Phía thượng nguồn sông Hinh có một vùng đất học

Chủ Nhật, 17/02/2013, 20:04
Nằm ở thượng nguồn sông Hinh xanh biếc, buôn Hai Krông, xã Ea Bia, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên thanh bình yên ả với con đường uốn lượn giữa hai dãy nhà sàn kết nối màu xanh mượt mà của vườn rừng. 15 năm qua Hai Krông không chỉ là buôn văn hóa kiểu mẫu, mà nơi ấy còn là vùng đất học nuôi dưỡng hơn 30 người trở thành cử nhân và nhiều con em khác đang học đại học, cao đẳng - một kỳ tích hiếm thấy ở các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ “người thầy” có công khuyến học

Đã hẹn trước nên Ksor Y Diêu - Phó Chủ tịch UBND xã Ea Bia đón tôi bên suối Eathong Plum, dẫn đường tới nhà Ma Vi - già làng được đồng bào Hai Krông ví như “người thầy” có công khuyến học ở buôn làng. 81 tuổi đời, 31 năm tuổi Đảng, nhưng trí lực Ma Vi còn rất tốt, nên vẫn đọc sách báo, viết tiếng Việt và Ê đê. Khi nghe tôi hỏi một thời đã qua, Ma Vi tâm sự: “Tui sinh trưởng trong gia đình dân tộc Ê đê ở vùng đất này. Kháng chiến chống Pháp tui làm giao liên cho bộ đội Việt Minh, sau đó lên Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk học văn hóa. Hết lớp 4, tui về Ea Bia năm 1956 làm cơ sở hoạt động hợp pháp hai năm được phân công đội trưởng đội du kích xã, tham gia đào hầm chông, làm cung nỏ chống càn. Năm 1962, địch huy động hàng trăm binh lính với sự hỗ trợ xe tăng, bọc thép, mở nhiều cuộc càn quét, xóa trắng buôn làng, dồn dân lập ấp chiến lược, tui cùng một số cán bộ lùi về xã Sông Hinh tiếp tục hoạt động du kích…”. Dừng lại trong chốc lát như để tưởng niệm những đồng đội của mình đã nằm lại ở rừng, Ma Vi kể tiếp: “Năm 1966, đồng bào đồng loạt nổi dậy phá ấp chiến lược, kéo nhau về lại buôn làng sinh sống. Từ đó tui được giao làm thư ký rồi thường trực xã Ea Bia thời gian dài mới nghỉ hưu sau khi đảm trách một nhiệm kỳ Chủ tịch UBND xã Ea Bia (1984-1989)…”.

Đường vào buôn Hai Krông.

Hơn chục năm sau, Ma Vi cùng Y Điêng - nhà văn Việt Nam ở thị trấn Hai Riêng được mời phụ trách bản tin thời sự tiếng Ê đê ở Đài truyền thanh huyện Sông Hinh và dạy tiếng Ê đê cho công chức, cán bộ chiến sĩ Công an. Tuần nào Ma Vi cũng cọc cạch xe đạp hơn ba cây số ra phố huyện, dịch bản tin tiếng Việt sang tiếng Ê đê, rồi tự mình đọc trước thiết bị thu phát của đài truyền thanh. Những bản tin do ông và nhà văn Y Điêng thực hiện không chỉ chuyển tải nhiều chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước, thông tin thời sự nổi bật, mà còn góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, bồi dưỡng kiến thức y tế môi trường- văn hóa xã hội - khoa học kỹ thuật… cho đồng bào Ê đê ở nhiều buôn làng. Ma Vi truyền đạt ngôn ngữ Ê đê khá dễ hiểu, nên sau một thời gian ngắn học viên có thể giao tiếp với đồng bào. Khi đề cập đến chuyện đất học, nhiều cán bộ xã Ea Bia cho biết, để được vinh danh buôn…cử nhân, Ma Vi là người dày công phối hợp chính quyền, nhà trường vận động đồng bào đưa con em đến trường, đẩy lùi tập tục lạc hậu, từng bước nâng cao dân trí, đổi mới đời sống văn hóa…

Già làng Ma Vi (người có công khuyến học ở buôn Hai Krông) tiếp chuyện phóng viên.

