Phát triển thương hiệu “Sen Huế” bền vững

Thứ Tư, 14/04/2021, 08:28
Tỉnh Thừa Thiên-Huế đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để mở rộng hàng trăm hécta trồng sen, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn liền với thương hiệu “Sen Huế” phục vụ thị trường tiêu dùng và du lịch sinh thái.


Nhiều năm qua, sen Huế đã có thương hiệu nổi tiếng với các sản phẩm như hoa sen, hạt sen, trà sen mang hương vị đặc trưng của địa phương. Tại nhiều làng quê ở tỉnh Thừa Thiên-Huế, cây sen không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn gắn liền với đời sống và nét đẹp văn hóa của vùng đất, con người. Ngoài vẻ đẹp của hoa sen, các bộ phận của cây sen từ hoa, lá, ngó, gương, hạt đều được sử dụng làm món ăn, các vị thuốc có giá trị trong y học cổ truyền.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế, nếu như trước đây, các giống sen quý được gieo trồng tại hồ Tịnh Tâm và một số hồ bao quanh Kinh thành Huế thì hiện nay một số giống sen có giá trị kinh tế đã được người dân ở các huyện, thị xã như Phú Vang, Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thủy đưa vào trồng và cho năng suất cao.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế mở rộng diện tích trồng sen.

Thống kê, từ năm 2107 đến nay, diện tích trồng sen ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế không ngừng tăng lên đạt gần 500ha, năng suất hạt khoảng 1,5 đến 4 tấn/1ha, giá bán lẻ từ 30-60 nghìn đồng/1kg hạt, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Không ít hộ dân mạnh dạn chuyển diện tích trồng lúa 1 vụ, 2 vụ sang trồng sen. Tuy nhiên, diện tích trồng sen tại nhiều địa phương vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu kỹ thuật nên năng suất và chất lượng chưa đạt yêu cầu.

Ông Hoàng Độ ở thôn Sơn Tùng, xã Phong Hiền (Phong Điền), là một trong những hộ dân trồng sen đầu tiên tại tỉnh Thừa Thiên-Huế. Theo ông Độ, nhiều năm qua, giống sen được người dân địa phương trồng chủ yếu là giống sen trắng Tịnh Tâm và sen hồng cao sản. Do địa bàn tỉnh chưa có đơn vị sản xuất, cung ứng giống sen nên phần lớn người trồng sen sử dụng giống sen lưu gốc hoặc tự nhân giống bằng hạt.

“Cứ vào vụ trồng sen mới thì người trồng sen ở địa phương hoặc các xã lân cận lại gặp khó khăn về nguồn giống sen. Gia đình tôi hiện có hơn 15ha trồng sen nhưng nguồn giống chủ yếu do lưu gốc từ vụ mùa trước để lại. Với diện tích sen này, tôi chỉ đủ cung ứng nguồn giống cho một số ít hộ dân trồng sen khác chứ không thể cung cấp đại trà được”, ông Độ cho hay.

Ngoài khó khăn về nguồn giống, giá thành các sản phẩm sen Huế cũng không ổn định khiến người trồng sen lo lắng, vì thường bị thương lái ép giá, phụ thuộc vào thị trường tiêu dùng. “Sen thường được trồng từ tháng 2 đến tháng 7 âm lịch thì cho thu hoạch. Đây là loại cây dễ trồng, khả năng sinh trưởng, phát triển tốt ở các ao, hồ, hói cụt, đất ruộng trũng, sâu bùn, có nguồn nước không bị ô nhiễm.

Sen Huế luôn được đánh giá chất lượng cao, được thị trường tiêu dùng ưa chuộng hơn so với các sản phẩm sen khác. Tuy nhiên, giá thành sản phẩm sen lại lúc cao, lúc thấp, không ổn định. Như việc tiêu thụ hạt sen do thương lái định giá và thu mua ngay tại ruộng nên có mùa được giá, có mùa lại mất giá khiến người trồng sen thấp thỏm lo lắng”, ông Nguyễn Văn Bảy, chủ hồ sen ở thị xã Hương Trà bày tỏ.

Nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng đất đai, phát huy lợi thế giá trị của cây sen, tạo sự dịch chuyển mang tính bền vững từ phương thức sản xuất cũ sang phương thức sản xuất mới theo chuỗi giá trị, góp phần bảo vệ nguồn gen, kết hợp du lịch sinh thái và ẩm thực của Huế, nâng cao thu nhập cho nông dân, mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ban hành kế hoạch về việc phát triển trồng sen giai đoạn 2021-2025; mở rộng diện tích trồng mới cây sen đạt 745ha đến năm 2025, trong đó sen cao sản lấy hạt khoảng 85-90% diện tích, sen địa phương từ 10-15% diện tích; năng suất bình quân 18-20 tạ/ha, sản lượng ước đạt khoảng 1.200-1.400 tấn hạt/năm.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho hay, tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT tỉnh và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các giải pháp về kỹ thuật giống, đất đai, tổ chức sản xuất, thông tin tuyên truyền và khuyến nông, cơ chế, chính sách mở rộng thị trường tiêu thụ để phát huy lợi thế giá trị của cây sen.

Bên cạnh đó, khuyến khích người trồng sen liên kết với các đơn vị để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ sen, kết nối hệ thống siêu thị, các điểm du lịch làm cầu nối để tiêu thụ sản phẩm, hướng đến xây dựng nhãn hiệu “Sen Huế”.

Đặc biệt, tỉnh sẽ chú trọng công tác đào tạo, tập huấn cho những hộ nông dân nhằm nâng cao trình độ về kỹ thuật thâm canh bền vững cây sen, các giải pháp kỹ thuật tiên tiến để cải tạo, chăm sóc sen theo hướng VietGAP; phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế và các trung tâm nghiên cứu trong và ngoài tỉnh để nghiên cứu đưa vào bảo tồn, phát triển nguồn gen sen Huế thông qua phương pháp nuôi cấy mô để giúp phát triển bền vững nghề trồng sen, tăng hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho nông dân trên địa bàn…

Anh Khoa
.
.
.