì, dễ qui trách nhiệm. vấn đề hậu kiểm có vẻ vẫn đang bị coi nhẹ

Dạ Miên
.
.
.