Khai thác tiềm năng du lịch nhìn từ TP HCM:

Phương tiện đi lại làm hạn chế tour đến các điểm du lịch

Thứ Hai, 05/08/2013, 17:50
Trong 6 tháng đầu năm nay, lượng khách quốc tế đến TP Hồ Chí Minh đạt hơn 1,907 triệu lượt, tăng 5% so với năm ngoái. Đồng thời ngành du lịch thành phố cũng đón tiếp, phục vụ 7,9 triệu lượt khách du lịch nội địa, cao hơn năm ngoái 5%. Khách tăng, doanh thu của ngành Du lịch thành phố cũng đạt tới 41 ngàn tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ năm ngoái tới 30%, đáp ứng được yêu cầu của thành phố là phát triển du lịch để khôi phục kinh tế trong tình hình khó khăn hiện nay.

Để phục vụ du khách đến thành phố, đến cuối quý 2 vừa qua lượng phòng từ các khách sạn 3 – 5 sao trên địa bàn cũng tăng thêm 7% so với năm ngoái, đạt tổng cộng 11.890 phòng. Khách đông, nhưng giá phòng khách sạn hạng sang vẫn giảm bình quân đến 12% so với năm ngoái và công suất khai thác phòng của hệ thống khách sạn 3 – 5 sao tại thành phố cũng chỉ đạt 62%, giảm mạnh so với trước.

Nguồn khách đến thành phố đông, song theo bà Kim Anh, Giám đốc một công ty chuyên tổ chức du lịch – sự kiện, thì việc tổ chức tour cho du khách từ thành phố đi tham quan, nghỉ dưỡng tại các địa phương khác trên cả nước cũng hết sức khó khăn.

Lý do, theo bà Kim Anh, chỉ có các tour đưa khách từ trong nước đi du lịch nước ngoài mới có thể kéo dài trên 10 ngày, còn lại tour trong nước chỉ có thể kéo dài từ 1 tuần trở lại, thậm chí nhiều tour khách yêu cầu chỉ đi 2 ngày 3 đêm. Nhưng từ TP Hồ Chí Minh, muốn tổ chức đưa du khách ra thăm “Con đường di sản thế giới tại miền Trung”, nếu ra thẳng Quảng Bình để thăm động Phong Nha – Kẻ Bàng, mỗi tuần chỉ có 3-4 chuyến bay loại nhỏ là ATR 72 chở được vài chục khách của Vietnam Airlines (VNA) hoạt động. Từ thành phố muốn đưa du khách ra Chu Lai, Tam Kỳ để thăm phố cổ Hội An… cũng vậy, hằng ngày chỉ có một mình VNA bay 1 chuyến đi về bằng loại tàu nhỏ. Muốn ra Huế, do sân bay Phú Bài ngưng khai thác, khách dồn ra sân bay Đà Nẵng.

Nên để kiếm được chỗ trên máy bay cho cả đoàn khách là chuyện không dễ chứ đừng nói mua được vé giá thấp ở các chặng bay ngắn để giảm chi phí tour. Vì vậy, các doanh nghiệp (DN) tổ chức tour chỉ còn cách vận động khách đi bằng tàu hỏa hoặc ôtô. Song các loại phương tiện này chỉ phù hợp với những khách đến lần đầu do muốn được ngắm cảnh, còn lại đa phần đều oải với các loại tour đi bằng tàu xe dằn xóc. Bằng không, các DN tổ chức tour chỉ còn cách đưa khách từ TP Hồ Chí Minh ra thẳng các sân bay Huế hoặc Đà Nẵng - những nơi có nhiều chuyến bay trong ngày, sau đó hành trình một vài trăm kilômét tiếp theo bằng tàu hỏa hoặc xe khách để đến nơi tham quan. Cách này xem ra cũng không làm hài lòng du khách do phải thay đổi phương tiện liên tục.

Từ đầu mối TP Hồ Chí Minh, nhiều DN tổ chức tour cũng phản ánh, muốn đưa khách ra thăm khu vực Tây Bắc, vấn đề khó khăn nhất là phương tiện đi lại do chủ yếu di chuyển bằng xe khách. Tương tự, từ Hà Nội, DN muốn tổ chức tour đưa khách vào miền Trung ngắn ngày bằng máy bay cũng không dễ dàng do nhiều chặng không có đường bay hoặc ít chuyến bay.

Nhiều đại diện DN du lịch, lữ hành còn cho rằng, khách đi tour thời gian chỉ có hạn; sức khỏe để chịu đựng chuyến đi dài vốn đã cạn do mệt mỏi, do thay đổi thời tiết khí hậu, múi giờ… Cộng với tình trạng khan hiếm chuyến bay, chặng bay đã khiến nhiều du khách chỉ đăng ký những tour tham quan hạn chế ở một số địa điểm. Đây chính là nguyên nhân khiến du khách nước ngoài thường lưu lại ngắn ngày và chi tiêu rất ít khi đến du lịch. Đồng thời khiến khách du lịch nội địa mất đi cơ hội được thăm thú nhiều địa điểm hơn trong một chuyến du lịch

Đ.Thắng
.
.
.