Phòng ngừa heo bệnh về TP HCM: Quản lý chặt nguồn hàng

Thứ Sáu, 28/04/2006, 15:49

Gần đây, căn bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên heo tại tỉnh Lâm Đồng đã khiến người chăn nuôi và người tiêu dùng tại các tỉnh phía Nam lo âu. Chỉ tính riêng trong tuần qua, ngành Thú y TP HCM đã phát hiện và xử lý 103 con heo nhập lò để giết mổ có nguồn gốc phát sinh từ tỉnh có dịch bệnh, cụ thể là từ Lâm Đồng, Đồng Nai và Long An.

Điều khiến những người làm công tác thú y cũng đang vô cùng lo lắng là việc kiểm soát đường đi gia súc của các thương lái. Chiều 25/4, Chi cục Thú y TP HCM đã có cuộc họp khẩn với báo chí xung quanh vấn đề trên và nhằm thông báo các biện pháp chủ động đối phó của ngành…

Diễn biến phức tạp

Chi cục Thú y thành phố cho biết, nguy hiểm nhất của căn bệnh LMLM là bệnh có cơ chế lây lan rất mạnh, có thể qua nước bọt của thú bệnh nhốt chung, qua thức ăn nước uống, dụng cụ chăn nuôi, quần áo, giày dép của người và nhất là căn bệnh này có thể lây lan qua không khí. Bởi vậy lo lắng nhất là việc mua bán, vận chuyển thú bệnh đi qua nhiều vùng càng làm tăng khả năng phát triển của dịch.

Ngày 17/4, Chi cục Thú y Lâm Đồng cũng đã có công văn gửi các địa phương khác về việc tạm ngưng xuất nhập gia súc ra vào tỉnh vì trong thời gian từ ngày 25/3 tới 17/4 đã phát hiện dịch LMLM xảy ra tại 13 xã thuộc 6 huyện trên địa bàn tỉnh. Gần đây nhất là việc Trạm Thú y quận Bình Thạnh đã phát hiện tại lò mổ Nam Phong có 4 con heo có biểu hiện bệnh LMLM trong lô hàng 33 con nhập về từ Đồng Nai. Vấn đề ở chỗ Đồng Nai không phải địa phương có phát hiện của bệnh LMLM nên nghi ngờ heo bệnh đã được vận chuyển từ khu vực có bệnh về Đồng Nai để hợp pháp hóa giấy tờ, sau đó vận chuyển về TP HCM. Ngày 25/4, Chi cục Thú y Đồng Nai đã ra văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị đóng cửa tạm thời với các vựa heo sống trên địa bàn tỉnh để kiểm soát, vì đây chính là địa điểm thu gom tập kết heo mà các thương lái từ TP HCM lên mua.

Heo bệnh được phát hiện tại một lò mổ ở Tp.HCM.

Trong 2 tuần qua, lực lượng Thú y cùng cơ quan chức năng TP HCM đã tiếp tục bắt giữ và xử lý 19 trường hợp chủ vựa heo sống nhập nguồn heo bệnh. Và 15/19 trường hợp này tập trung ở lò heo Nam Phong với số heo tới 143 con. Trước tình hình trên, UBND TP cũng đã ra quyết định ngưng hoạt động của 3 vựa heo sống tại Tân Phú Trung, Củ Chi và Hóc Môn, phòng ngừa nảy sinh việc thương lái đem heo có mầm bệnh từ các tỉnh về thành phố vào những vựa heo này. Chiều 26/4, qua nguồn tin từ Chi cục Thú ý tỉnh Long An cũng cho biết, thú y vừa xử lý và phát hiện một trường hợp thương lái vận chuyển 4 con heo nái bị bệnh dịch, có nguồn gốc từ huyện Mađagui - Lâm Đồng. Được biết, bình quân lượng heo từ Long An về TP HCM là 1.100 tới 1.200 con/ngày.

Quản lý chặt nguồn gia súc từ tỉnh

Ông Huỳnh Hữu Lợi - Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP HCM cho biết, ngay trong tháng 1/2006, Chi cục Thú y thành phố đã tiến hành tiêm phòng bệnh LMLM cũng như cho xét nghiệm huyết thanh heo của các hộ nuôi trong vùng. Cùng thời điểm, UBND TP HCM cũng đã có Chỉ thị về việc tập trung phòng chống dịch cúm gia cầm. Đến nay, tỉ lệ tiêm phòng cho gia súc trong thành phố đã đạt 92%. Tuy nhiên, do mỗi ngày lượng thịt gia súc từ tỉnh về thành phố rất lớn, bình quân tiêu thụ sản phẩm động vật của thành phố hiện nay là 650-700 tấn/ngày, trong khi ngành chăn nuôi thành phố chỉ có khả năng tự cung cấp 15-20%.

Do vậy, "dường như" việc kiểm soát không nằm trong tầm tay của Chi cục Thú y thành phố. Được biết, hiện nay mới chỉ có Lâm Đồng là công khai dịch bệnh và có biện pháp ngăn chặn lưu thông ra ngoài tỉnh, còn lại một số tỉnh khác vẫn chưa công bố nên sẽ làm cho việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn hơn. Do vậy, Chi cục Thú y và các cơ quan chức năng ngoài việc tiến hành tăng cường kiểm tra kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, gia cầm trên các tuyến đường giao thông thì cũng cần chú ý đến các lò mổ.

Đồng thời, theo chỉ đạo UBND TP vừa qua đã ngưng hoạt động kinh doanh ở một số vựa gia súc (1 vựa heo sống ở Tân Phú Trung, Củ Chi và 2 vựa ở Hóc Môn). Trong trường hợp nếu phát hiện vựa gia súc có biểu hiện mua phải heo bệnh lập tức cho thu gom, nhốt trong vài ngày theo dõi nếu heo có biểu hiện bệnh sẽ thực hiện tiêu hủy. Toàn bộ chuồng trại sẽ được khử trùng, ngưng hoạt động

Huyền Nga
.
.
.