Phương tiện vận tải trên biển Kiên Giang: Đi rồi mới thấy giật mình

Thứ Tư, 28/06/2006, 13:33
Trước những sai phạm của nhiều phương tiện vận tải trên biển, Giám đốc Cảng vụ Kiên Giang kiến nghị cơ quan quản lý tại các bến cần kiểm tra chặt chẽ về trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, hàng hóa chuyên chở và thuyền viên, hành khách trên tàu theo quy định trước khi cho tàu rời bến.

Với những tàu không đủ điều kiện, nếu không khắc phục sẽ cho dừng hoạt động. Cần đặc biệt lưu ý công tác nạo vét, duy tu luồng và thanh thải chướng ngại cho phương tiện ra vào cảng, nhất là 2 đầu bến An Thới và Rạch Giá. Các chủ cảng (cơ quan khai thác cầu, bến cảng) phải đảm bảo việc phòng chống cháy nổ, đảm bảo ANTT và các điều kiện an toàn hàng hải tại khu vực cảng, đồng thời tiến hành thủ tục xin công bố cầu, bến cảng trước khi cho phương tiện ra vào hoạt động.

Kiên Giang có trên 200km bờ biển và hơn 140 đảo lớn nhỏ, trong đó có hàng chục đảo có dân sinh sống. Xuất phát từ nhu cầu đi lại của nhân dân, từ nhiều  năm nay đã hình thành 20 tuyến vận tải từ đất liền ra đảo (ngược lại) và giữa các đảo với nhau. Thống kê của Sở GTVT tỉnh Kiên Giang cho biết, hiện số phương tiện (có đăng ký) hoạt động từ bờ ra đảo (ngược lại) là 121 chiếc nhưng qua kiểm tra, tất cả đều vi phạm Luật Hàng hải hoặc Luật Giao thông đường thủy nội địa. 

Sau một lần say sóng "bầm dập" vì phải chịu trận năm bảy tiếng đồng hồ trên chiếc tàu gỗ để vượt chặng đường trên 60 hải lý, lần thứ hai từ thành phố biển Rạch Giá ra Phú Quốc, tôi quyết đi bằng tàu cao tốc. Giá vé cao hơn gấp đôi nhưng bù lại, thời gian ra tới đảo được rút ngắn   hơn và đặc biệt - an toàn là trên hết. Tôi chọn chiếc tàu mang tên loài chim biển - Hải Âu.

Đúng 13h, tàu xuất bến. Trên tàu, ngoài người dân ra Phú Quốc làm ăn, dân du lịch trong và ngoài nước cũng khá đông đúc. Khi chiếc tàu rẽ sóng biển về hướng Phú Quốc, tôi mới có dịp trò chuyện với người đồng hành ngồi cạnh bên. Anh cho biết, anh theo tàu của Công ty cổ phần Cao tốc Hải Âu này ra, vào thường xuyên.

"Tôi chọn tàu này vì nó chưa xảy ra sự cố nào khiến tôi phải giật mình"(?) - anh nói. Nhưng giả sử có tình huống cháy nổ, hoặc chìm tàu chẳng hạn, anh làm thế nào? - tôi hỏi. Anh ta thú thật: "Có khi nào nghe nhân viên tàu hướng dẫn nơi để phao hay cách sử dụng áo phao, vòi ống nước chữa cháy gì đâu". Tôi hỏi chuyện một thuyền viên đứng gần đó. Mới nghe những câu hỏi của tôi, anh này không giấu vẻ bực dọc: "Tàu chuyên nghiệp chứ đâu phải tàu lụi…".

Tôi chợt nhớ lần từ Ba Hòn (Kiên Lương) đi xã đảo Sơn Hải (còn gọi là Hòn Heo). Trên chiếc tàu gỗ mang tên Phương Mai, tôi để ý tìm hoài nhưng chẳng thấy áo phao nên thắc mắc thì được ông Còn - chủ tàu giải thích: "Vì sợ phao bị hơi nước mau mục nên tôi mới cuốn vô bọc ni lon cất trong góc tàu"(?)
Rốt cuộc thì tàu Hải Âu cũng cập cảng An Thới, Phú Quốc.

Thật tình cờ, trong chuyến từ huyện đảo nổi tiếng về nước mắm, tiêu và rượu sim, trở về, tôi được gặp thành viên trong đoàn kiểm tra phương tiện vận tải thủy hoạt động tuyến từ bờ ra đảo và ngược lại gồm đại diện Cảng vụ, Đăng kiểm, Sở GTVT và CSGT đường thủy Kiên Giang. Anh cho biết: "Qua kiểm tra, hầu hết tàu nào cũng vi phạm, ít nhất cũng 4 lỗi và nhiều nhất lên đến trên 20 lỗi".

Chiếc tàu Hải Âu mà chúng tôi đang đi, qua kiểm tra phát hiện đến 14 lỗi, trong đó có rất nhiều lỗi không thể chấp nhận được, chẳng hạn như: Không tổ chức thực tập cứu sinh, cứu hỏa cho thuyền viên, buồng máy để nhiều vật dễ cháy; vòi rồng cứu hỏa quá cũ; các bình cứu hỏa (loại bọt) đều hết hạn sử dụng; không có áo phao trẻ em, không có thiết bị liên lạc MF/HF...

Ông Nguyễn Đình Việt - Giám đốc Cảng vụ Kiên Giang cho biết, hiện Cảng vụ Kiên Giang "căng" theo Bộ luật Hàng hải chỉ quản lý 3 tuyến đảo xa bờ gồm: Rạch giá - Phú Quốc, Hòn Chông - Phú Quốc và Phú Quốc - Thổ Chu (với lượng khách năm 2005 là 255.144 lượt người và 2.000 lượt tàu ra vào); số tuyến còn lại do ngành GTVT quản lý. Ông Việt cho biết thêm: Do nhu cầu phát triển kinh tế vươn ra đảo, hiện vẫn tồn tại khá nhiều tuyến vận tải hành khách, hàng hóa hoạt động ra biển từ các cửa sông nhưng ngành chức năng không thể kiểm soát được.

Một trong những nguyên nhân tồn tại thực trạng đáng ngại trên là do giữa Cảng vụ Kiên Giang và Sở GTVT tỉnh Kiên Giang đang gặp nhiều vướng mắc phải "cầu cứu" ý kiến của Bộ GTVT, như thẩm quyền cấp phép mở tuyến, điều kiện kinh doanh vận tải tuyến đảo, vấn đề đăng ký tàu và thuyền viên, thẩm quyền công bố mở bến, cảng, luồng và các thiết bị báo hiệu hàng hải khác cũng như công bố vùng nước thuộc các khu vực này.

Hai đơn vị này cũng đang chờ ý kiến của Bộ GTVT về dự kiến: Cảng vụ Kiên Giang sẽ quản lý thêm tuyến Rạch Giá - quần đảo Nam Du (ngược lại); Sở GTVT sẽ quản lý các tuyến vận tải từ bờ ra các đảo còn lại và các tuyến giữa các đảo với nhau trong phạm vi vùng biển Kiên Giang theo quy định của Luật Đường thủy nội địa.

"Khi "giải tỏa" được những vướng mắc này, chắc chắn việc thực hiện Bộ luật Hàng hải và Luật Giao thông đường thủy nội địa tại Kiên Giang sẽ thoát khỏi cảnh vừa chồng chéo vừa bị bỏ sót như hiện nay. Và bức tranh an toàn vận tải trên biển Kiên Giang sẽ được cải thiện hơn" - ông Việt hy vọng

Thái Bình
.
.
.