Phát hiện gần 40 thí sinh sử dụng ĐTDĐ để nhận đáp án

Thứ Năm, 06/07/2006, 13:41

Kết thúc đợt I kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ, số thí sinh vi phạm quy chế đã tăng rõ rệt với 252 trường hợp, trong đó có gần 40 thí sinh mang điện thoại di động, nằm rải rác ở 16 trường đại học. Cá biệt, có một thí sinh dự thi vào Học viện Ngân hàng đã sử dụng cả máy bộ đàm để thực hiện hành vi gian lận.

Tại điểm thi trường THPT Hoàng Văn Thụ của Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã phát hiện thí sinh Phạm Đức Việt, 29 tuổi, quê quán ở Nam Định đã có hành vi thi hộ cho thí sinh Lục Minh Du, quê ở Lạng Sơn.

Thủ đoạn của hai đối tượng này không mới, đó là bóc ảnh chứng minh thư và ảnh hồ sơ dự tuyển để dán ảnh khác vào, lợi dụng nếu giám thị lơ là sẽ trà trộn vào phòng thi. Nhưng hành vi của Việt đã bị phát hiện. Việt còn sử dụng điện thoại di động để đọc đề và nghe lời giải từ bên ngoài vào. Theo lời khai nhận ban đầu, Việt đã nhận 4 triệu đồng của thí sinh thông qua sự giới thiệu của Đàm Văn H. và Đ…

Lệ phí thi kèm chỉ là… ly trà đá

Chưa hết, tại ĐH Kinh tế quốc dân còn phát hiện ở điểm thi Trường THCS Trần Nhân Tông, thí sinh Nguyễn Phương Nam, SBD KHA 08865 chép bài của thí sinh Nguyễn Văn Nam, SBD 08866. Theo nhận định ban đầu, có thể đây là hiện tượng thi kèm. Tuy nhiên, khi được hỏi về số tiền nhận được nếu hành vi thi kèm trót lọt, Nguyễn Văn Nam một mực cho rằng, em cho thí sinh kia chép bài vì thấy thương tình, "lệ phí" Nam nhận được mới chỉ là một ly trà đá. Nam còn cho chúng tôi hay, hiện em đã tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội và đi thi lần này chỉ vì… chán nghề "gõ đầu trẻ".

Theo báo cáo nhanh của Bộ GD - ĐT, kết thúc đợt I kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ, số thí sinh vi phạm quy chế đã tăng rõ rệt với 252 trường hợp, trong đó khiển trách 59 thí sinh, cảnh cáo 26 và đình chỉ 167 thí sinh.
Tại điểm thi của Học viện Ngân hàng, ngoài 2 thí sinh Vũ Việt Đức (SBD NHHA 12840 sử dụng điện thoại di động có gắn tai nghe để đọc và nghe lời giải từ bên ngoài với giá 50 triệu đồng) và thí sinh Bùi Huyền Trang, SBD NHHA 11288, trú ở Hà Nội, nghe lời giải qua điện thoại di động, cũng tại điểm thi này đã phát hiện thí sinh Lê Thị Tuyết mang SBD 12251 quê Hải Phòng được một số đối tượng trang bị điện thoại phục vụ cho việc giải bài từ bên ngoài vào phòng thi.

Đặc biệt, trong buổi thi Hóa ngày 5/7, tại điểm thi cơ sở 2 của Hội đồng tuyển sinh ĐH Dân lập Quản lý kinh doanh đã phát hiện Nguyễn Duy Đông, 27 tuổi, hiện đang là sinh viên của trường này đã làm giả hồ sơ mang tên Nguyễn Thanh Tùng để thi kèm cho thí sinh Nguyễn Bách Tùng, 18 tuổi, quê ở Điện Biên. Tuy nhiên, Đông chỉ khai thi giúp Tùng do cùng quê chứ không nhận tiền…

Em tráo ảnh trong thẻ dự thi của anh

Đó là thí sinh Trần Đức Đ., 23 tuổi, ở Sơn La dự thi vào ĐH Luật Hà Nội. Thủ đoạn của Đ xem ra tinh vi hơn rất nhiều. Không hiểu vì lý do gì mà anh trai của Đ. là Trần Đức Th. cũng có một bộ hồ sơ dự thi vào trường này. Nhưng sau đó, không hiểu vì sao mà ảnh của Đ. lại bay vào thẻ dự thi của anh trai và ngược lại.

Tuy nhiên, hành vi bất bình thường này của Đ. đã bị giám thị phát hiện ngay trong buổi thi đầu tiên. Đ. là một thí sinh khá nhiều "lý lẽ" và "rắn mặt", lúc một mực đổ lỗi cho nhà trường dán nhầm ảnh của em (trong khi hai bộ hồ sơ đó được xếp ở hai phòng thi khá xa nhau), khi lại đổ lỗi cho bố mình ở quê khai nhầm hồ sơ. Tuy nhiên, khi cơ quan Công an điện thoại về cho bố Đ. ở quê thì ông khai không biết gì và anh Đ. hiện vẫn đang ở nhà…

Tất cả các sự vụ trên hiện đang được cơ quan Công an điều tra làm rõ. Có những sinh viên đi thi kèm, thi hộ, bỏ dở công danh. Qua đợt thi này có thể nhận thấy, trong đợt II của kỳ tuyển sinh sẽ diễn ra vào ngày 9, 10/7, tình trạng sử dụng điện thoại di động có thể sẽ gia tăng.

Trung tá Hoàng Hữu Huấn, Đội trưởng Đội An ninh giáo dục CATP Hà Nội cho biết: "Khi có nhu cầu đỗ đại học thì chắc chắn sẽ có người đáp ứng nhu cầu đó. Sở dĩ hiện tượng sử dụng điện thoại di động bùng phát vì thời đại công nghệ thông tin quá phát triển và đây là cách gian lận khá đơn giản. Chỉ cần có một cá nhân có trình độ ngồi ở ngoài đọc bài giải vào là xong, không cần đến đường dây có tổ chức như những năm trước, trong khi đó, giá cả không quá cao".

Hiện tượng này sẽ vô cùng nguy hiểm vì nếu đề lọt ra ngoài, khả năng lộ đề rất lớn. Một trong những cách ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả trong đợt thi tới là các trường có thể trang bị loại phương tiện kiểm tra vật cứng, sắt thép, giám thị sẽ "lia" phương tiện này trong phòng thi, chắc chắn sẽ phát hiện được điện thoại di động. Loại phương tiện này cũng không quá đắt. Tuy nhiên, theo Trung tá Huấn, vấn đề quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm và ý thức của giám thị phải được tập huấn kỹ càng và nâng cao hơn nữa

PV
.
.
.