Quản lý dân cư không chỉ bằng biện pháp hành chính

Thứ Tư, 23/03/2011, 10:02
Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) cho rằng, quy định về việc có việc làm hợp pháp, ổn định là một trong những điều kiện để nhập cư nội thành Hà Nội là khó xác định và cần cân nhắc kỹ. Đại biểu cho rằng, cần phải xác định thế nào là việc làm hợp pháp.

Hôm qua 22/3, Quốc hội đã xem xét dự án Luật Thủ đô. Với các cơ chế đặc thù, dự luật này tiếp tục làm "nóng" diễn đàn Quốc hội với những ý kiến khác nhau.

Chỉ hạn chế nhập cư với những trường hợp "đặc biệt"

Từng được đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 8, nhưng tại kỳ họp này vấn đề được quan tâm nhiều nhất trong dự án Luật Thủ đô vẫn là những cơ chế đặc thù. Trong đó, nổi bật là vấn đề về quản lý dân cư. Trước một số ý kiến không tán thành với quy định nhằm "siết chặt" hơn điều kiện để được nhập hộ khẩu trong nội thành, vì cho rằng chỉ với giải pháp này không thể hạn chế nhập cư vào Thủ đô, dự thảo Luật đưa ra Quốc hội ngày hôm qua 22/3 đã được chỉnh lại theo hướng: Giữ nguyên các điều kiện đăng ký thường trú tại nội thành Hà Nội như quy định hiện hành của Luật Cư trú đối với  trường hợp được điều động, tuyển dụng, làm việc theo hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn; trường hợp về ở cùng với người thân hoặc trường hợp người trước đây đã từng có hộ khẩu trong nội thành.

Còn các trường hợp khác muốn đăng ký thường trú trong nội thành phải đáp ứng đủ các điều kiện, bao gồm: Có việc làm hợp pháp, ổn định ở Hà Nội; có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê lâu dài của tổ chức, cá nhân kinh doanh nhà ở; đã tạm trú liên tục tại nơi đề nghị được đăng ký thường trú ít nhất là 2 năm. Cho rằng, đây là một luật động đến nhiều vấn đề, rất khó, tuy nhiên nhiều đại biểu cho rằng các quy  định đưa ra trong Luật cần phải rõ, dễ đưa đến nhận thức thống nhất.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) cho rằng, quy định về việc có việc làm hợp pháp, ổn định là một trong những điều kiện để nhập cư nội thành là khó xác định và cần cân nhắc kỹ. Đại biểu cho rằng, cần phải xác định thế nào là việc làm hợp pháp.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM) băn khoăn: Khu vực trung tâm không muốn tăng dân số thì phải đẩy trung tâm thương mại, cao ốc ra ngoài. Nếu không người ta vẫn đổ vào nội đô sinh sống dù tạm trú và thực tế người ta đã ở rồi, chứ không phải đăng ký hộ khẩu mới được ở đó.

Đại biểu Nguyễn Đức Nhanh (Hà Nội) thì cho rằng, chỉ riêng biện pháp siết điều kiện nhập cư thì không giảm nhập cư vào nội đô, mà cần nhiều giải pháp khác, nhưng biện pháp này cũng rất cần thiết để góp phần giảm áp lực về dân số. Một số đại biểu kiến nghị cần đưa ra giải pháp bổ sung đồng bộ như giãn dân, mở rộng đô thị để giảm áp lực dân số cho nội đô Hà Nội.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM) phát biểu tại phiên thảo luận.

Không để Thủ đô nhôm nhoam, chật chội

Liên quan đến quy hoạch Thủ đô, để giải quyết thực trạng của Hà Nội là tình trạng xây dựng lộn xộn, không có quy hoạch tổng thể hợp lý, có ý kiến cho rằng cần quy định khi phát triển mới tuyến đường giao thông phải quy hoạch giải phóng mặt bằng cả hai bên đường để xây dựng các công trình, nhà ở thống nhất theo quy hoạch.

