Thị trường đồ chơi cho trẻ ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6:

Phụ huynh thờ ơ với đồ chơi không rõ nguồn gốc

Thứ Bảy, 31/05/2014, 14:12
Năm nay, thay vì tìm đến các loại đồ chơi “Made in China” giá rẻ đang được bán tràn lan trên thị trường, nhiều bậc phụ huynh đã lựa chọn cho con mình những món quà tặng ngày 1-6 thiết thực và an toàn như sách, truyện, quần áo… Những quầy hàng kinh doanh đồ chơi dịp Quốc tế Thiếu nhi năm nay cũng không còn tấp nập như những năm trước.

“Chưa năm nào đồ chơi lại ế ẩm như năm nay”, chị Lan, chủ một cửa hàng đồ chơi tại phố Lương Văn Can than thở. Những năm trước, đồ chơi được nhập về để chuẩn bị ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6 bán khá chạy thì năm nay những cửa hàng bán đồ chơi chỉ nhập cầm chừng vì sợ không bán được hàng. Đây cũng là tình cảnh chung của rất nhiều cửa hàng kinh doanh đồ chơi tại phố Lương Văn Can, Hàng Mã. Quan sát những loại đồ chơi đang được bày bán ở nhiều cửa hàng đồ chơi trên địa bàn Hà Nội rất dễ nhận thấy chiếm số lượng nhiều vẫn là những đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc như búp bê, ôtô, bóng nhựa... Tuy nhiên, các loại đồ chơi này đều “2 không” không có tem hợp quy, phụ đề tiếng Việt. Lý do để năm nay các phụ huynh tỏ ra thờ ơ với những đồ chơi có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc bắt nguồn chính từ sự lo ngại độc hại cho con em mình.

Anh Mạnh Huy, trú tại phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội cho biết: “Cơ quan tôi tổ chức liên hoan 1-6 cho các cháu. Năm trước có mua đồ chơi nhưng năm nay chúng tôi không mua nữa. Mua đồ chơi giá rẻ của Trung Quốc thì sợ không an toàn cho các cháu. Chúng tôi chuyển sang tặng sách vở và tổ chức ăn uống cho các cháu”. Vâng, không lo ngại sao được khi hàng loạt các đồ chơi có nguồn gốc từ Trung Quốc như búp bê trái cây, thú nhún trẻ em và đồ chơi điều khiển dùng pin… đã được các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện có chứa chất phthalate vượt quá nhiều lần mức cho phép, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ.

Nhiều đồ chơi không rõ nguồn gốc bị lực lượng QLTT Hà Nội bắt giữ dịp Quốc tế Thiếu nhi 1-6 năm nay.

Đối lập với đó, những cửa hàng đồ chơi, thiết bị giáo dục an toàn cho trẻ thời gian gần đây lại khá đắt khách. Anh Cường, chủ cửa hàng đồ chơi trí tuệ 35 Lương Văn Can, Hà Nội cho biết: Số lượng đồ chơi giáo dục, an toàn cho trẻ bán có phần chạy hơn những năm trước. Mặc dù giá thành cao gấp 3,4 lần so với đồ chơi Trung Quốc nhưng những loại đồ chơi an toàn được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu vẫn được nhiều phụ huynh mua cho con.

Càng gần ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, để giúp trẻ tránh tiếp cận các sản phẩm đồ chơi độc hại và mua được các loại sản phẩm đồ chơi an toàn, các cơ quan chức năng như lực lượng Quản lý thị trường, Cảnh sát kinh tế đã ráo riết kiểm tra, kiểm soát các loại đồ chơi trẻ em lưu thông trên thị trường, đặc biệt là hàng Trung Quốc. Mới chiều 28/5, tổ công tác Đội Chống buôn lậu và buôn bán hàng cấm, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an TP Hà Nội đã bất ngờ kiểm tra kho hàng của Công ty TNHH Thương mại Tuấn Thành, phố Đại Đồng, Hoàng Mai, Hà Nội. Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện kho hàng chứa đồ chơi do Trung Quốc sản xuất, không hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc và đã lập biên bản tạm giữ hơn 2.000 sản phẩm đồ chơi các loại như búp bê, ôtô, máy xúc… Toàn bộ số hàng này được lãnh đạo công ty thừa nhận mua trôi nổi trên thị trường để phục vụ dịp Tết Thiếu nhi 1-6.

Theo ông Lưu Bách Chiến, Đội trưởng Đội QLTT số 2, Chi cục QLTT Hà Nội thì trong dịp Quốc tế Thiếu nhi 1-6 năm 2014, Đội đã tiến hành kiểm tra mặt hàng đồ chơi tại các cửa hàng kinh doanh trên phố Lương Văn Can, Hàng Mã... và phát hiện gần 1.000 đồ chơi không nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn chứng từ bao gồm các loại xúc xắc, siêu nhân, ôtô… Đội đã tiến hành tịch thu và tiêu hủy theo đúng quy định. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần thắt chặt công tác kiểm tra và xử lý tại các cửa khẩu. Có như vậy, những hàng hóa này mới không có cơ hội tràn sâu vào nội địa

Đình Phương
.
.
.