Quán ăn vỉa hè bị "thả nổi", ngộ độc thức ăn tăng

Thứ Tư, 11/05/2011, 09:20
Trước đây Bộ Y tế có quy định gánh hàng rong, xe đẩy cũng phải có giấy chứng nhận VSATTP nhưng thực hiện được vài năm hiệu quả thì Bộ đã hủy bỏ quy định trên với lý do không thể kiểm soát nổi. Từ khi hủy bỏ việc cấp giấy chứng nhận VSATTP cho gánh hàng rong, xe đẩy, thức ăn đường phố cũng bị "thả nổi" theo.

Trong khi giá cả tiêu dùng liên tục "leo thang" và dường như không có điểm dừng, để tiết kiệm chi tiêu, không ít người dân đã "thắt lưng, buộc bụng" bằng cách tìm đến các quán ăn ở lề đường, vỉa hè. Chính nhu cầu này mà trong thời gian qua, hàng lề đường, hàng rong, xe đẩy "mọc lên" nhan nhản. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) của các loại thức ăn này cũng ngoài vòng kiểm soát của cơ quan chức năng…

So với trước đây, hiện trên địa bàn TP HCM, các quán ăn, quán "cơm bụi"… có giá bình dân hiện đang mọc lên tại các khu vực gần trường học, khu công nghiệp, khu chế xuất, bệnh viện… để đáp ứng nhu cầu đông đảo của giới sinh viên, công nhân, người bình dân... trong thời buổi giá cả đắt đỏ.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện giá bình quân của một suất ăn tại các quán ăn ở các khu vực quận 5, Bình Thạnh, Tân Bình… thường từ 18.000 - 25.000đ, nhưng tại những khu vực có đông công nhân giá chỉ 9.000 - 10.000đ/suất.

Thức ăn đường phố không đảm bảo VSATTP là nguy cơ cao dẫn đến ngộ độc thực phẩm.

Chị Thu Nga - chủ quán "cơm bụi" trên đường Vườn Lài (quận Tân Phú) cho biết: "Nếu đi chợ vào buổi sáng sớm, sẽ mua được những loại thực phẩm, rau củ tươi ngon nhưng giá thành rất cao nên không thể mua để chế biến thức ăn bán giá bình dân. Vì vậy, chị phải mua hàng vào buổi chiều muộn, lúc này là mua hàng tồn, hàng dạt, có giá rẻ hơn 3-4 lần so với hàng bán buổi sáng". Còn về chất lượng?

Chị Nga cho rằng: "Nếu chịu khó lựa chọn thì cũng sẽ nhặt ra được những loại thực phẩm có chất lượng tốt". Nguồn gốc các loại thực phẩm là vậy, còn cách chế biến của những hàng quán này cũng đáng lo ngại, hầu hết đều được chế biến trong điều kiện không đảm bảo an toàn vệ sinh.

Cũng theo ghi nhận của chúng tôi, trong khi các hàng quán lề đường mọc lên số lượng ngày càng nhiều, không chỉ các quận, huyện vùng ven, ngoại thành, đáp ứng nhu cầu của người lao động có thu nhập thấp mà ngay tại các khu vực trung tâm TP cũng đã xuất hiện nhiều điểm bán hàng lưu động bằng xe đẩy, gánh hàng rong… khách hàng là nhân viên văn phòng.

Thực tế cho thấy, khi hàng loạt mặt hàng đua nhau tăng giá thì các quán ăn ở lề đường, vỉa hè cũng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, và xu hướng này đang ngày càng tăng. Tuy nhiên, điều đáng nói là trong khi các quán ăn dạng này đang phát triển mạnh, nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ "nguồn" này cũng rất cao nhưng việc quản lý của cơ quan chức năng đang buông lỏng.

Theo quy định của Bộ Y tế, thức ăn đường phố phải bảo đảm 10 tiêu chuẩn như: Đủ nước sạch, nơi chế biến thực phẩm phải sạch, người làm dịch vụ chế biến thức ăn phải được tập huấn kiến thức và khám sức khỏe định kỳ; không sử dụng phụ gia và màu thực phẩm; thức ăn phải được bày bán trên giá cao hơn 60cm, phải được bày bán trong tủ kính... Tuy nhiên, trên thực tế, nếu xét đúng các tiêu chí theo như quy định thì có đến 99% hàng quán buôn bán thức ăn ngoài đường phố hiện nay vi phạm về VSATTP.

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP cho rằng, thời tiết nắng nóng phù hợp để vi sinh phát triển, vì vậy nếu như không chế biến thức ăn sạch thì có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm.

Cũng theo ông Hòa, ngộ độc thực phẩm xảy ra ở bếp ăn tập thể còn có thể kiểm tra và xử lý được. Riêng, thức ăn trên xe đẩy và gánh hàng rong thì thanh tra thực phẩm đành bó tay vì về luật chúng ta không thể cấm, hơn nữa việc xử phạt hàng rong, xe đẩy là đặc biệt khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

Được biết, trước đây Bộ Y tế có quy định gánh hàng rong, xe đẩy cũng phải có giấy chứng nhận VSATTP nhưng thực hiện được vài năm hiệu quả thì Bộ đã hủy bỏ quy định trên với lý do không thể kiểm soát nổi. Từ khi hủy bỏ việc cấp giấy chứng nhận VSATTP cho gánh hàng rong, xe đẩy, thức ăn đường phố cũng bị "thả nổi" theo

K.N. - T.N.
.
.
.