Phát triển Du lịch Tây Bắc - Cần một cú hích từ sự liên kết vùng

Thứ Sáu, 15/04/2016, 15:04
Đẹp, hoang sơ và đầy thử thách là những ấn tượng của du khách khi đến với Tây Bắc. Sức hút trên cung đường Tây Bắc là rất lớn, tuy nhiên, cho đến nay lượng khách du lịch đến Tây Bắc còn khá khiêm tốn, mang tính rời rạc, quy mô nhỏ; tăng trưởng chậm, lưu lại ngắn ngày và không đều đang là nút thắt kìm hãm sức hút đầu tư và khả năng sinh lợi cho tài nguyên du lịch của Vùng.

Để giải quyết nút thắt này, ngày 15-4 tại Hà Nội, Bộ VHTT&DL, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức hội thảo “ Thực trạng và giải pháp thu hút khách du lịch đến với vùng Tây Bắc” với mong muốn khơi thông dòng khách du lịch tới Tây Bắc.

Theo thống kê, năm 2015, lượng khách đến toàn Vùng đạt trên 8,9% triệu lượt ( tăng 3%), trong đó khách quốc tế đạt 1,6 triệu lượt, tăng 6,5%. Tính gộp cả khách đi lại giữa các địa phương là 13 triệu lượt. Với độ dài lưu trú ngắn 1,5 ngày. Qua đây, có thể thấy, lưu lượng khách đến Tây Bắc quá nhỏ, chỉ chiếm 5-7% trong lượng ngày - khách cả nước.

Quang cảnh hội thảo.

Để thúc đẩy sự tăng trưởng lượng khách du lịch đến với Vùng Tây Bắc, bà Trần Thị Việt Hương - Giám đốc Ban tiếp thị Vietravel cho rằng, khách đi tour Tây Bắc tại Vietravel có sự tăng trưởng mạnh trong những năm qua. Vào mùa thấp điểm mỗi tuần đơn vị đưa 2-3 đoàn lên Tây Bắc; tháng 9 từ 4-5 đoàn/ tuần, đơn vị sử dụng cơ sở lưu trú 2-3 sao, mùa cao điểm việc cháy phòng là thường xuyên, do vậy doanh nghiệp mong muốn có mức giá ổn định và địa phương tăng cường đầu tư hạ tầng ở mức 2-3 sao là phù hợp nhất. Đặc biệt, là giữ và xây dựng văn hoá vùng cao. Trong đó, xây dựng các sản phẩm văn hoá vùng cao Tây Bắc là sản phẩm văn hoá du lịch định kỳ. Bên cạnh đó, cần liên kết với nhau tạo thành một chuỗi sản phẩm, phối hợp xây dựng liên kết đường bộ, đường sắt. Du khách có thể sử dụng 1 vé có thể đi lại bằng tất cả các phương tiện di chuyển trên vùng Tây Bắc.

Theo ghi nhận của các doanh nghiệp lữ hành, gần đây, một số bản làng, tư nhân đã biết dựa vào địa lý tự nhiên và nét đặc thù của bẳn sắc dân tộc địa phương sáng tạo ra nhiều mô hình du lịch góp phần nâng cao sản phẩm du lịch Tây Bắc thêm đa dạng được các hãng lữ hành đánh giá cao. Đây cũng là một trong những cách bảo tồn văn hoá dân tộc hiệu quả nhất bởi người dân một khi đã được chia sẻ lợi ích thiết thực thông qua các hoạt động du lịch, họ sẽ hết lòng lưu giữ di sản văn hoá truyền thống của mình.

Cung đường Tây Bắc hấp dẫn du khách.

Để thúc đẩy phát triển du lịch vùng Tây Bắc mở rộng mang tính đột phá thì cần sự vào cuộc đồng bộ của các tỉnh thành trong việc tạo ra ra các sản phẩm chất lượng, đồng bộ mà vẫn giữ được văn hoá bản địa, giữ được cảnh quan thiên nhiên vùng, đảm bảo sự đặc sắc và phát triển bền vững.

Theo đó, ở đây không nên xây dựng quy mô lớn, mà nên phát triển mô hình homestay, không phá vỡ không gian sống của người dân; lưu giữ được nền văn hoá bản địa, Kết nối hạ tầng, tham gia các sự kiện có chọn lọn; không gian Tây Bắc; Đào tạo nguồn nhân lực: kỹ năng nghề và làm homestay; Liên kết: duy trì liên kết vai trò của 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và liên kết vùng (14 tỉnh); cần thành lập một bộ phận chuyên nghiên cứu về du lịch Tây Bắc và bộ sản phẩm; Thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

Lưu Hiệp
.
.
.