QL1A đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận: Vẫn liên tục tắc nghẽn

Thứ Ba, 14/02/2006, 08:33

Khi QL1A đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận hoàn tất, ai cũng tưởng tình trạng ùn tắc giao thông liên tục khu vực từ cầu An Cư đến cầu Bà Đắc được cải thiện. Ai dè, có những lúc xe ôtô đi qua đoạn này chỉ chạy được với tốc độ 5km/giờ.

4h sáng. Tôi tấp vào một quán cóc nằm gần dốc cầu Bà Đắc thuộc xã An Cư, huyện Cái Bè (Tiền Giang). Đối diện nơi tôi ngồi là nhà máy lau bóng gạo TT. Cạnh đó là hàng loạt vựa gạo, kéo dài đến dốc cầu An Cư. Theo điều tra riêng của chúng tôi, chỉ ven một đoạn đường dài chưa đầy 1km này nhưng lại có đến 31 nhà máy, cơ sở xay xát, lau bóng gạo và 6 vựa lên xuống hàng hóa. Tất cả đều nằm cùng một phía, sát mé kênh Bà Đắc đoạn chảy song song với QL1A.

Còn khoảng sân phía trước các cơ sở này, chị chủ quán cóc cho tôi biết: "Khi quốc lộ chưa được mở rộng, nâng cấp, tính từ đầu các chiếc xe tải ra còn một khoảng chừng 1-2m. Giờ thì như anh thấy đấy, đầu xe tải nằm sát mặt lộ". Chẳng còn lề nên người đi bộ đi hẳn ra ngoài lòng đường. Còn xe gắn máy, mô tô… (lưu thông phía chiều này - PV) phải lấn về hướng tim lộ chưa được đặt dải phân cách hết sức nguy hiểm.

Ai cũng tưởng khi hệ thống các cầu trên QL1A đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận xong thì điều kiện lưu thông trên đoạn này cũng sẽ "bon bon" như đoạn từ Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương. Ai dè… cái chợ gạo vẫn nằm chình ình đấy. Khoảng 9h sáng, mặc cho đoàn xe đang còn rồng rắn bò ngang đây, một chiếc xe tải đã "no hàng"  thò đầu, trườn ra, chắn ngang hết cả mặt lộ. Rồi chiếc thứ ba, thứ tư… Đoàn xe ùn tắc rồng rắn cả hai đầu chợ gạo này cứ nối đuôi dài ngoằn qua tận hai cầu Bà Đắc - An Cư.

Nguyên nhân của tình trạng hỗn độn về giao thông ở đây - theo người dân trong khu vực này cho biết, còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác. Chẳng hạn như vào thời điểm gạo xuất khẩu có giá, cung không đủ cầu, trong một buổi sáng mỗi xe tải phải đút "đuôi" vào hai ba vựa để "ăn hàng". Đó là chưa kể khi các chủ hàng tranh nhau, các xe tải được các "bà chủ" điều như con rối nước.

Gỡ rối "điểm đen" cần khẩn trương hơn!

Ông Phạm Trung Thành - Phó Ban ATGT huyện Cái Bè cho biết, để "giải nhiệt" cho điểm nóng giao thông này, huyện cũng từng làm một bến xe tạm gần đó để dành cho số xe tải chờ đến thời điểm "ăn hàng". Tuy nhiên, hầu hết có mặt tại bến xe tạm này thường chỉ là để nằm ngủ qua đêm, chờ sáng sớm đến vựa gom gạo.

Xuất phát từ thực tế này, tỉnh Tiền Giang đã giao cho UBND huyện Cái Bè xác lập cụm công nghiệp An Thạnh, rộng trên gần 10ha nằm trên địa bàn xã Đông Hòa Hiệp. Theo Ban quản lý các dự án đầu tư và xây dựng huyện, khi cụm công nghiệp này hoàn thành, sẽ thay thế cái chợ nằm ven QL1A từ nhiều năm nay gây mất trật tự ATGT. Do đặc thù là chợ gạo mới thay thế chợ cũ, nên địa phương cũng đã tính vị trí (không quá xa khu chợ hiện hữu) và đặc biệt là phải thuận lợi kiểu "trên bến, dưới thuyền". Dự án đã được cấp có thẩm quyền đốc thúc nhiều lần nhưng tiến độ hoàn thành các hạng mục hạ tầng vẫn có phần chậm chạp.

Chiều 11/2, khi tôi "mò" vào đây, nó vẫn đang còn hết sức ngổn ngang. Con đường mà một cán bộ Ban quản lý dự án nói rằng, mặt đường 7m, lề 5m vẫn còn là con đường đất đỏ, tung bụi mịt mù. Bên trong khu công nghiệp mới chỉ thấy cái đài của trạm cấp nước, trạm biến điện, khu dịch vụ,… vẫn còn nằm trên giấy. Các hạng mục chính mà huyện kêu gọi đầu tư như hệ thống kho, nhà máy xay xát, lau bóng gạo đã có nhưng gần như chưa chủ đầu tư nào hoàn chỉnh. Một mảng diện tích khá rộng vẫn chỉ là cỏ um tùm

Binh Huyền
.
.
.