Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội:

Phát huy nguồn lực của Thăng Long - Hà Nội

Thứ Hai, 26/12/2005, 07:25
Ngày 23/12, Đại hội đại biểu lần thứ XIV Đảng bộ thành phố Hà Nội đã thành công tốt đẹp. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành nhiệm kỳ 2005 - 2010 gồm 59 đồng chí và bầu đoàn đại biểu đại diện Đảng bộ thành phố đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X. Nhân dịp này, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội trò chuyện cùng bạn đọc Báo CAND.

- Xin chúc mừng đồng chí tái đắc cử Bí thư Thành ủy Hà Nội. Thưa đồng chí, trong thời gian tới Hà Nội sẽ tập trung vào nhiệm vụ nào để tạo bước đột phá về kinh tế - xã hội?

- Đại hội Đảng bộ lần thứ XIV đã xác định phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ hơn nữa trên mọi lĩnh vực, từ tư duy cho đến hành động, từ việc ra nghị quyết cho đến tổ chức thực hiện nghị quyết, từ công tác tổ chức cán bộ cho đến phong cách làm việc, lề lối công tác. Trong đó phải làm sao khơi dậy, phát huy nguồn lực của Thăng Long - Hà Nội. Đồng thời, tiếp tục xây dựng tinh thần đại đoàn kết toàn dân, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân. Sắp tới dứt khoát phải tập trung xây dựng và chỉnh đốn Đảng cho tốt, chống cho được tham nhũng, quan liêu, nhũng nhiễu, tiêu cực.

Tư tưởng chỉ đạo là phải đổi mới đồng bộ, toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa bằng những giải pháp và cơ chế chính sách cụ thể. Về kinh tế, phải tập trung vào tăng trưởng. Mục tiêu tăng trưởng GDP của Hà Nội được Đại hội XIV xác định là từ 11 - 12%. Hiện nay, GDP bình quân đầu người hàng năm của Hà Nội đã đạt 1.500 USD, đến năm 2010 phải phấn đấu đạt 2.500 đến 2.600 USD/người/năm. Phải phát triển cho được hạ tầng đô thị theo quy hoạch, xây dựng hạ tầng giao thông, các khu đô thị, khu công nghiệp, cải tạo những khu phố cổ…

Việc khai thác, bảo tồn những di tích lịch sử trên đất Thăng Long - Hà Nội vẫn còn nhiều công trình lớn đang phải làm. Một yêu cầu rất bức bách nữa là xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch; mở rộng quan hệ đối ngoại, giữ vững an ninh - quốc phòng…Và nhân tố quyết định là công tác Đảng, xây dựng con người, xây dựng cán bộ, xây dựng tổ chức. Tổ chức phải trong sạch, cán bộ đảng viên phải gương mẫu, nếu làm được hai điều này thì chắc chắn sẽ thành công.

- Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã nói, thời gian tới phải "đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu". Thưa Bí thư Thành ủy đâu là cơ chế để tạo ra tính hiệu quả của cuộc đấu tranh này và phát huy được tinh thần mạnh dạn của cán bộ và nhân dân?

- Người cán bộ phải được giáo dục, phải có nghiệp vụ, có tinh thần trọng dân, quý dân, đừng có nhũng nhiễu. Đồng thời phải có chế tài, có quy chế thưởng, phạt nghiêm minh. Hiện nay cái đó đang còn thiếu. Phải phát huy cho được tinh thần dân chủ, cơ chế giám sát xã hội, phản biện xã hội của các tổ chức, đoàn thể. Trên phạm vi cả nước thì hiện nay đã có Luật Phòng chống tham nhũng, cần phải cụ thể hóa sớm để thực hiện. Tuy nhiên, chúng ta phải thực hiện từng bước, phải rút kinh nghiệm dần. Tôi rất mong Báo CAND và các cơ quan báo chí khác tiếp tục tham gia đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Báo chí là phương tiện công khai cực kỳ quan trọng, vừa qua, công của báo chí rất lớn trong chống tiêu cực.

Trong cuộc đấu tranh này cũng cần phải tính đến cách làm sao cho hiệu quả, cả trước mắt lẫn lâu dài, cả kinh tế, chính trị, văn hóa; cái gì xây, cái gì chống phải thật rõ, nếu chỉ nhấn mạnh một chiều thì cũng không có lợi. Nếu nói rằng, chúng ta không có tham nhũng thì nguy hiểm, tự mình ru ngủ mình. Nhưng nếu nói rằng, tất cả mọi cán bộ đều tham nhũng, chưa làm được gì thì cũng không khách quan, dễ bị kẻ thù lợi dụng. Tôi rất muốn nhìn nhận vấn đề phải khoa học, khách quan; phải đồng lòng nhất trí, có biện pháp và cơ chế chính sách phù hợp và phải thực sự ra tay làm thì mới hiệu quả.

- Một trong những thành công của Hà Nội thời gian qua chính là giữ vững an ninh chính trị và TTATXH, trong đó lực lượng Công an là nòng cốt. Đồng chí có đánh giá như thế nào về thành tích của lực lượng này?

- Tôi khẳng định rằng, vai trò của Công an cực kỳ quan trọng. Giữ gìn an ninh chính trị, TTATXH là tiền đề để xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội. Làm gì thì cũng phải có ổn định, phá cho được những âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch và giữ gìn được TTATXH. ở đây, vai trò của Công an là nòng cốt và phải tạo được phong trào quần chúng  bảo vệ ANTQ. Việt Nam là một đất nước ổn định chính trị, sở dĩ Hà Nội phát triển được như hiện nay là nhờ an ninh chính trị được giữ vững, môi trường xã hội tốt. Không phải ngẫu nhiên khách quốc tế đến Hà Nội đều ca ngợi đây là địa bàn rất an toàn, thanh bình.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội là thành phố duy nhất ở châu á - Thái Bình Dương được chọn là "Thành phố Vì hòa bình" từ năm 1999. Mới đây, Hà Nội lại được một số tổ chức bình chọn là 1 trong 5 thành phố tốt nhất châu á và đứng thứ 2 về du lịch ở châu á. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan vì Hà Nội là nơi tập trung rất nhiều đầu mối, là trung tâm giao dịch cả trong nước và quốc tế. Để làm tốt nhiệm vụ này, sắp tới Hà Nội sẽ có một chương trình công tác đảm bảo an ninh chính trị, TTATXH khá toàn diện, phấn đấu vì mục tiêu "Thủ đô an ninh - an toàn",  trước mắt là tập trung giữ gìn ANTT để nhân dân yên tâm phấn khởi đón Tết, vui Xuân.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Quang Hào - Dương Toàn (thực hiện)
.
.
.