Chống thực phẩm “bẩn”:

Quản lý phải bớt chồng chéo, để qui được trách nhiệm

Thứ Ba, 30/09/2014, 21:51
Thực trạng thời gian gần đây, chất lượng thực phẩm trên thị trường đang ngày càng khó kiểm soát, tại Hội nghị “chuyên đề VSATTP-thực trạng và giải pháp” ngày 30/9 do UBMT TQ- TPHCM tổ chức, nhiều ý kiến của các đại biểu và Chuyên gia thực phẩm đưa ra cho thấy, có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó, các ban ngành cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa bảo vệ người dân trước thực trạng thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay.

Bà Đoàn Thị Xuân, cán bộ cựu thanh niên xung phong cho biết: Bây giờ ăn gì cũng sợ, từ gạo đến rau, củ, quả,.. đều có nguy cơ bị “tẩm” hóa chất độc hại. Thậm chí mua thực phẩm tại siêu thị cũng vẫn lo ngay ngáy vì nếu cho rằng 100% thực phẩm tại đây là sạch thì cũng không ai dám tin. Do đó, chống thực phẩm bẩn đang là vấn để rất cấp bách để bảo vệ sức khỏe người dân.

GS Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBMT MTTQ TP HCM, Phó chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học & Kỹ thuật TP HCM cũng nhất trí ý kiến trên và cho rằng, ATTP hiện vẫn là vấn đề bức xúc lớn của xã hội. Các vụ ngộ độc thực phẩm(NĐTP) cấp tính có thể đo lường đánh giá được, nhưng nghiêm trọng hơn là ngộ độc mãn tính do hóa chất độc hại còn tồn dư trong thực phẩm gây ra thì hiện vẫn chưa thể đo lường bởi không thể hiện ra ngay mà sau một thời gian dài mới bộc lộ. Đó cũng là nguyên nhân làm gia tăng các bệnh hiểm nghèo.

Theo GS Chu Phạm Ngọc Sơn, công tác truyền thông ATTP đã được phát huy nhưng có rất nhiều trường hợp kinh doanh buôn bán thực phẩm thiếu lương tâm, cố ý bỏ hóa chất vào thực phẩm để tăng lợi nhuận thì không có biện pháp truyền thông nào “cảm hóa” được những thành phần này.

Có thể nói giữa công tác tuyên truyền và mục đích vì lợi nhuận, kinh doanh thực phẩm của một bộ phận người buôn bán thực phẩm thiếu lương tâm, kém hiểu biết hiện nay là một cuộc chiến không cân sức! Cụ thể, trường hợp bún và sản phẩm chế biến từ gạo có thời gian bị phát hiện nhiễm hóa chất công nghiệp Tinopal. trong 6 tháng đầu năm 2014, kiểm tra trên thị trường TPHCM không phát hiện mẫu nào nhiễm hóa chất này.

Dùng nguyên liệu thực phẩm không nguồn gốc, hóa chất, phụ gia trôi nổi khi chế biến thực phẩm vẫn phổ biến trong một bộ phận kinh doanh, SX thực phẩm.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn tồn tại việc sử dụng các chất tăng trọng clenbuterol, salbutamol, chất cấm trong thức ăn gia súc, thức ăn chăn nuôi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, với liều lượng nhỏ nhưng hiệu quả lại cực kỳ lớn.

Ông dẫn chứng: một đàn lợn có cân nặng ban đầu từ 16 – 17 kg, chỉ sau 18 tuần được dùng thức ăn có bỏ thêm một ít thuốc tăng trọng đạt số cân nặng gần gấp đôi lợn không dùng thức ăn tăng trọng, đủ thấy tác hại cho sức khỏe con người ra sao!

Nhưng khi hỏi, một chủ chăn nuôi lý giải: Biết dùng thuốc tăng trọng là không đúng, nhưng mọi người đều sử dụng nên mình cũng dùng. Vả lại, hàng thịt lợn có dùng thuốc và không dùng thuốc có giá bán đều như nhau!

Được biết, sản lượng nông sản tại TP HCM mới chỉ cung cấp được khoảng 15 – 20% nhu cầu, phần còn lại mua từ các tỉnh và nhập khẩu. Nhưng ATTP trong quản lý nông sản, rau quả cơ quan quản lý chất lượng chưa kiểm soát được từ khâu nuôi trồng mà chủ yếu chỉ kiểm soát thông qua lấy mẫu xét nghiệm tại các chợ đầu mối.

Trong khi đó, lượng hóa chất, phụ gia hiện đa dạng, các cơ quan nhà nước cũng không biết cơ sở đã bỏ chất gì để kiểm soát mà chỉ tầm soát được những chất “định danh” do Bộ Y tế quy định. Khi phát hiện chất lạ trong thực phẩm thì cơ quan nhà nước mới ban hành quy chuẩn kỹ thuật xem có được dùng hay không nên rất khó xử lý các vụ vi phạm. 80% sản phẩm nông sản thực phẩm bình quân được nuôi trồng từ các tỉnh TPHCM không thể kiểm soát được về chất lượng ATVSTP.

Việc kiểm soát chủ yếu qua việc lấy mẫu tại 3 chợ đầu mối nhưng số mẫu lấy chưa mang tính đại diện. Đặc biệt do không có kho lạnh lưu giữ đối với lô hàng khi có test nhanh dương tính để chờ kết quả định lượng dẫn tới việc khi có kết quả định lượng thì lô hàng vi  phạm đã lưu thông ngoài thị trường.

Riêng về quản lý các mặt hàng phụ gia, hóa chất thực phẩm, ông Huỳnh Lê Thái Hòa-Chi cục trưởng Chi cục ATTP TPHCM thừa nhận, còn rất khó khăn. Người kinh doanh phụ gia thực phẩm còn hạn chế về kiến thức, mặt khác do Luật không qui định phải có chứng chỉ hành nghề trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nên chưa có đủ trình độ hướng dẫn người mua sử dụng dẫn tới việc vi phạm nhiều trong việc sử dụng phụ gia. Trong khi ấy, đội ngũ những cán bộ phụ trách công tác nghiệp vụ chuyên môn kiểm soát chất độc hại có trong thực phẩm còn hạn chế. Hiện nay, nhiều nhà sản xuất vì lợi nhuận quá lớn đã sử dụng các chất bị cấm thực phẩm…

Theo GS Chu Phạm Ngọc Sơn, một trong những điều cần nhất, cần làm ngay với TPHCM trong quản lý ATTP, đó là: cần xây dựng một hệ thống quản lý ATVSTP có hiệu quả, bớt chồng chéo, để dễ quy trách nhiệm, hướng mạnh đến xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn từ trang trại đến bàn ăn, xây dựng một hệ thống kiểm nghiệm tốt, trang bị hiện đại, cán bộ ngày càng phải giỏi chuyên môn. Thiếu đi một trong những yếu tố cấu thành trên, không thể hình thành nên chuỗi thực phẩm an toàn cho người dân

H.Nga
.
.
.