Phụ huynh phải từ bỏ thói quen chạy trường, chạy lớp

Thứ Bảy, 05/10/2013, 15:32
Đầu tháng 10, một khảo sát, nghiên cứu mới nhất của Tổ chức Hướng tới minh bạch tại Việt Nam về vấn đề tham nhũng trong giáo dục phổ thông đã được công bố. Điều khiến chúng ta không thể không lo lắng, quan ngại khi báo cáo chỉ rõ: tham nhũng tuyển sinh phổ biến ngay từ cấp học ban đầu, với chi phí hối lộ 3.000 USD để được vào một trường tiểu học danh tiếng và khoảng 300 - 800 USD cho một suất vào trường "thường thường bậc trung".
>> Luẩn quẩn vòng xoáy “chạy trường”

Đáng báo động hơn là đã có khoảng 30% phụ huynh tìm cách cho con vào học ở trường “điểm” trên các địa bàn trái tuyến, dẫn tới sự hình thành một hệ thống ngầm có liên quan tới những người môi giới thứ ba xúc tiến cho quá trình này. Hiện tượng này tập trung chủ yếu vào khu vực thành thị như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Hai tác giả thực hiện cuộc khảo sát về “chạy trường, lớp ở Việt Nam” là Stephanie và Đào Thị Nga – cán bộ của Tổ chức Hướng tới minh bạch tại Việt Nam cho biết: Có tới 67% phụ huynh học sinh coi việc phải tốn thêm chi phí để con cái được nhận vào trường tốt là bình thường, kể cả các trường mà con em họ thuộc diện đúng tuyến theo quy định tuyển sinh. Một số phụ huynh cho rằng, mức chi phí 1.000 USD để được nhận vào một trường tiểu học hàng đầu là “hợp lý” và “chấp nhận được”. Kết quả là các bậc phụ huynh sẵn sàng và tự nguyện đưa hối lộ để đổi lấy việc con cái họ được nhận vào một trường “điểm”. 

Vậy giải pháp nào để khắc phục tình trạng chạy trường lớp, hạn chế nạn tham nhũng trong giáo dục phổ thông? Nghiên cứu của Tổ chức hướng tới minh bạch cho thấy, Bộ GD & ĐT đã từng thiết lập một quy trình tuyển sinh chặt chẽ đối với các trường THCS. Nhiều Sở GD&ĐT cũng đã cố gắng chống tham nhũng trong tuyển sinh đầu cấp bằng một số biện pháp hành chính (ví dụ, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ban hành công văn yêu cầu các trường mẫu giáo công khai số lượng tuyển sinh cho mỗi độ tuổi cũng như thời gian tuyển sinh, ưu tiên cho trẻ đúng tuyến). Theo nhóm nghiên cứu, việc đầu tiên cần làm là phải chú trọng tới các biện pháp xã hội rộng hơn để nâng cao nhận thức về tác động tiêu cực của hiện tượng này. Truyền thông phải tuyên truyền mạnh mẽ về những hậu quả lâu dài và lan rộng của tham nhũng trong tuyển sinh vào các trường, phải chỉ rõ “chạy trường” cũng là một hình thức tham nhũng cần phải quyết liệt ngăn chặn, đấu tranh. Phụ huynh học sinh cần đồng lòng chấm dứt nạn “chạy” trường (bởi 80% các bà mẹ đóng vai trò quyết định trong việc chọn trường học cho con). Điều quan trọng hơn cả là sự cần thiết phải khôi phục lại lòng tin của các bậc phụ huynh đối với hệ thống giáo dục, nhằm giảm sự tự nguyện của họ khi tham gia vào các hành vi tham nhũng. Điều này sẽ không thể đạt được nếu không xử lý các hình thức tham nhũng khác trong ngành Giáo dục, ví dụ như thu trái phép các loại phí và tổ chức dạy thêm.

Thiết nghĩ, những khuyến nghị trên đây chỉ là bước đi ban đầu cho một giải pháp tổng thể. Những giải pháp này cần phải được thực hiện và tăng cường công tác giám sát, theo dõi từ Chính phủ và cả ngành Giáo dục. Quan trọng hơn cần phải có sự tham gia của gia đình và phụ huynh học sinh. Đồng thời, phải có những cải cách mạnh mẽ về chế độ chính sách để giảm bớt động cơ tham gia vào các hành vi tham nhũng của giáo viên như: cải cách lương giáo viên và thành lập các hiệp hội giáo chức nhằm góp phần cải thiện điều kiện làm việc cho giáo viên; xóa bỏ việc chấp nhận hối lộ và sẵn sàng “chạy” trường là yêu cầu cấp thiết, để đảm bảo sự ủng hộ rộng rãi của công chúng đối với các hành động chống tham nhũng trong tuyển sinh vào các trường

Thu Phương
.
.
.