Vấn đề trên diễn đàn quốc hội:

Quản lý chất lượng trường ngoài công lập ra sao?

Thứ Hai, 16/05/2005, 07:29
Theo dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) thì địa vị pháp lý, văn bằng chứng chỉ của trường dân lập, tư thục lại ngang bằng trường công lập. Nhưng liệu, việc “mở” đối với các trường ngoài công lập có đảm bảo chất lượng giáo dục.

Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp này bổ sung mục mới, quy định chính sách đối với trường dân lập, tư thục. Theo đó, địa vị pháp lý của các trường dân lập, tư thục được nâng lên như trường công lập khi xác định: "Trường dân lập, trường tư thục cũng có nhiệm vụ và quyền hạn như trường công lập trong việc thực hiện mục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục và các quy định liên quan đến tuyển sinh, giảng dạy, học tập, thi cử, kiểm tra, công nhận tốt nghiệp, cấp văn bằng, chứng chỉ".

Đặc biệt, "văn bằng, chứng chỉ do trường dân lập, trường tư thục, trường công lập cấp có giá trị pháp lý như nhau".

Như vậy, với việc bổ sung các quy định này, không còn khoảng cách phân biệt về địa vị pháp lý giữa trường công lập và dân lập, tư thục. Học sinh, sinh viên học trường công lập hay dân lập, tư thục, khi tốt nghiệp đều có quyền "sánh vai" như nhau.

Bên cạnh đó, trường dân lập, tư thục cũng được hưởng các chính sách ưu đãi khác như được Nhà nước giao hoặc cho thuê đất, giao hoặc cho thuê cơ sở vật chất, được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế và tín dụng… Việc nâng địa vị pháp lý như trên cần được xem xét thế nào?

Ưu đãi chính sách, nâng cao vị trí, còn chất lượng?

Loại hình trường dân lập, tư thục (một số nơi có trường bán công) ra đời, bên cạnh những hiệu quả do nó mang lại, bài toán về chất lượng, hiệu quả thực sự là vấn đề cấp bách. Chúng ta đã có nhiều bài học đắt giá, chẳng hạn những tiêu cực kéo dài ở Trường Đại học dân lập Đông Đô và hậu quả nặng nề nhất thuộc về sinh viên.

Đặc điểm của trường dân lập, tư thục là hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính, tự cân đối thu chi. Thu nhập của trường dân lập, tư thục dùng để chi cho các hoạt động cần thiết của nhà trường, đồng thời một phần được phân chia cho các thành viên góp vốn theo tỷ lệ vốn góp.

Đặc điểm này là nguyên do có thể phát sinh tình trạng "phân chia tầng lớp": người nào có tỷ lệ vốn góp cao thì có "địa vị" cao hơn. Những nhà giáo giỏi, có kinh nghiệm có thể bị "phân biệt đối xử", bị chi phối về mặt kinh tế. Do vậy, tình trạng lạm quyền dễ phát sinh và tiêu cực kéo dài không bị tố giác, phát hiện. Đội ngũ giáo viên giảng dạy cũng không đảm bảo.

Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) tăng quyền, chính sách ưu đãi cho các loại hình trường lớp này nhưng lại không đề cập những quy định quản lý mang tính đặc thù. Rõ ràng, do cơ cấu tài chính, thu chi khác hẳn với trường công lập thì việc quản lý cũng phải có quy định riêng và đảm bảo sự chặt chẽ hơn.

Khi quan hệ thầy - trò ở các trường này bị chi phối nhiều về tài chính (do các trường tự cân đối thu chi) thì tình trạng thương mại hoá là dễ hiểu nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ. Nếu quan hệ mua - bán phát sinh trong học hành, thi cử thì lấy gì để kiểm định chất lượng những văn bằng, chứng chỉ của người theo học tại các trường dân lập, tư thục, trong khi giá trị pháp lý của các văn bằng chứng chỉ dân lập, tư thục được quy định ngang bằng với trường công lập?

Thêm nữa, chất lượng đầu vào của các trường dân lập, tư thục là điều đáng bàn, đặc biệt là hệ thống trường đại học dân lập.

Khi mở rộng các hình thức, loại hình trường lớp trong hệ thống giáo dục quốc dân có nghĩa Nhà nước cần sự chia sẻ, sự góp sức của nhân dân. Tuy nhiên, với quan điểm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" thì vấn đề chất lượng giáo dục không hẳn tỷ lệ thuận với quy mô giáo dục. Bài toán chống thương mại hoá giáo dục là vấn đề cấp bách, tuy nhiên, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) và các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội tại Hội trường lại chưa quan tâm nhiều đến nội dung này

Phan Trường
.
.
.