Quản lý mạng xã hội ảo như thế nào?

Thứ Bảy, 04/09/2010, 19:21
Có nên quản lý mạng xã hội hay không, làm thế nào để phát huy được mặt mạnh của loại tổ chức ảo này để phục vụ xã hội?... Đây là câu hỏi không phải của riêng ai mà nó đặt ra vấn đề chung cho toàn xã hội.

Hiện nay, không chỉ các bạn trẻ, nhiều người lớn, đặc biệt là giới làm việc văn phòng không còn xa lạ gì đối với các trang mạng xã hội như Facebook, Zing Me, YuMe,…Xung quanh việc sử dụng các trang mạng xã hội với những tác động hai chiều đối với lối sống của giới trẻ, mới đây, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM đã tổ chức cuộc hội thảo với chủ đề: "Mạng xã hội với lối sống giới trẻ TP HCM ".

Tại hội thảo, nhiều nhà khoa học, các chuyên gia, các bạn trẻ đã cùng nhau thảo luận, đưa ra sự nhìn nhận và đánh giá từ nhiều góc độ về những ảnh hưởng và tác động của mạng xã hội đối với giới trẻ hiện nay.

Mạng xã hội: con dao hai lưỡi

Mạng xã hội là hiện tượng mới đang thu hút nhiều sự quan tâm và gây sức ảnh hưởng lớn đến một bộ phận người dân.

Thạc sĩ Nguyễn Hải Nguyên, giảng viên bộ môn Đô thị học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM phân tích: Sự phát triển của mạng xã hội là tất yếu. Xu hướng thích khám phá cái mới chính là động lực cho người sử dụng Internet, nhất là giới trẻ nồng nhiệt đón nhận các mạng xã hội.

Thực tế cho thấy, mạng xã hội đáp ứng được nhu cầu đa dạng của con người như kết nối với cộng đồng, thể hiện khả năng liên lạc và cập nhật thông tin… Ưu điểm của mạng xã hội so với các phương tiện truyền thông trước đây là độ tương tác, tính trò chuyện và kết nối cao hơn hẳn, dẫn tới độ tin cậy cao hơn.

Điều này đã được chứng minh qua sự gia tăng về lượng người tham gia trên các trang mạng xã hội. Tiêu biểu như Zing Me, trang mạng xã hội Việt Nam mới ra đời hơn 1 năm nhưng đã có tới 5,1 triệu người tham gia thường xuyên, còn với các trang mạng xã hội nước ngoài thu hút một lượng lớn người Việt Nam tham gia, đặc biệt là giới trẻ là Facebook, với 500 triệu thành viên trên toàn thế giới.

Không thể phủ nhận vai trò của mạng xã hội, nhưng Thạc sĩ Lê Thị Ngọc Dung, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM cũng đã chỉ rõ: Mạng xã hội tác động mạnh đến giới thanh niên, nhất là tác động đến lối sống của thanh niên vì đại đa số thanh niên là những người sử dụng Internet. Trước hết là lượng thông tin không được kiểm soát có cả những thông tin xấu, phản văn hóa, độc hại.

Anh Nguyễn Đình Toàn, học viên cao học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh cũng nêu lên hội chứng "nghiện" mạng xã hội, đó là việc người dùng mạng xã hội một cách lạm dụng, việc sử dụng mạng trở thành thói quen, có hệ thống và tâm lý bị lệ thuộc mạnh mẽ vào mạng.

Đây cũng là một bệnh lý về tâm thần của người nghiện. Nếu không sử dụng mạng để trao đổi thì những người "nghiện" mạng xã hội cũng sẽ có trạng thái nôn nao, khó chịu, mệt mỏi, buồn bã, mất ngủ, biếng ăn, không muốn làm việc…

Mạng xã hội sẽ là một phần tất yếu của xã hội hiện đại. Tuy nhiên, chúng ta phải nhận thức được rõ ràng tính hai mặt của nó. Do đó, cần có sự hướng dẫn, tư vấn, định hướng cho giới trẻ về việc sử dụng mạng xã hội một cách có ích và mang lại hiệu quả tốt nhất.

Ông Đỗ Thế Nghĩa, Công ty VNG Corporation trao đổi về mạng xã hội Zing Me tại hội thảo.

Hãy tự bảo vệ mình trước khi quá muộn!

Mạng xã hội có sự hấp dẫn với cộng đồng rất lớn, nhưng nó cũng như  "con dao hai lưỡi" vì có cả mặt tích cực lẫn những hệ quả xấu. Bà Nguyễn Tôn Thị Tường Vân (Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM) đã chỉ rõ: Các mạng xã hội có thể tăng lên như thế nào trong quá trình phát triển hiện nay và có tác động đối với đời sống cá nhân, quan hệ xã hội và chính trị với những hậu quả đã xuất hiện trong thời gian qua như: Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản cá nhân, tổ chức khác qua mạng xã hội; mạng xã hội tấn công giới trẻ bằng nhiều chiêu thức nguy hiểm như bói toán, đánh bạc và sex để thu hút, moi tiền giới trẻ; lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền, chống phá Nhà nước, phá hoại tài sản công dân…

Thực tế hiện nay cho thấy việc quản lý các mạng xã hội ảo còn khá lỏng lẻo. Các cơ quan chức năng chưa coi trọng việc quản lý nội dung của các trang mạng xã hội. Các cá nhân sử dụng được quyền tự do đưa bất cứ thông tin gì lên mạng xã hội và người đọc có thể dễ dàng tiếp cận tất cả những gì có trên đó.

Cảnh báo về vấn đề này, ông Huỳnh Tú Phương, hội viên Hội Dân tộc học TP HCM chỉ rõ: "Chúng ta phải đề phòng, ngăn chặn những hành vi tiêu cực trong việc sử dụng Internet, không được để cho những tiêu cực ấy gây trở ngại cho chúng ta trong sự phát triển nhanh và bền vững".

Chính vì thế, PGS-TS Nguyễn Minh Hòa cũng thẳng thắn đặt ra những câu hỏi: Có nên quản lý mạng xã hội hay không, làm thế nào để phát huy được mặt mạnh của loại tổ chức ảo này để phục vụ xã hội?... Đây là câu hỏi không phải của riêng ai mà nó đặt ra vấn đề chung cho toàn xã hội phải có những nghiên cứu rộng hơn, sâu hơn về mạng xã hội để đưa ra lời khuyên và khuyến cáo đúng đắn cho người sử dụng. Bản thân người tham gia mạng xã hội hãy là người sử dụng thông minh để bảo vệ lợi ích cho chính bản thân mình

Chu Tước
.
.
.