Phiên họp đầu tiên của Chính phủ khoá XII: Bàn nhiều về tổ chức

Chủ Nhật, 05/08/2007, 20:43
Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu: Đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ có sự thay đổi Bộ trưởng thì cần tiến hành bàn giao ngay công việc để bảo đảm chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của Bộ đó được thường xuyên, liên tục.

Sáng 5/8, Chính phủ khoá XII đã tiến hành phiên họp đầu tiên dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức Chính phủ. Chiều cùng ngày, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo giới thiệu các nội dung cơ bản của phiên họp Chính phủ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo việc triển khai hợp nhất, giải thể, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, đổi tên một số Bộ và tiến hành bàn giao công việc giữa các Bộ trưởng nhiệm kỳ khóa XI với Bộ trưởng nhiệm kỳ khóa XII.

Theo đó, Bộ trưởng các Bộ: Công thương; Văn hoá - Thể thao và Du lịch; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y tế; Lao động - Thương binh và Xã hội; Thông tin và Truyền thông phải thực hiện bàn giao nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ và tổ chức, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức, tài chính, tài sản của các cơ quan đơn vị liên quan. Việc bàn giao hoàn tất trong tháng 8/2007.

Một số tổ chức của các Bộ cần sắp xếp để hợp nhất ngay như: văn phòng, thanh tra, tổ chức cán bộ, pháp chế, kế hoạch, tài chính… Đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ có sự thay đổi Bộ trưởng thì cần tiến hành bàn giao ngay công việc để bảo đảm chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của Bộ đó được thường xuyên, liên tục.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Nội vụ có trách nhiệm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các Nghị định, quyết định về việc sắp xếp, chuyển giao tổ chức, bộ máy theo đề án cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ khóa XII (hoàn thành trước ngày 15/8/2007)

 Các dự thảo gồm: Dự thảo Nghị định của Chính phủ về việc chuyển Tổng cục Du lịch vào Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch; dự thảo Nghị định của Chính phủ về chuyển giao Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ vào Bộ Nội vụ; dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển giao chức năng quản lý Nhà nước của Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em (nhiệm kỳ khoá XI) vào các Bộ tương ứng.

Theo đó, chuyển chức năng quản lý Nhà nước và tổ chức làm công tác dân số vào Bộ Y tế; chuyển chức năng quản lý Nhà nước và tổ chức làm công tác gia đình vào Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch; chuyển chức năng quản lý Nhà nước và tổ chức làm công tác trẻ em vào Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Bộ Nội vụ chuẩn bị dự thảo Quyết định của Thủ tướng về chuyển chức năng quản lý Nhà nước về báo chí, xuất bản và Cục Báo chí, Cục Xuất bản về Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trong tháng 8/2007, Bộ trưởng của các Bộ: Công thương; Văn hoá - Thể thao và Du lịch; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tin và Truyền thông; Y tế; Lao động Thương binh và Xã hội; Nội vụ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ mình phụ trách.

Trong tháng 9, tháng 10/2007, Bộ Nội vụ trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố thuộc Trung ương và dự thảo Nghị định quy định tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nhằm kiện toàn cơ quan chuyên môn ở địa phương, thống nhất với cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ khoá XII.

Tháng 10 và 11/2007, đối với các Bộ có Tổng cục và cấp tương đương thành lập mới hoặc cơ quan thuộc Chính phủ chuyển vào Bộ thì Bộ trưởng có trách nhiệm xây dựng và trình Thủ tướng dự thảo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu của Tổng cục và tương đương.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn việc bàn giao, tiếp nhận về tài chính, tài sản, trụ sở làm việc, trình Thủ tướng Chính phủ phương án bố trí, điều chuyển trụ sở của các cơ quan được hợp nhất.

Các Bộ, ngành phải làm tốt công tác tư tưởng và bảo đảm chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức. Việc đề bạt, nâng lương, điều chuyển cán bộ và tài sản phải do các đồng chí lãnh đạo mới quyết định.

* Trao đổi với phóng viên báo chí, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến có 31 nhiệm vụ, quản lý 6 mảng vấn đề lớn: báo chí, xuất bản, phát hành, in ấn, bưu chính, viễn thông.

Về quản lý báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tập trung thực hiện 5 giải pháp lớn. Một là hoàn chỉnh các giải pháp mang tính cơ bản như sửa đổi một số quy định của Luật Báo chí; quy hoạch, hình thành những tập đoàn báo chí mạnh; đào tạo công tác cán bộ. Thứ hai, hoàn chỉnh các quy chế quản lý để mỗi người trên các cương vị đều quản lý đúng trách nhiệm của mình. Thứ ba, kiện toàn các cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, gọn nhẹ nhưng phải có chuyên môn sâu. Thứ tư, phân cấp đầy đủ chức năng quản lý của cấp trên đối với báo chí. Thứ năm, hội nhập với thế giới trên lĩnh vực báo chí.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, mặc dù ba mảng nói trên trước đây thuộc 3 cơ quan độc lập, nay gộp vào một Bộ sẽ có những khó khăn ban đầu nhưng nhìn chung, giữa văn hoá, thể thao và du lịch có mối liên hệ mật thiết nên về lâu dài sẽ phát huy tốt hiệu quả. Bộ sẽ giải quyết tốt các mối quan hệ giữa văn hoá, du lịch và thể thao, xây dựng kế hoạch liên kết để quảng bá, tuyên truyền hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên cả ba lĩnh vực này.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, công nghiệp, thương mại có quan hệ mật thiết, nhất là trong điều kiện hội nhập nên việc sáp nhập không có nhiều khó khăn, về lâu dài sẽ là động lực tốt để phát huy hiệu quả.

Trong công nghiệp, Bộ sẽ đẩy mạnh tính cạnh tranh hàng hoá, sản phẩm, nâng cao chất lượng hàng hóa. Còn về thương mại, Bộ sẽ tận dụng những cơ hội trong điều kiện hội nhập. Giữa sản xuất và lưu thông sẽ tăng cường sự gắn kết, đó là vừa đẩy mạnh sản xuất, vừa xúc tiến mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

Phan Đăng
.
.
.