“Quái xế” vận chuyển hàng lậu

Thứ Sáu, 29/01/2010, 14:38
Ở vùng biên giới, người ta vẫn gọi dân cửu vạn chở hàng lậu là những "quái xế vùng cao". Trong thực tế, đây thực sự là những tay lái môtô siêu hạng, có ý chí và sự liều mạng thượng thừa. Bằng chiếc xe tay côn (thường là win100) được gia cố giảm xóc, họ có thể đèo đằng sau cả tạ hàng hoá, gỗ lậu phóng như tay đua đội hình trên những cung đường đèo dốc kinh hồn của miền núi. Nhiều kẻ đã vong mạng hoặc mang thương tật suốt đời, nhưng ít có người bỏ, vì đây là nghề mưu sinh…

Đời một bên và vực một bên

Giàng A Vàng năm nay 23 tuổi, nhưng anh ta đã tham gia vào đội quân vận chuyển gỗ pơ mu lậu "thâm niên" hơn 6 năm. Quê Vàng ở xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu (Yên Bái). Đây là điểm giữa của con đường chung chuyển gỗ lậu từ Phù Yên (Sơn La) về Trạm Tấu và thị xã Nghĩa Lộ. Vàng có khuôn mặt của một người Mông điển hình, cộng thêm sự rèn rũa nhiều năm làm "quái xế" vận chuyển gỗ lậu, nên trông anh ta lì lợm và nguội tanh… Vàng nhếch mép cười như mỉa mai, khi tôi đề xuất bám càng anh ta một chuyến vào Bản Mù. Vào số đánh phựt một cái, anh ta rồ ga lao vù ra khỏi cổng, rồi lắt léo phi lên đỉnh dốc Păng Cáng…

Giàng A Vàng không nhớ đã "xế" chiếc xe Win 100 (trước là Minxk) vận chuyển được bao nhiêu khối pơ mu từ đại ngàn, nhưng hơn 15 cây số từ xã Bản Mù về thị trấn Trạm Tấu, và 30 cây số từ Trạm Tấu đi thị xã Nghĩa Lộ thì anh ta thuộc như lòng bàn tay.

Con đường độc đạo dẫn vào Bản Mù lâu nay rất nổi tiếng bởi sự xuất hiện của những "quái xế" gỗ lậu. Gọi là đường, nhưng nó chỉ rộng chừng 1,2 mét, có chỗ sạt lở chỉ còn chưa đầy một mét vắt vẻo qua dãy núi Chua Kháo Tồng hùng vĩ; một bên là vách đá dựng lên chất ngất, một bên là vực sâu thăm thẳm, luôn há hốc cái mồm đen sì để nuốt chọn cả người lẫn xe nếu chỉ một giây phút sơ sẩy.

"Nhiều lần tôi cũng bị lao xuống vực rồi - Vàng xoè cả hai bàn tay ra đếm số lần bị tai nạn -  nhưng số có quí nhân phù trợ nên chẳng chết". Nặng nhất là bị xe máy đè gãy chân. Lần gần đây nhất, Vàng kể mặt vẫn tỉnh queo: "Đang cài số 1 xuống dốc, bánh xe vấp phải hòn đá, tôi mất lái rồi cùng xe cắm thẳng xuống vực. May mắn thay, đang rơi tự do khoảng 3 mét, thì xe vướng phải một đám cây to và mắc ở đó, tôi rơi tiếp xuống một thảm dây leo trước khi chạm đất, chưa kịp ngẩng mặt lên thì thấy khúc pơ mu nặng chừng hơn 60kg đứt dây chằng rơi cắm phập ngay đỉnh đầu!".

