Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chủ động phòng, chống dịch bệnh ở mức cao nhất

Thứ Hai, 12/05/2014, 09:12
Ngày 11/5, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì buổi làm việc với Bộ Y tế về tình hình phòng, chống các dịch bệnh.
>> Bệnh viêm đường hô hấp cấp tính MERS-CoV nguy hiểm đang lan rộng

Theo Thứ  trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cả nước đã có 4.311 trường hợp mắc sởi xác định, trong số 17.594 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 62/63 tỉnh, thành, với 138 trường hợp nặng xin về và  tử vong liên quan đến sởi. Với bệnh tay chân miệng (TCM), cả nước đã có 18.659 trường hợp mắc ở hầu hết các địa phương trên cả nước, với 2 trường hợp tử vong.

Bộ Y tế nhận định, bệnh TCM có xu hướng gia tăng, trong khi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine, điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường còn chưa tốt, nên nguy cơ dịch gia tăng trong thời gian tới rất lớn, mà biện pháp chủ động đơn giản nhất là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Bệnh sốt xuất huyết (SXH) cả nước đã có hơn 8.000 trường hợp mắc, 4 trường hợp tử vong. Bệnh cũng chưa có thuốc và vaccine điều trị, trong khi đã vào mùa mưa, muỗi phát triển nhanh chóng là nguyên nhân khiến bệnh SXH có thể gia tăng.

Trước nhận định của các chuyên gia y tế về tình hình bệnh truyền nhiễm trong mùa hè, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế không được chủ quan trong phòng chống dịch bệnh, gồm cả dịch sởi và các dịch bệnh bắt đầu vào mùa như: SXH, TCM…; phải luôn luôn đặt trong tình trạng chủ động phòng chống dịch bệnh ở mức cao nhất, dứt khoát không để dịch chồng dịch. Ngành Y tế có thể dựa vào kinh nghiệm chống dịch SARS thành công của nước ta, để rút kinh nghiệm và áp dụng vào phòng, chống dịch hiện nay.

Phó Thủ tướng lưu ý, dù Bộ Y tế báo cáo số mắc sởi giảm, nhưng tổng số người nghi mắc sởi vẫn gia tăng. Có thể dịch sởi mới giảm về tốc độ nên tuyệt đối không được chủ quan. Đặc biệt, vẫn còn nhiều tỉnh, tỷ lệ tiêm vét vaccine sởi chưa đạt yêu cầu, khoảng trống về số lượng trẻ dưới 9 tuổi không còn miễn dịch từ mẹ và chưa đến tuổi tiêm vaccine cũng đặt ra nguy cơ dịch bệnh sởi thời gian tới.

Biện pháp duy nhất để đẩy lùi dịch bệnh sởi là tiêm vaccine phòng bệnh. Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai tiêm và tiêm vét vaccine sởi cho trẻ từ 9 tháng tuổi đến dưới 2 tuổi ở toàn bộ 63  tỉnh, thành. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 28 tỉnh, tỷ lệ tiêm vét vaccine sởi chỉ đạt 70-95%, thậm chí, Điện Biên và An Giang tỷ lệ tiêm chỉ đạt 65-70%.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, nguyên nhân của tình trạng này là do một số địa phương rất lơ là trong việc phòng chống dịch bệnh, chủ quan khi dịch bệnh chưa xảy ra trên địa bàn; việc tham mưu của các Sở Y tế với chính quyền địa phương chưa chủ động. Nhiều địa phương đưa lý do không rà soát được đối tượng cần tiêm chủng, nhưng cũng không báo cáo UBND địa phương. Cách quản lý các đối tượng cần tiêm chủng chưa tốt, do tình trạng biến động di cư như: Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM... ; nhất là vùng ven đô thị và nông thôn.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Bộ Y tế cần chỉ đạo quyết liệt hơn, thậm chí có thể phê bình những địa phương làm chưa quyết liệt, chỉ rõ trách nhiệm của ai, do đâu, đồng thời khen ngợi, động viên và nhân rộng mô hình làm tốt. Bộ phải siết chặt hơn việc tiêm các loại vaccine khác trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR), tránh lặp lại tình trạng người dân bỏ tiêm vaccine sởi như vừa qua.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế cần rà soát lại và so sánh tương quan giữa 30 loại vaccine phòng bệnh hiện nay với 11 loại trong Chương trình TCMR quốc gia, so sánh tương quan giữa vaccine dịch vụ và vaccine sản xuất trong nước, với tinh thần những gì liên quan đến số đông thì trình Chính phủ bổ sung các loại vaccine vào Chương trình TCMR quốc gia, đồng thời tăng cường quản lý tiêm dịch vụ, dứt khoát không để tình trạng dịch chồng dịch; phải chủ động, không để thiếu vaccine thủy đậu như vừa qua, làm ảnh hưởng công tác phòng dịch.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngành Y tế chủ động cung cấp thông tin, “truyền thông trước 1 bước”, kịp thời, trung thực, tạo niềm tin trong nhân dân; các thông điệp phòng chống dịch bệnh phải đơn giản, dễ hiểu nhưng cũng phải hấp dẫn, thì người dân dễ hiểu, dễ tiếp thu và làm theo.

Khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (US CDC)

Như CAND đã đưa tin, đã có thêm 13 ca tử vong tại Ảrập Xê-út vào ngày 9 và 10/5, do nhiễm virus gây hội chứng hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS-CoV), nâng tổng số người thiệt mạng lên 139 người kể từ khi dịch bệnh bùng phát, cùng số người nhiễm là hơn 500 người. Số mắc và tử vong tăng nhanh, khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các quốc gia hết sức lo ngại, vì tiến biến khó lường của bệnh MERS-CoV. Trước tình hình này, WHO và US CDC đã khuyến cáo:

Những người có các dấu hiệu sau cần thông báo cho các cơ sở y tế để được xác định có nhiễm MERS-CoV hay không: Người có dấu hiệu nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp, có thể có sốt trên 38°C), ho; nghi ngờ bệnh viêm phế quản phổi; có đi/đến vùng bán đảo Ảrập hoặc các nước láng giềng trong vòng 14 ngày; các triệu chứng viêm đường hô hấp chưa giải thích được rõ ràng về căn nguyên.

Lãnh đạo Bộ Y tế kiểm tra khả năng phòng, chống dịch ở BV Bệnh Nhiệt đới TW.

Các biện pháp dự phòng lây nhiễm MERS-CoV như đối với bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường hô hấp: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn; che mũi và miệng khi ho và hắt hơi v.v…

WHO và US CDC chưa khuyến cáo người dân không nên đến khu vực có người bị bệnh MERS-CoV, nhưng trước khi đi du lịch, cần tìm hiểu thông tin và biện pháp phòng ngừa bệnh này. Tuy nhiên, Bộ Y tế Ảrập Xê-út đã cảnh báo các công dân trên 65 tuổi, trẻ em dưới 15 tuổi, phụ nữ mang thai và những người bị bệnh mạn tính hủy kế hoạch hành hương tới đây trong năm 2014.

Những người có biểu hiện sốt hoặc ho, khó thở ít nhất trong vòng 14 ngày sau khi trở về từ các nước ở bán đảo Ảrập, hoặc các nước láng giềng, phải đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

PV

Thái Hoàng
.
.
.