Phương án kiến trúc Bảo tàng Lịch sử quốc gia tại TP HCM: Bài toán chưa có đáp số

Thứ Năm, 11/10/2007, 16:05
Sau khi triển lãm, lấy ý kiến các nhà chuyên môn và người dân về các phương án kiến trúc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, mới đây, công trình văn hóa có tầm vóc thế kỷ của quốc gia tiếp tục được đem đến trưng cầu ý kiến tại TP HCM. Tuy nhiên, việc lựa chọn phương án nào vẫn chưa tìm được sự thống nhất.

Được biết, Bảo tàng lịch sử quốc gia là công trình hợp nhất hai bảo tàng: Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam được đặt trong khu vực Công viên Hữu nghị của Thủ đô Hà Nội, có quy mô sử dụng đất khoảng 10ha. Kiến trúc thiết kế bảo tàng phải đảm bảo tính dân tộc, hiện đại, mang tầm khu vực và quốc tế, phù hợp với khí hậu Việt Nam, đáp ứng được chuyên môn nghiệp vụ bảo tàng…

Để thực hiện công trình, Ban Quản lý dự án, Bộ Xây dựng đã tổ chức cuộc thi thiết kế kiến trúc bảo tàng và nhận được 18 phương án dự thi. Hội đồng tuyển chọn đã quyết định chọn giải A cho hai phương án có mô hình kiến trúc theo ý tưởng bọc trăm trứng trong truyền thuyết Mẹ Âu Cơ và mô hình bàn tay 5 ngón mang ý nghĩa bàn tay lao động, hữu nghị… Tuy nhiên, cả 18 phương án kiến trúc vẫn tiếp tục được đem trưng cầu dân ý cả nước.

Vừa qua, tại Bảo tàng Lịch sử TP HCM, Ban Quản lý dự án đã có buổi gặp gỡ trao đổi với các nhà khoa học, kiến trúc phía Nam quanh các vấn đề về xây dựng công trình này. Tuy nhiên, số lượng người tham dự rất ít.

Nhiều nhà chuyên môn cho biết, họ không nhận được giấy mời từ Ban tổ chức, đến tham dự  là do thông tin từ bạn bè hoặc qua các nguồn không chính thức khác và hầu như trước đó vẫn chưa xem các phương án kiến trúc mà họ sẽ tham gia đóng góp ý kiến.

Chỉ đến giờ cuộc hội thảo chính thức bắt đầu, trước đề nghị của kiến trúc sư Lê Thanh Sơn, tất cả mới đi tham quan triển lãm một vòng rồi quay trở lại thảo luận. Có lẽ vì quá gấp gáp nên các ý kiến đóng góp không nhiều.

Hầu hết các nhà chuyên môn của TP HCM đều phàn nàn về công tác tổ chức cuộc thi. Kiến trúc sư Lê Thanh Sơn, Nguyễn Hữu Thái và nhiều kiến trúc sư khác đều cho biết họ thường xuyên gắn bó với công tác hội kiến trúc sư thành phố nhưng không có thông tin về cuộc thi.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia là công trình văn hóa lớn, thời gian 3 tháng tổ chức cuộc thi là quá ngắn, chưa thực sự được phổ biến sâu rộng. So với vài nghìn phương án kiến trúc được sàng lọc kỹ qua nhiều vòng thi trong những cuộc thi thiết kế kiến trúc của các nước trên thế giới thì con số 18 phương án tham dự cuộc thi thiết kế kiến trúc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam là quá ít. Chưa kể, nếu thực sự được phổ biến hơn trong thực tế thì một cuộc thi thiết kế công trình văn hóa lớn như thế này sẽ là cơ hội lớn để cả người Việt trong nước lẫn nước ngoài tìm hiểu sâu hơn, kỹ hơn về văn hóa, lịch sử Việt Nam…

Về các phương án kiến trúc, hai phương án đạt giải A có tính vượt trội hơn hẳn so với 16 phương án kiến trúc còn lại, khi hoàn thành xây dựng chắc chắn sẽ tạo được dấu ấn mạnh mẽ về kiến trúc thời đại. Tuy nhiên, cả hai phương án đều tạo cảm giác có quy mô không tương xứng với khu đất được giao, lấn át thiên nhiên và hơi tù túng. Các tác giả vẫn nặng về tính diễn đạt nghệ thuật kiến trúc hơn phục vụ chuyên môn nghiệp vụ bảo tàng.

Một vấn đề khác được cả các nhà kiến trúc lẫn bảo tàng băn khoăn nhiều nhất: Độ ẩm. Đây là một trong những bất lợi lớn cho công tác bảo quản, giữ gìn hiện vật đối với bảo tàng, nhất là đối với một đất nước nhiệt đới như Việt Nam. Liệu có nhất thiết phải đặt bảo tàng giữa hồ nước như đề thi yêu cầu hay không?...

Theo thông tin từ Ban quản lý dự án, đến thời điểm này, tỷ lệ kết quả bình chọn của giới chuyên môn cho hai phương án kiến trúc đoạt giải A ngang nhau nhưng kết quả bình chọn trên mạng Internet lại tập trung khá nhiều cho phương án kiến trúc có mã hiệu 474447CV theo mô hình chim hạc.

Để đảm bảo tính khách quan, tất cả những phương án được bình chọn sẽ được trình lên Chính phủ quyết định. Song xét cho cùng, với một công trình mang nhiều ý nghĩa, có tầm vóc quốc gia này liệu có trở thành niềm tự hào của người dân Việt hay không vẫn phải trông chờ vào khả năng cũng như tâm huyết, ý thức trách nhiệm với đất nước của những người thực hiện

N.Hoa
.
.
.