Phát huy những bài học kinh nghiệm từ mô hình Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc

Thứ Năm, 17/12/2009, 08:38
Ngày 16/12, tại Hà Nội, Ban liên lạc học sinh miền Nam Trung ương, Ủy ban nhân dân TP Hà Nội và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 55 năm Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc.

Đến dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Phan Văn Khải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương và khoảng 2.000 học sinh đại diện cho các thế hệ học sinh miền Nam đã từng học trên đất Bắc.

Cách đây 55 năm, mặc dù miền Bắc nước ta mới được giải phóng, nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá nặng nề; song với quyết tâm của Đảng và Nhà nước, hệ thống các trường dành cho con em đồng bào miền Nam vẫn ra đời. Giai đoạn đầu từ năm 1954 - 1958, Nhà nước đã đầu tư xây dựng 28 trường thuộc các cấp học: Mẫu giáo, cấp 1, cấp 2, cấp 3 và bổ túc văn hóa dành riêng cho con em đồng bào miền Nam học tập.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cựu học sinh miền Nam... tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: TTXVN

Các trường học sinh miền Nam (HSMN) thời gian đầu được xây dựng ở các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Bình… Ít lâu sau được chuyển về Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Ninh và Hà Nam. Quan tâm đến con em đồng bào miền Nam, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục cử những giáo viên vững vàng về chính trị và có trình độ chuyên môn tốt về giảng dạy tại các trường này.

Tốt nghiệp hệ phổ thông cơ sở, hầu hết các học sinh ở các trường miền Nam ngày ấy đều được chuyển tiếp hoặc thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Nhiều người đã được Chính phủ cử đi học tập ở nước ngoài. Đây chính là nguồn lực rất quan trọng bổ sung cho cách mạng miền Nam trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước và sau ngày đất nước thống nhất. Nhiều HSMN ngày ấy sau khi được đào tạo ở miền Bắc đã tình nguyện vào chiến trường miền Nam chiến đấu và đã hy sinh anh dũng.

Sau ngày đất nước thống nhất, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, do có nhiều nỗ lực trong rèn luyện và công tác, nhiều HSMN ngày ấy đã trở thành những cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và lực lượng vũ trang đã và đang đảm nhiệm các cương vị quan trọng trong bộ máy Nhà nước, các ngành và địa phương. Nhiều nhà khoa học đầu ngành ở nước ta cũng đã trưởng thành từ những mái trường HSMN.

55 năm qua, học sinh các trường miền Nam ngày ấy giờ đây có thể tự hào báo cáo với Đảng, Nhà nước và Bác Hồ và đồng bào miền Bắc rằng, họ đã không phụ công ơn chăm sóc, nuôi dạy và sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, cũng như các thầy, các cô, nguyện tiếp tục phấn đấu góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Việc thành lập hệ thống trường HSMN trên đất Bắc là một chủ trương có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng. Đó không chỉ thể hiện một tầm nhìn sáng suốt mà còn thể hiện tình cảm cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng và nhân dân miền Bắc đối với đồng bào miền Nam ruột thịt. Đến nay, những bài học kinh nghiệm từ việc nuôi, dạy, đào tạo HSMN trên đất Bắc vẫn còn nguyên giá trị đối với ngành Giáo dục và Đào tạo.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng mong muốn, các thế hệ HSMN trên đất Bắc tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đóng góp tích cực vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước hiện nay

Việt Hưng
.
.
.