Phía sau Trường Sa là Tổ quốc

Thứ Hai, 20/06/2016, 10:43
“Em muốn sống!” - khao khát cháy bỏng đó là của Trần Thị Lan, cô gái 25 tuổi nhưng chỉ cao có 1m30, nặng chưa đầy 30kg, em của một người lính đã hàng chục năm gắn bó với biển đảo - anh Trần Văn Khẩn (hiện là y sỹ của tàu Kiểm ngư 490, Chi đội Kiểm ngư vùng 4). Bệnh tật từ nhỏ, Lan không có mơ ước gì cao siêu, ngoài ước mơ được sống.


Trở về đất liền sau chuyến công tác Trường Sa cùng tàu KN 490 vào đầu tháng 6 này, Hoàng Thị Tuyết, phóng viên của Trung tâm Thông tin Điện lực nhận được cuộc gọi rụt rè từ một người lính đảo, anh Trần Văn Khẩn, nhờ giúp đỡ người em bệnh tim của mình. Nếu không được mổ, thời gian của Lan còn lại không nhiều. Nhưng nếu mổ, chi phí lên đến hàng trăm triệu, hoàn cảnh gia đình không thể lo nổi.

Gia đình có 10 anh em, tất cả trông vào đồng ruộng, chỉ có anh Khẩn là có thu nhập ổn định, nhưng lương cán bộ nhà nước, chẳng bao giờ mơ nổi con số trăm triệu. Hoàn cảnh quá đáng thương, trong lúc Lan nằm viện, Phòng Công tác xã hội của Bệnh viện Bạch Mai cũng lên tiếng kêu gọi các “Mạnh Thường Quân” tài trợ, để em có một con đường sống.

Bác sĩ Phạm Tuấn Việt, điều trị bệnh nhân cho biết: Bệnh nhân có hoàn cảnh rất đặc biệt. Lan sinh năm 1991 (quê ở xóm 7, An Hòa, Kim Sơn, Ninh Bình), vào viện ngày 30-5 với chẩn đoán hẹp chủ khít van động mạch chủ hai lá van, hẹp eo động mạch chủ, hẹp khít đoạn đầu động mạch chủ xuống. Năm 16 tuổi, đã phải xạ trị một lần vì ung thư buồng trứng, nay lại gặp căn bệnh quái ác này, Lan còm cõi như một cô bé 14 – 15, chỉ cao 1m30, nặng 27kg.

Đoàn công tác số 15 đến thăm và tặng quà gia đình Thượng úy Hoàng Anh Tuấn.

“Nhà có 10 anh chị em, mất một, còn 9. Bố tôi đã mất cách đây 12 năm vì ung thư vòm họng, mẹ thì năm nay đã 64 tuổi vẫn phải làm ruộng. Lan là con thứ 8, ốm quanh năm không làm ra tiền, chỉ trông vào tiền bảo trợ 360.000 đồng/tháng, còn lại gia đình phải nuôi. Chi phí bệnh viện đến hàng trăm triệu, thì chúng tôi không biết kiếm đâu ra đủ tiền cho em mổ” – người chị gái đang chăm sóc Lan tại bệnh viện rơi nước mắt cho biết.

Được biết, anh Khẩn đã tính đến việc “cắm” sổ lương để vay tiền, với hi vọng “còn nước còn tát”, bởi không ai nỡ lờ đi cái ước mơ được sống của Lan. Được tin này, đoàn công tác số 15, bao gồm các phóng viên và cán bộ, công nhân viên của EVN lập tức lên kế hoạch kêu gọi mọi người quyên góp.

Mỗi chuyến công tác ra Trường Sa đều nối thêm được những sợi dây liên kết giữa đảo với đất liền như vậy. Lính đảo không chỉ còn là một hình tượng nữa, mà là những gương mặt cụ thể, là những người anh, người em đã gạt sang bên những khó khăn của riêng mình để làm nhiệm vụ. Và đất liền cũng không bao giờ để lính đảo cô đơn.

