Quản lý thức ăn đường phố- hàng quán bán rong ở TP HCM: Phải tập huấn cho người kinh doanh

Thứ Bảy, 19/04/2008, 11:19
Trong bối cảnh dịch bệnh tiêu chảy cấp hoành hành, giải pháp cấm kinh doanh với những hàng quán không có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP đã và đang được áp dụng tại Hà Nội. Làm thế nào để quản lý được loại hình thức ăn đường phố (TĂĐP) - hàng rong một cách hiệu quả cũng đã được đặt ra tại Hội thảo "Hàng rong: thực trạng và giải pháp quản lý" ngày 17/4 tại TP HCM.

Mất VSATTP, chung quy do cả "ba nhà": nhà bán, nhà mua và… nhà quản lý

Cuộc điều tra của Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM thực hiện cùng Tổ chức Người tiêu dùng quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (CI-ROAP) vừa qua xung quanh việc đánh giá việc thực hiện 10 điều quy định về tiêu chuẩn cơ sở đạt VSATTP với TĂĐP tại TP HCM cho thấy: 100% các cơ sở được kiểm tra vi phạm các tiêu chuẩn quy định số 1 (đủ nước sạch sử dụng); tiêu chuẩn 4 (người bán được tập huấn kiến thức VSATTP và được khám sức khỏe định kỳ); và tiêu chuẩn 5 (người bán phải mang tạp dề, khẩu trang, mũ khi hành nghề).

Dù các quy định của Nhà nước (Bộ Y tế) đã có chế tài đàng hoàng, có mức xử phạt với vi phạm của các chủ cơ sở kinh doanh TĂĐP, hàng bán rong nhưng tại sao các quy định vẫn không được thực hiện?

Trong những năm gần đây, để tạo mọi điều kiện các chủ hàng bán rong, TĂĐP được bán hàng trong điều kiện vệ sinh như: tổ chức lớp tập huấn VSATTP, tạo những khu bán hàng riêng có hệ thống nguồn nước, nơi xử lý chất thải, xử lý rác (khu ẩm thực đêm Kỳ Hòa, ẩm thực Bến Thành, khu du lịch Bình Quới)… song số tiểu thương tham gia còn quá ít ỏi.

63% người bán hàng rong, TĂĐP không muốn tham gia đào tạo tập huấn VSATTP, 75% người bán không muốn tập huấn kiến thức VSATTP và 100% người bán vẫn vi phạm các tiêu chuẩn VSATTP.

Theo Tiến sĩ - bác sỹ Nguyễn Thị Minh Kiều, Hội trưởng Hội Dinh dưỡng TP Hồ Chí Minh, lỗi này thuộc về cả "ba nhà": Nhà bán, nhà mua và cả… nhà quản lý.

Về người bán do đa số là người nghèo và là phụ nữ, có trình độ dân trí thấp. Hàng rong lại chỉ cần vốn ít. Điều này khiến việc phải tham gia lớp tập huấn kiến thức VSATTP với họ là… "không cần thiết", xa vời. Người mua ở đây là sinh viên, học sinh, dân lao động - có thu nhập thấp. Họ biết mất vệ sinh nhưng vẫn ăn, vì họ chỉ có khả năng tài chính đến mức đó. Và đây là điều kiện để hàng rong "sống".

Vậy nếu áp dụng 10 điều VSATTP (Điều 21 theo Quyết định 41/2005/QĐ-BYT) do Bộ Y tế ban hành ngày 8/12/2005 với 2 thành phần bán và mua trên, theo bà Minh Kiều là không khả thi. Và chỉ khả thi khi áp dụng với những hàng quán trong nhà, có giấy phép kinh doanh, có điều kiện hơn về cơ sở mặt bằng, nguồn nước sạch.

Nguyên nhân nữa theo bà Kiều, là nhà quản lý chưa biết đặt mình vào vị trí của người buôn thúng bán bưng nên không hiểu được cái khó của họ. Một phụ nữ bán hàng rong với trình độ chưa học hết lớp 2 thì không thể ngồi nghiền ngẫm hết 10 điều quy định về VSATTP. Nên làm ngắn gọn lại, dễ hiểu, rõ ràng: nên và không nên làm gì.

Ngược lại, nhà quản lý (người trực tiếp đi kiểm tra) việc phải nắm tình hình, thực trạng là tất yếu nhưng không phải chỉ để đi xử phạt mà phải tư vấn được cho người bán. Nhưng muốn tư vấn được phải hiểu hoàn cảnh của mỗi chủ kinh doanh. Họ không có điều kiện mua một cái tủ kính đặt thực phẩm cao trên 60cm như quy định, vậy có thể tư vấn cho họ thay thế bằng cách khác mà vẫn giữ được vệ sinh?

Như vậy, vấn đề đặt ra là phải đào tạo được một đội ngũ thanh kiểm tra VSTP kiêm tư vấn viên để lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ cùng người dân. 

Mô hình quản lý thức ăn đường phố - hàng rong trong tương lai

Cũng theo bà Minh Kiều, cũng cần thay đổi cách huấn luyện cán bộ kiểm tra VSATTP lâu nay là cứ 6 tháng/lần tập trung nghe giảng 1 - 2 tiếng, kết thúc bằng bài kiểm tra test nhanh trắc nghiệm. Nhà quản lý cũng cần thay đổi cách nhìn, suy nghĩ về vấn đề quản lý và thanh kiểm tra VSATTP.

Hình thức xử phạt thời gian qua chỉ làm người kinh doanh đối phó với chính quyền chứ chưa làm thay đổi ý thức dẫn tới thay đổi hành vi người kinh doanh, chế biến.

Hội thảo cũng thống nhất đưa ra những thay đổi thời gian tới. Đó là nội dung soạn thảo tập huấn cho tiểu thương kinh doanh TĂĐP và hàng rong, phải phù hợp nhu cầu của người bán, không rườm rà, dễ hiểu.

Chọn cách truyền đạt, hình thức truyền đạt sinh động, bằng những nhóm nhỏ… 100% cơ sở bán hàng rong, TĂĐP phải có nước sạch kinh doanh là giải pháp quan trọng hàng đầu.

Để thực hiện, tùy từng nơi mà vận động chính quyền địa phương tạo khoảng sân không lấn chiếm lòng lề đường, bán trong quy mô nhỏ, có đủ vòi nước, nơi thoát nước… Tức hình thức bán tập trung vào nơi cố định như đường hẻm, góc sân của một khu phố, phục vụ nhu cầu ăn nhanh, rẻ tiền cho dân lao động.

Đặc biệt, cần đổi mới hệ thống quản lý và thanh tra thời gian tới. Tùy từng điều kiện cụ thể mà phân công nhiệm vụ từng địa phương với sự phối hợp của y tế với tổ dân phố, Công an khu vực… vận dụng mềm dẻo các quy định đề ra phù hợp từng đối tượng.

Thay đổi hình thức "kiểm tra - xử phạt" bằng hình thức "kiểm tra - khen thưởng" để kích thích động viên chủ kinh doanh thực hiện tốt các quy định VSATTP. Riêng với người tiêu dùng hãy là những nhà tiêu dùng thông thái trong việc sử dụng thực phẩm an toàn cho sức khỏe của mình…

H.Nga
.
.
.