Tiếp thu ý kiến này, dự thảo Luật đã được bổ sung quy định: khi triển khai dự án phát triển các tuyến đường giao thông theo quy hoạch đã được phê duyệt, cơ quan có thẩm quyền của thành phố Hà Nội phải đồng thời tổ chức thu hồi đất hai bên đường theo quy hoạch (khoản 4 Điều 12); đối với các tuyến đường giao thông trong nội thành cần cải tạo, chỉnh trang thì TP Hà Nội có trách nhiệm lập dự án đồng bộ cả đường giao thông và cải tạo, chỉnh trang công trình hai bên đường, bảo đảm phát triển cân bằng, ổn định, giữ gìn không gian kiến trúc và nét đặc trưng của đô thị, nâng cao điều kiện sống của người dân (khoản 2 Điều 13).

Đồng thời, để bảo đảm quyền lợi cho người dân, dự thảo Luật cũng đã được bổ sung quy định trong trường hợp quy hoạch có xây dựng nhà ở tái định cư hoặc thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh thì phải ưu tiên cho người có đất bị thu hồi được tái định cư tại chỗ hoặc tham gia dự án sản xuất, kinh doanh. Nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình với chủ trương này.

Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho rằng, khi làm đường cần thu hồi cả đất bên đường để làm công trình đồng bộ, nhưng nếu phải thỏa thuận đền bù thì rất khó làm, mà quy định trường hợp này Thủ tướng quyết định thu hồi làm công trình công ích. Đại biểu Nguyễn Văn Tiên cũng đề nghị, trong tương lai, các khu ngoại ô của Hà Nội có thể cũng sẽ thành nội đô và để tránh tiếp tục trở thành những khu vực chật hẹp tù túng như khu phố cổ hiện nay thì cần phải sớm quy hoạch rõ ràng. Theo đại biểu, thực tế hiện nay các làng xã ngoại thành đã rất chật chội.

Bệnh viện phải gắn liền với khu dân cư

Dự án Luật Thủ đô quy định "không mở rộng diện tích, quy mô giường bệnh của các bệnh viện Trung ương hiện có". Không đồng tình, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho rằng: "Không có lý do gì mà không cho mở rộng các bệnh viện này. Ta có thể cho xây lên 15-20 tầng không tốn thêm diện tích, cứ bắt ra khỏi hết Hà Nội là không được. Các bệnh viện TW là của cả miền Bắc, không phải của riêng Hà Nội. Chỉ nên xác định đặt các bệnh viện TW tại các khu vực gần, ở chỗ tiện đường xá cho người dân đến khám, chữa bệnh".

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, bệnh viện cùng với trường học là những yếu tố gắn liền với khu dân cư, đáp ứng nhu cầu trực tiếp của người dân. Do đó, khi xây dựng khu dân cư hay khu đô thị mới bao giờ cũng cần phải xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó có bệnh viện, trường học để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cũng như học tập của người dân. Vì vậy, không nên quy định cứng trong Luật cấm việc xây dựng mới các bệnh viện trong nội thành mà vấn đề này nên để thực hiện theo quy hoạch.

Phạt cao đối với một số vi phạm

Lý giải về việc cần áp dụng mức phạt hành chính cao hơn đối với một số vi phạm về an ninh, trật tự trong nội đô Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Việc quy định áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn không xâm phạm đến quyền bình đẳng trước pháp luật của công dân, bởi lẽ bất kỳ ai khi có hành vi vi phạm pháp luật ở cùng địa điểm thì đều bị xử phạt như nhau. Hơn nữa, việc Hà Nội cũng như ở một số đô thị lớn khác, trong số các hành vi vi phạm hành chính có những hành vi cần phải có chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn để bảo đảm trật tự quản lý hành chính. Việc áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn tuy chưa phải là biện pháp hữu hiệu nhất để Hà Nội giải quyết những vấn đề bức xúc hiện nay, nhưng xét tình hình áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn chỉ nhằm vào một số ít những người có hành vi vi phạm pháp luật để giáo dục, răn đe mạnh mẽ hơn và qua đó công tác giáo dục, phòng ngừa chung cũng sẽ tốt hơn.

Nhóm PVTS
.
.
.