Quản lý thuê bao trả trước: DN và đại lý đều “nhờn luật”

Thứ Hai, 03/09/2012, 10:49
Thông tư 04 của Bộ TT&TT về việc siết chặt quản lý thuê bao trả trước (TBTT) đã chính thức có hiệu lực tròn 3 tháng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Báo CAND, tại hầu hết các đại lý, cửa hàng bán sim thẻ trên địa bàn Hà Nội, sim đã kích hoạt sẵn, không cần người mua khai báo thông tin vẫn được bày bán công khai một cách tràn lan...

Trong đó, nguyên nhân dẫn đến việc các đại lý “nhờn luật”, không chấp hành đúng quy định chủ yếu vẫn là do các cấp quản lý, đặc biệt là Thanh tra Bộ và các Sở TT&TT chưa tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện đồng loạt và nghiêm túc.

Theo quy định tại Thông tư 04 thì mọi hành vi như: sử dụng CMND hoặc hộ chiếu của người khác để đăng ký thông tin thuê bao; kích hoạt dịch vụ sẵn cho thuê bao khi chính chủ thuê bao vẫn chưa thực hiện việc đăng ký thông tin thuê bao theo quy định… đều bị cấm. Song trên thực tế, những hành vi bị nghiêm cấm này đã và vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ tại các hầu hết các đại lý, các cửa hàng kinh doanh sim thẻ trên địa bàn Hà Nội. Tại một cửa hàng bán sim thẻ trên phố Đào Duy Anh (Hà Nội), các loại sim đã kích hoạt trước với nhiều mệnh giá khác nhau của các mạng di động từ VinaFone, Mobifone, Viettel cho đến Vietnammobil, Beeline đều được bày bán một cách thoải mái, công khai.

Chẳng hạn như sim VinaPhone 26 ngàn đồng có tài khoản 86 ngàn đồng, sim MobiFone 76 ngàn đồng có tài khoản là 231 ngàn đồng… Chúng tôi thử mua một chiếc sim Viettel có mệnh giá 65 ngàn đồng với đầu số gồm 11 chữ số là 016268475xx, sau khi bỏ vào máy kiểm tra thì thấy sim này kích hoạt từ tháng 5/2012, tài khoản 1 có mệnh giá 50.000đ và tài khoản 2 có mệnh giá 49.814đ.

Tương tự, tại nhiều cửa hàng kinh doanh sim thẻ khác mà chúng tôi có dịp “mục sở thị” trên phố Quang Trung (Hà Đông), Trần Hưng Đạo (Hà Nội), Giải Phóng (Hà Nội)… việc mua bán sim đã kích hoạt sẵn cũng được diễn ra khá chóng vánh chỉ trong vòng 1 đến 2 phút. Lý do là mọi khách hàng đến đây khi mua sim điện thoại trả trước chỉ việc hỏi giá, đưa tiền và lấy sim lắp vào điện thoại mà không phải xuất trình bất cứ một giấy tờ cũng như khai báo thông tin cá nhân có liên quan.

Không biết có phải vì bị “nói quá nhiều” về sự loay hoay, thiếu chủ động, thiếu quyết liệt trong việc chỉ đạo các Sở TT&TT địa phương tiến hành giám sát việc quản lý TBTT hay không mà cuối tháng 8/2012, Bộ TT&TT đã ban hành văn bản, yêu cầu Thanh tra Bộ TT&TT, các Sở TT&TT trên cả nước xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra việc quản lý TBTT trên diện rộng.

Ngay sau khi có chỉ thị của Bộ TT&TT, chiều ngày 29/8, Sở TT&TT TP.HCM đã phối hợp với Chi cục quản lý thị trường Thành phố tiến hành kiểm tra đột xuất hoạt động kinh doanh và thực hiện đăng ký TBTT của một số công ty, đại lý trên địa bàn. Kết quả đã phát hiện Công ty TNHH Phúc An Khang (Quận 10) có 713 SIM đã được đăng ký thông tin của người khác và 3 thiết bị dùng để kích hoạt SIM.

Đồng thời đoàn kiểm tra cũng đã niêm phong 11 hộp SIM khác (khoảng 1.200 sim), đã được đăng ký thông tin thuê bao mang tên Công ty Phúc An Khang để  xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Tại một số đại lý kinh doanh sim, thẻ khác, đoàn kiểm tra cũng đã phát hiện 279 SIM đã kích hoạt dịch vụ và được đăng ký thông tin với tên người khác của các mạng di động  là MobiFone, VinaPhone, Viettel, Beeline và Vietnammobile.

Qua việc thanh, kiểm tra đột xuất của Sở TT&TT TP.HCM, chứng tỏ, việc kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm trong lĩnh vực này không khó. Vấn đề chỉ là ở chỗ, cơ quan chức năng có quyết tâm làm một cách nghiêm túc, thường xuyên và đồng loạt hay không mà thôi. Thiết nghĩ, để việc quản lý TBTT có hiệu quả, nhắm giảm thiểu tối đa những hệ lụy tiêu cực do thuê bao “vô chủ” gây ra, Bộ TT&TT nên chỉ đạo, giám sát các Sở TT&TT các địa phương nhanh chóng vào cuộc để tiến hành thanh kiểm tra nghiêm túc, quyết liệt theo đúng tinh thần của Thông tư 04. Có như vậy, căn bệnh “nhờn luật” của doanh nghiệp và đại lý mới được “điều trị” và không có nguy cơ tái phát

Huyền Thanh
.
.
.