Phát triển du lịch lữ hành ở ĐBSCL: Cái khó đang bó cái khôn

Thứ Bảy, 05/04/2008, 11:02
Miệt vườn sông nước Cửu Long là một "sản phẩm" du lịch lữ hành (DLLH) từ lâu đã thu hút du khách trong và ngoài nước. Nhưng một thực tế đáng buồn là từ xưa đến nay, khách du lịch nội địa và quốc tế đến với khu vực này đều phải qua các trạm "trung chuyển" tại Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh.

Một lẽ đơn giản là ngành DLLH ĐBSCL chưa đủ sức để đón khách từ các thành phố lớn của cả nước…

Thống kê của Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho thấy, lượng khách lữ hành quốc tế đến với ĐBSCL chiếm 15% của cả nước. Nhưng có đến 95% du khách là do các doanh nghiệp lữ hành ngoài vùng (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) đưa đến. Khả năng thu hút trực tiếp khách vào của các doanh nghiệp lữ hành ĐBSCL là rất yếu. Nếu nói về khả năng cạnh tranh trong DLLH thì gần như bằng không. Hiện tại, các doanh nghiệp trong vùng chủ yếu kinh doanh khách nội địa, đưa người ra nước ngoài du lịch.

Dạng khách hàng như vậy tại ĐBSCL không nhiều và thường có xu hướng chọn các doanh nghiệp lớn tại TP Hồ Chí Minh. Nhìn vào mặt bằng DLLH ĐBSCL, không ít người ngán ngẩm, nên việc thua trên sân nhà là điều hiển nhiên. Tại 13 tỉnh, thành của khu vực, chỉ có 18 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, chiếm khoảng 2,8% cả nước.

Một nửa số doanh nghiệp tập trung ở tỉnh Tiền Giang. Ngay tại thành phố có điều kiện như Cần Thơ, trái tim của du lịch đồng bằng cũng chỉ có duy nhất 1 doanh nghiệp. Đặc biệt, có đến 6 tỉnh gồm Long An, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Sóc Trăng và Hậu Giang không có một doanh nghiệp nào.

Vì sao DLLH ĐBSCL quá nghèo nàn? Không quá khó để tìm câu trả lời. Vì việc khai thác tiềm năng lại không do chính những người làm du lịch tại địa phương đảm nhận nên khó có thể tìm thấy những tour, tuyến hấp dẫn, mang tâm huyết của cư dân địa phương.

Phần lớn những người mặn mà với DLLH lại không chọn nơi đây để đầu tư ý tưởng. Thế nên, địa phương mạnh ai nấy làm dựa trên tiềm năng của địa phương, trùng lặp là chuyện tất yếu. Một tuyến lữ hành xuyên đồng bằng, tập trung những đặc trưng, tinh túy của văn minh sông nước vẫn chỉ là mơ ước.

Theo ông Đinh Viết Khanh - Giám đốc Sở Du lịch Cần Thơ, ĐBSCL không thiếu tiềm năng và tâm huyết, thế nhưng nhân tài khan hiếm là một cản trở không nhỏ trong việc phát triển DLLH. Nhân sự kiện Năm du lịch quốc gia Mekong - Cần Thơ 2008, trong các cuộc hội họp, đại diện Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch thường xuyên nhấn mạnh: "Các địa phương trong khu vực nhanh chóng thành lập nhiều hơn những doanh nghiệp lữ hành".

Nhưng để cho một doanh nghiệp ra đời và trường tồn trên thực trạng nghèo nàn là quá khó. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp ào ạt ra đời cùng lúc nhưng lại khai thác trên những điều kiện, hình thức giống nhau thì việc giẫm đạp lên nhau là không tránh khỏi.

Ngoài chuyện thiếu vốn đầu tư, hạ tầng kém phát triển thì căn bệnh "nan y" góp phần đáng kể làm cho du lịch ĐBSCL yếu kém và lạc hậu lâu nay chính là yếu tố con người. ĐBSCL hiện có tới 1 triệu người tham gia hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến 2 chữ "du lịch" nhưng trong số này có 58% không qua trường lớp nghiệp vụ nào, 15% ở trình độ trung, sơ cấp, một số ít có trình độ đại học nhưng đa phần bằng cấp không liên quan gì đến du lịch.

Thực trạng của du lịch đồng bằng luôn được các nhà chuyên môn nhìn nhận cặn kẽ, thế nhưng chưa thấy một giải pháp khắc phục nào ngoài những liên kết kiểu "tam giác", "tứ giác" còn mang đậm tính hình thức. Năm du lịch quốc gia, đã có ý tưởng về một con đường lữ hành kết nối các lễ hội tại vùng ĐBSCL.

Dĩ nhiên đó là một ý tưởng đột phá, nhưng tính khả thi của nó vẫn là một điều quá xa khi mặt bằng nhân sự cũng như điều kiện của các địa phương và cao hơn là sự quyết tâm của cả vùng vẫn còn mờ nhạt

Nam Thơ - H.Phong
.
.
.