Phước Sơn (Quảng Nam): Hoạt động thăm dò vàng gốc đang tàn phá môi trường

Thứ Ba, 06/04/2010, 14:24
Trong hơn 2 năm qua, việc thăm dò vàng gốc của Công ty Vàng Phước Sơn đã làm cho sông Đắk Sa lúc nào cũng ngầu đục bùn đất, nhân dân không có nước sinh hoạt; hàng chục hécta ruộng lúa nước bị cát đá do khai thác, thăm dò vàng gốc làm vùi lấp không thể sản xuất, đời sống nhân dân đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Theo giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cấp thì trong thời hạn 24 tháng, Công ty TNHH Vàng Phước Sơn (gọi tắt là Công ty Vàng Phước Sơn) được hoạt động thăm dò vàng gốc trên diện tích 4.200ha, thuộc địa bàn các xã: Phước Đức và Phước Xuân của huyện Phước Sơn, Quảng Nam. Trong hoạt động thăm dò phải thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn lao động, bảo vệ môi trường; trước khi tiến hành lấy mẫu công nghệ, phải đăng ký khối lượng, vị trí, thời gian, phương pháp lấy mẫu tại Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam để kiểm tra ngoài thực địa và giám sát thực hiện; nghiêm cấm mọi hoạt động khai thác trong quá trình thăm dò... Trường hợp Công ty Vàng Phước Sơn vi phạm Luật Khoáng sản sẽ bị thu hồi giấy phép và chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật về các vấn đề liên quan…

Song, ông Hồ Văn Che, Trưởng phòng TN&MT huyện Phước Sơn, xác định: Đến thời điểm này đã quá thời hạn quy định, Công ty Vàng Phước Sơn vẫn chưa có báo cáo kết quả thăm dò. Điều đáng nói, trong khu vực Công ty Vàng Phước Sơn được cấp phép thăm dò, thời gian qua, tình trạng đào đãi vàng trái phép, khai thác lâm sản trái phép diễn ra vô cùng phức tạp, môi trường sinh thái bị tàn phá làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn.

Khu vực Công ty Vàng Phước Sơn được phép thăm dò vàng gốc đều là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và một phần rộng lớn nằm trong diện tích rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh. Tại các cánh rừng này, tình trạng chặt phá, khai thác, buôn bán lâm sản trái phép diễn ra liên tục; các lực lượng chức năng tổ chức truy quét và đã phát hiện, bắt hàng trăm vụ vi phạm. Mới đây, Hạt Kiểm lâm Phước Sơn kiểm tra tại khu rừng tiểu khu 675, thuộc địa phận thôn 4, Phước Đức, phát hiện 4 cây xoan đào hơn 100 năm tuổi (đường kính trên 1m, có khối lượng gần 50m3 gỗ tròn), bị lâm tặc chặt hạ đang xẻ ra thành phách.

Tại nhiều khu vực khác của xã Phước Đức và Phước Xuân, lâm tặc  rất lộng hành. Chúng sử dụng xe máy, xe bò, xe ôtô, kể cả xe du lịch 7 chỗ ngồi để vận chuyển gỗ công khai… Tại xã Phước Đức có 5 thôn, với 2.500 nhân khẩu, đều là đồng bào dân tộc Mơ Nông, sinh sống dọc theo bờ sông Đắk Sa.

Gỗ và xe ôtô của lâm tặc bị các cơ quan chức năng huyện Phước Sơn tịch thu tại rừng Phước Đức, trong khu vực Công ty Vàng Phước Sơn thăm dò vàng gốc. Ảnh: Hoài Thương.

Trong hơn 2 năm qua, việc thăm dò vàng gốc của Công ty Vàng Phước Sơn đã làm cho sông Đắk Sa lúc nào cũng ngầu đục bùn đất, nhân dân không có nước sinh hoạt; hàng chục hécta ruộng lúa nước bị cát đá do khai thác, thăm dò vàng gốc làm vùi lấp không thể sản xuất, đời sống nhân dân đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Bên cạnh, do sự quản lý lỏng lẻo của Công ty Vàng Phước Sơn trong diện tích đất thăm dò, nên hàng trăm người từ nhiều địa phương khác kéo đến khai thác vàng, khai thác lâm sản trái phép, kéo theo tệ nạn xã hội...

Từ thực trạng trên, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, ông Phạm Thế Quyền khẳng định, đề án thăm dò vàng gốc Bộ TN&MT đã cấp phép cho Công ty Vàng Phước Sơn là không phù hợp với tình hình thực tế trong công tác quản lý về Nhà nước và TTATXH. Do đó, huyện Phước Sơn đề nghị chính quyền tỉnh Quảng Nam, Sở TN&MT kiến nghị Bộ TN&MT thu hồi lại diện tích đã cấp phép thăm dò vàng gốc cho Công ty Vàng Phước Sơn để tăng cường công tác ổn định ANTT địa bàn; giao đất, giao rừng cho nhân dân quản lý theo chủ trương Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, nhằm xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương

Hoài Thương
.
.
.