Phó Chủ tịch xã trẻ gắn bó với đồng bào Mông

Thứ Tư, 09/10/2013, 19:45
"Tsi pâuz ntơưr, taov kangz tsi pâuz uô naox uô hâus" – hầu như chúng ta không ai biết những chữ này là gì, nhưng đây chính là “câu thần chú” của Đàm Đức Đông – Phó Chủ tịch xã trẻ của xã Hồ Bốn (Mù Cang Chải, Yên Bái) để vận động học sinh ra lớp.

Là một trí thức trẻ tham gia dự án tăng cường 600 tri thức trẻ lên miền núi làm Phó Chủ tịch xã, Đông bảo cũng phải học hỏi, trò chuyện với bà con lâu lắm mới rút ra được câu thần chú này, nói là bà con nghe. Nó có nghĩa là “không biết chữ thì sau này không biết làm ăn”.

Chúng tôi gặp Đàm Đức Đông trong một lần lên trao quà từ thiện của Báo CAND. Phó Chủ tịch 23 tuổi, mặt trẻ măng, cùng thanh niên trong bản treo băng rôn, hướng dẫn bà con vào nhận quà. Là người Kinh duy nhất chúng tôi gặp ở đó, nhưng Đông không có vẻ lạc lõng, mà hòa đồng như một người con của bản. Cái duyên đưa Đông đến Mù Cang Chải bắt đầu từ một thông tin tình cờ nghe được trên xe buýt vào cuối tháng 4/2011. Thấy radio đưa tin về chương trình tuyển 600 trí thức trẻ lên miền núi làm Phó chủ tịch xã, Đông nung nấu ý định tham gia và cái tên đầu tiên nảy ra trong đầu khi đó là Mù Cang Chải - cái xứ mà chỉ nghe đến tên đã thấy xa xôi.

Đông (áo trắng, ngồi) cùng các thanh niên trong xã.

Sau khi được chọn, Đông đã được cử lên xã Hồ Bốn, một xã nằm ở cuối huyện, khó khăn nhất. Tháng 3/2012, sau khi được HĐND xã bầu trúng cử chức danh Phó Chủ tịch UBND xã, Đông bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ. Cả xã có 21 cán bộ chỉ có Đông là người dưới xuôi lên, lại là người trẻ nhất, một chữ tiếng địa phương không biết, cũng chưa quen tập tục, văn hóa… quãng thời gian đầu khó khăn lắm. Địa bàn xã rộng lớn, lại toàn đồi núi, lên bản chỉ có đường đá và đất, lần đầu tiên chàng trai miền xuôi chính hiệu “nếm mùi” cực khổ của miền núi. Qua thời gian bỡ ngỡ, Đông nhanh chóng hiểu ra rằng mình phải hòa nhập với bà con trước, được bà con tin yêu rồi mới làm việc được.

Từ đó, Phó Chủ tịch xã trẻ chăm chỉ học tập cách làm việc của các đồng chí Chủ tịch, Bí thư Đảng ủy xã, quan sát cách giao tiếp với bà con. Đông cũng rất chịu khó cùng với các cán bộ khác xuống tận bản để nghe được trực tiếp tâm tư của nhân dân. Những lần xuống bản đã giúp Đông học được tiếng Mông và tìm được những “câu thần chú” của riêng mình.

Một trong những việc đầu tiên Đông bắt tay vào làm là vận động trẻ em ra lớp. Xã có bản Trống Trở là khó vận động nhất, nên Đông cùng với Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc trực tiếp phụ trách. Dù bản ở xa, nhưng hai người không ngại, thường xuyên đến thăm từng nhà. Đông bảo “Con nghé lúc bé nó chỉ đi theo trâu mẹ để ăn cỏ và bú sữa, đến lúc nó lớn mới cày ruộng được, nên trẻ con thì đừng bắt đi làm”. “Cho con đi học thường xuyên giống như việc ăn cơm, không ăn mấy hôm xem có chịu được không?”...

Những lời nói đó cứ mưa dầm thấm lâu, dần dà bà con đều nghe thấy phải. Cùng với đó, Đông cũng tổ chức những buổi họp bản để nhắc nhở những học sinh hay nghỉ học và chưa ra lớp. Người Mông tính tự trọng cao, bị phê bình, nhắc nhở trước cả bản, họ rất ngại. Thêm vào đó, họ còn hứa trước cả bản là sẽ cho con ra lớp thì họ sẽ thực hiện. “Vừa đấm, vừa xoa” như vậy, các cháu năm ngoái chưa ra lớp như Vừ A Dê con ông Vừ A Hờ, Vừ A Tủa con ông Vừ A Chơ đều được bố mẹ đưa xuống học. Ngoài vận động học hành, Đông còn tham gia vận động tổ chức đám cưới, đám ma gọn nhẹ. Dù bây giờ người dân cũng tiến bộ, ăn cưới chỉ 1 ngày nhưng còn thách cưới rất cao; đám ma thì vẫn rình rang 3, 4 ngày, mổ trâu, mổ bò, lại không cho người chết vào quan tài.

Để vận động người dân bỏ những thói quen hàng trăm năm đó, năm nay Hồ Bốn đã tổ chức hội nghị mời tất cả các già làng, trưởng dòng họ và người có uy tín để vận động. Đông chủ yếu tham mưu cho Chủ tịch UBND xã và Chủ tịch Mặt trận, vì 2 người rất có uy tín và biết “cái lý” của những người già. Tuy chưa thay đổi được 100% nhận thức của bà con, nhưng ít nhất, người dân cũng hiểu “cái lý” vì sao người chết không nên để lâu ngày trong nhà, vì sao chỉ thách cưới ít thôi. Đông cho biết các cán bộ xã quyết tâm khoảng 1, 2 năm nữa xã sẽ thực hiện được.

Hơn một năm gắn bó với xã Hồ Bốn, giờ đây Đàm Đức Đông đã là người con của các bản làng người Mông. Đường đi lại khó khăn ban đầu làm khổ Đông lắm, ngã không biết bao nhiêu lần, nhưng dần dà, Đông lại đâm ra gắn bó với những con đường. “Nếu tối nào phải ngủ lại bản vì xa không về kịp, thì sáng hôm sau về sớm, em sẽ có được cảm giác ta cao hơn cả mây trời, giống chốn "Bồng lai Tiên cảnh. Mà người dân xã em thân thiện lắm, nói chuyện bằng tiếng Mông rất vui”. Chính những kỷ niệm đó đã níu Đông ngày càng gắn bó với bản làng

Vũ Hân
.
.
.