Đến vinh danh buôn… cử nhân

Người đầu tiên học giỏi và thành đạt ở Hai Krông là con trai Ma Vi. Anh Lô Mô Tu thi đậu khoa y Đại học Tây Nguyên năm 1990, Ma Vi bày tiệc rượu mời mọi người đến chia vui, rồi vận động đồng bào cho con em mình đi học cái chữ thật giỏi để vượt khó, thoát nghèo. Từ đó phong trào học tập ở Hai Krông chuyển đổi tích cực, đến nay đã có hơn 30 cử nhân và nhiều con em khác đang học đại học, cao đẳng.

Năm 1996, anh Lô Mô Tu về làm bác sĩ Bệnh viện huyện Sông Hinh rồi lần lượt đảm nhiệm Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng, Phó Chủ tịch UBND huyện, Bí thư thị trấn Hai Riêng và bây giờ là Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Sông Hinh. Ksor Bách tốt nghiệp Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, hiện là thẩm phán TAND huyện Sông Hinh. Ksor Phan, Y Ky, Y Xuân, Ksor Y Bin, Y Zú tốt nghiệp các Trường Đại học Nguyễn Huệ ở Đồng Nai, Đại học Trần Quốc Tuấn ở Hà Nội. Bây giờ 5 chàng trai đều là sĩ quan quân đội ở Phú Yên. Các anh, chị Lê Mô Y Trưng, Y Sóa, Y Dương, Nay Hờ Ring, Hờ Bay, Nay Y Toàn, Hờ Nhai, Hờ Đom, Hờ Nhum, Y Hai, Nay Y Tuân, Nay Hờ Oanh… tốt nghiệp các khoa toán, hóa, thể dục thể thao, công tác xã hội, văn hóa, sư phạm tiểu học Đại học Quy Nhơn, Đại học sư phạm TP Hồ Chí Minh và đang công tác tại một số trường học ở Sông Hinh. Còn Y Thái, HLin, HKin, Y Rung, Ma Din, Ma Viên là những cán bộ công chức ở huyện và xã cũng đang theo hệ đại học tại chức kinh tế - luật, công tác xã hội, nông lâm do Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Phú Yên liên kết với các trường đại học đào tạo. Trước khi đảm nhiệm Phó Chủ tịch UBND xã Ea Bia, Ksor Y Diêu đã tốt nghiệp khoa sư phạm Đại học Tây Nguyên.

Trong số những cử nhân ở Hai Krông có hai trường hợp nỗ lực vượt khó, thành đạt. Đó là Y Sóa mất mẹ từ niên thiếu, cha đi bước nữa, mỗi ngày anh không chỉ lên nương rẫy trồng ngô, lúa để kiếm cơm nuôi chị bị bệnh thường xuyên, mà còn chăm chỉ học tập, lấy bằng cử nhân công tác xã hội Đại học Quy Nhơn và bây giờ là cán bộ xã Ea Bia. Nay Y Tuân cha mẹ đều mất sớm, bà nội già yếu, ngoài miếng cơm, tấm áo người dì hỗ trợ, Tuân gồng mình trên nương rẫy trồng khoai, trỉa bắp và kiên trì đến trường. Bây giờ anh là giáo viên Trường cấp 2-3 Tân Lập, huyện Sông Hinh sau khi tốt nghiệp Đại học Quy Nhơn… Với riêng già làng Ma Vi, ngoài huy hiệu 30 năm tuổi Đảng, ông còn có Huân chương Chiến công hạng ba, Huy chương Cựu chiến binh Việt Nam và Huy chương Vì sự nghiệp tư tưởng văn hóa.

Rời thượng nguồn sông Hinh, tôi nhớ mãi nỗi trăn trở của Ma Vi khi ông bày tỏ “Hai Krông có 81 gia đình với 335 nhân khẩu và đã có chừng ấy cử nhân cùng nhiều con em khác là sinh viên đại học, cao đẳng. Đó là niềm vui lớn của buôn làng, nhưng niềm vui đó cần phải nhân lên nhiều hơn trong thời gian tới”

Hữu Toàn
.
.
.