EVN đã dự kiến dành số tiền 50 triệu tài trợ cho Lan, còn lại thiếu đâu thì mọi người vận động. Rất may, vào ngày 17-6, mọi người nhận được tin Bệnh viện Bạch Mai đã tìm được người tài trợ cho Lan toàn bộ chi phí mổ. Lan đã có thêm một cơ hội. Anh Khẩn, giờ này có lẽ đang lênh đênh trên biển, cũng được yên lòng.

Trong số những người lính đang làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo Tổ quốc, những hoàn cảnh éo le như anh Khẩn không phải là duy nhất. Thượng úy Hoàng Anh Tuấn – bác sỹ quân y của điểm đảo Núi Le A cũng có hoàn cảnh rất khó khăn. Bố anh là bộ đội chống Mỹ, bị nhiễm chất độc da cam, nên 3 người con anh sinh ra đều bị ảnh hưởng.

Các cháu đều hơn 6 tháng đã sinh, nuôi vô cùng vất vả, riêng cháu thứ 2 sinh không bao lâu thì mất. Anh Tuấn quanh năm ở đảo, vợ anh ở nhà quanh với mẹ già và 2 đứa nhỏ đã đủ bận, không làm nổi việc gì. Gánh nặng kinh tế nằm hoàn toàn trên vai anh. Biết hoàn cảnh này, ngay ở trên tàu, đoàn công tác đã quyên góp được 48,5 triệu đồng.

Ngày 16-6, EVN đã cử đại diện đến thăm và tặng quà gia đình anh Tuấn. Qua giai đoạn vất vả nhất, con lớn của anh – cháu Hoàng Tiến Minh hiện đã học lớp 5, rất khôi ngô và sáng dạ. “Cháu vừa đạt giải nhì giải toán qua mạng cấp huyện. Bao công nuôi vất vả, nay cũng được đền đáp” – bà nội Minh nay đã 80 tuổi hồ hởi khoe. Vất vả chưa qua hết, vì các con anh Tuấn đều còn bé, mẹ già thì mỗi ngày thêm tuổi, những chuyến công tác Trường Sa của anh có thể cũng còn nối dài, nên nguyện vọng lớn nhất của anh Tuấn lúc này là vợ có việc làm để chia sẻ phần nào gánh nặng.

Một trường hợp khác là cô con gái 7 tháng tuổi của Trung úy Nguyễn Hữu Thủy, đảo Tốc Tan C. Anh Thủy quê ở Nghệ An, vào Hải quân đến nay đã được 15 năm, đi công tác khắp các đảo, đến 35 tuổi mới lập gia đình. Cưới xong, anh đi đảo, con anh 7 tháng tuổi chưa được gặp bố. Ngày đoàn ra công tác, anh Thủy đang lòng dạ như lửa đốt vì con gái bị thủy đậu, nhà lại chỉ có 2 mẹ con loay hoay với nhau.

Nhà báo Phan Văn Hòa – Báo Văn hóa, hay tin, lập tức gọi điện cho nhà báo Lê Bá Dương (tác giả của 4 câu thơ nổi tiếng “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi đôi mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi ngàn năm”), thường trú Báo Văn hóa tại Nha Trang đến hỗ trợ 2 mẹ con. Đang ngủ, anh Lê Bá Dương cũng lập tức bật dậy đến bệnh viện. Ngày đoàn công tác về bờ cũng là ngày anh Hòa hay tin cháu đã khỏi bệnh và đã được về nhà…

“Phía sau Trường Sa là một dải đất liền, là Tổ quốc, là dân tộc hơn 90 triệu người không bao giờ để Trường Sa cô đơn. Chúng tôi chỉ mong chính sách hậu phương quân đội đã được làm tốt rồi, thì càng được làm tốt hơn nữa, để anh em lính đảo yên tâm nơi đầu sóng, ngọn gió” – Đại tá Hoàng Ngọc Dương, Trưởng phòng Dân vận, Bộ Tư lệnh Hải quân, tâm sự.

Vũ Hân
.
.
.