Một "quái xế" đang trên đường đến địa điểm lấy hàng tại địa bàn xã Bản Phiệt (Bảo Thắng, Lào Cai)

Theo Vàng, làm cái nghề "quái xế" như Vàng ở bản có đến hơn hai chục người, nhưng công việc này cũng không thường xuyên. Khi nào bưởng gỗ thu mua hàng, hoặc có người đưa gỗ từ rừng ra thuê vận chuyển ra đường cái dưới Trạm Tấu thì họ mới lên đường. Đám bạn Vàng, tay nào cũng dính vài lần tai nạn, có một người đã chết thảm vì lao xuống vực sâu hơn 200 mét, 2 người tàn phế. Gần đây nhất, Hà Thị Biên, quê ở Phù Yên (Sơn La) một nữ "quái xế" có máu mặt trong cung đường gỗ lậu ở Bản Mù, trong khi xuống đèo, cũng tự đâm xuống vực tử vong…

Khó ngăn chặn vì nhiều lý do

Gần đây, đội quân "quái xế" vận chuyển hàng lậu ở các huyện phía Tây tỉnh Yên Bái (Trạm Tấu, Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn) như Giàng A Vàng, đã qua thời "thái lai" vì tài nguyên rừng cạn kiệt. Địa bàn béo bở cho "quái xế" hiện nay là Lào Cai. Thống kê chưa đầy đủ của các cơ quan chức năng, tuyến biên giới Lào Cai, đội quân sử dụng xe máy vận chuyển hàng lậu vào nội địa phải có đến vài trăm người. Tuy không "hùng hậu" như ở tuyến biên giới Lạng Sơn, nhưng "quái xế" ở Lào Cai và Yên Bái lại có tay lái thiện nghệ hơn vì địa hình và cung đường hiểm trở hơn - một cán bộ Bộ đội Biên phòng từng kinh qua công tác chống buôn lậu của cả hai tuyến biên giới nóng bỏng này nhận xét.

Lào Cai có hơn 200km đường biên giới, thì mỗi cây số đều là những cung đường nóng bỏng về vận chuyển hàng lậu. Đã thành thông lệ, giáp Tết Nguyên đán, cuộc chiến chống buôn lậu ngày càng phức tạp, một phần có sự tiếp tay của đội quân "quái xế".

Phương tiện và tang vật gỗ lậu của "quái xế" bị Công an huyện Trạm Tấu (Yên Bái) thu giữ.

Lúc cao điểm, đêm đêm trên quốc lộ 70, "quái xế" tụ tập thành từng tốp, khi hàng từ bên kia biên giới vượt sông Nậm Thi cập bờ, ngay lập tức đám cửu vạn, quái xế xuất hiện, nhanh chóng chằng hàng lên xe máy và lao đi với tốc độ kinh hồn.

Ông Trần Vũ Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Lào Cai cho biết, sử dụng xe máy tuồn hàng lậu vào sâu trong nội địa là một phương thức "cổ điển" nhưng rất hiệu quả của dân buôn lậu. Các lực lượng chức năng dù cố gắng rất nhiều, nhưng để đối phó với đội quân này cũng không dễ dàng. Bởi chúng thường sử dụng xe không biển số, lợi dụng đêm khuya, xé lẻ đội hình, sử dụng đám "chim lợn" để đối phó; khi cần chúng có thể vứt cả xe để tháo thân.

Thượng tá Nguyễn Thiện Tuấn, Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Lào Cai cho biết: "Tuyến quốc lộ 70 được coi là tuyến hoạt động vận chuyển hàng lậu nóng bỏng nhất, và cũng là tuyến có số vụ tai nạn giao thông nhiều nhất. Năm 2009, số vụ và số người chết trên tuyến này đã chiếm tới 30% so với địa bàn toàn tỉnh".

Quản lý đội quân "quái xế" luôn là bài toán khó, vì thực ra họ là người dân; nghèo đói, không có công ăn việc làm. Đặc biệt, đội quân này rất liều lĩnh, coi rẻ mạng sống. Thượng tá Lục Văn Tiên, Trưởng Công an huyện Trạm Tấu (Yên Bái) cho biết: "Những người vận chuyển gỗ lậu đều là những người dân lao động, vì mưu sinh mà họ tiếp tay cho lâm tặc để vận chuyển gỗ lậu. Họ rất liều mạng khi bị truy đuổi, nên vì lý do nhân đạo, trong khi truy bắt lực lượng Công an cũng phải tính đến yếu tố… an toàn cho họ!"

Vũ Mạnh Hà
.
.
.