Phập phồng nỗi lo đuối nước dịp lễ hội

Thứ Hai, 01/09/2014, 14:57
Theo Bộ LĐ,TB&XH, hằng năm nước ta có khoảng 3.500 - 4.000 trẻ em chết đuối, Việt Nam là nước có tỷ lệ tử vong do chết đuối cao nhất trong khu vực và cao gấp 10 lần các nước phát triển. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ chết đuối là do sự bất cẩn, xao nhãng của người lớn và do các em thiếu kiến thức bơi lội, chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ tắm ở ao, hồ, sông, suối và tắm biển không có người lớn đi kèm. Để giảm nạn chết đuối ở trẻ em thì gia đình là nhân tố quan trọng hàng đầu và cần có sự tham gia của các cấp, các ngành, cộng đồng và toàn xã hội.

Sau vụ tai nạn đuối nước làm 7 học sinh Dầu Tiếng chết tại biển Cần Giờ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo tại các khu du lịch về công tác cứu nạn, cứu hộ. Đầu tháng 4/2014, Phòng Cảnh sát PC&CC huyện Cần Giờ đã phối hợp với BQL Khu du lịch 30/4 khai giảng lớp tập huấn kỹ thuật xử lý tai nạn đuối nước cho lực lượng cứu hộ khu du lịch 30-4, hướng dẫn nắm chắc các thao tác cơ bản và sử dụng thành thạo các phương tiện cứu hộ được trang bị tại chỗ, kịp thời xử lý khi có sự cố. Trong đó đặc biệt quan tâm đến tính năng, tác dụng và cách sử dụng áo phao, phao tròn cứu sinh, các kỹ thuật bơi cứu người đuối nước, cách tiếp cận và cứu người bị đuối nước (cứu bằng tay không) và cách sơ cứu người bị đuối nước…

Biển Vũng Tàu là điểm du lịch đông khách nhất vào dịp nghĩ hè, lễ, Tết hàng năm. Để tăng cường công tác an toàn du khách, hạn chế tối thiểu tai nạn chết đuối, vừa qua, BQL các khu du lịch TP Vũng Tàu tổ chức khóa huấn luyện nghiệp vụ cấp cứu thủy nạn cho 72 cứu hộ viên, trong đó có 33 cứu hộ viên thuộc BQL các khu du lịch TP Vũng Tàu, 42 cứu hộ viên đang làm công tác cấp cứu thủy nạn tại các khu du lịch, bãi tắm, khách sạn, khu vui chơi giải trí, nhà thiếu nhi, hồ bơi trên địa bàn TP Vũng Tàu. Với 45 ngày huấn luyện, các học viên học lý thuyết kết hợp thực hành, trong đó hơn 80% thời lượng là thực hành thực tế trên biển và rèn luyện thể lực từ cơ bản đến nâng cao.

Lực lượng cứu hộ thường xuyên kiểm tra, sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố trên biển.

Bãi tắm và công viên Đồi Dương (TP Phan Thiết, Bình Thuận) có chiều dài hơn 700m được BQL khu du lịch Đồi Dương-Thương Chánh đặt phao và cờ hiệu để du khách cẩn thận khi tắm biển. Khi các dòng nước từ đáy gặp sóng sẽ tạo thành vùng xoáy thất thường. Theo anh Nguyễn Mộng Lành, 14 năm làm cứu hộ tại đây cho biết: Thường từ tháng 5 đến tháng 9 gió Tây Nam thổi mạnh, nước biển chảy về hướng khách sạn Novotel, còn từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau gió bấc, dòng chảy sẽ ngược lại. Mùa gió Tây Nam nước biển rút nhanh, giật mạnh, sóng sẽ tạo thành những vùng xoáy nguy hiểm tại bất kỳ vị trí nào nên khi du khách không biết bơi, nước ngang ngực cũng không thể an toàn.

Trong năm 2013, anh em cứu hộ đã cứu 67 người đuối nước, trong đó có 5 trường hợp nguy kịch. Từ đầu năm 2014 đến nay, đội cứu hộ đã cứu 30 trường hợp đuối nước. Đội cứu hộ Đồi Dương chỉ có 6 người, chia thời khóa biểu để liên tục trực canh trên bãi tắm cho đến đêm. Lúc cao điểm (mùa hè) thì hợp đồng thêm người của phường Hưng Long để sẵn sàng ứng cứu. Từ tháng 9/2013 đến nay, khách sạn Park DiaMond đã phối hợp với Khu du lịch Đồi Dương đưa trạm quan sát cứu hộ trên biển Đồi Dương vào hoạt động, trang bị môtô nước để thường xuyên kiểm tra phía ngoài bãi tắm, nhắc nhở kịp thời những người muốn bơi ra xa. Hàng năm lượng khách du lịch đến Bình Thuận đều tăng bình quân khoảng 15%. Chính vì vậy mà bãi tắm Đồi Dương luôn nhộn nhịp người tắm biển. Tuy nhiên, du khách đuối nước vẫn xảy ra do công tác CHCN vẫn còn thủ công và thiếu chuyên nghiệp, nhân lực mỏng; phương tiện thô sơ, hệ thống cảnh báo nguy hiểm chưa đồng bộ và thiếu chuẩn.

Để bảo đảm an toàn và hạn chế nạn đuối nước trên biển thì ngoài việc dạy bơi cho các em nhỏ, các bãi tắm cần được khoanh vùng, cảnh báo nơi nguy hiểm và thống nhất cờ hiệu, phao tiêu, biển báo độ sâu được viết bằng nhiều thứ tiếng, cũng như lắp đặt hệ thống phao ngăn cách vừa để làm chỉ giới, vừa làm phao cứu hộ cần thiết cho những trường hợp bơi ra xa bị đuối nước…Vào ngày 11/5/2014, 5 du khách tắm biển, không biết bơi nên vùng vẫy cách bờ khoảng 40m, nước ngang ngực. Bất ngờ, một cơn sóng mạnh đập vào, kéo cả 5 người ra chỗ nước xoáy. Đội cứu hộ đã kịp thời lao ra cứu được cả 5 vị khách.

Các chuyên gia khuyến cáo, với người bơi giỏi song vẫn có thể bị dìm trong nước bởi bị chuột rút, bị đá san hô hay bị sóng lớn. Do vậy, không nên tắm biển một mình mà cần đi cùng một số người để có thể trông nom và giúp đỡ nhau khi cần thiết. Khi tắm đông người cũng cần chia nhỏ nhóm và phân chia người phụ trách để tiện theo dõi. Khi chơi các trò như đi tàu cao tốc, lướt sóng, chảy dù, kayak, lặn biển... cần tuân thủ các yêu cầu an toàn do hướng dẫn viên đưa ra. Không nên ra xa ngoài khu vực an toàn, tránh các chướng ngại trên biển từ xa. Mùa hè, trẻ tạm rời khuôn viên trường học, đến với những không gian rộng mở hơn qua những chuyến du lịch cùng gia đình, dã ngoại với bạn bè, về quê... Sông, suối, hồ, biển sẽ là những điểm dừng chân lý tưởng trong lịch trình vui chơi của trẻ. Do vậy, việc phòng ngừa và biết cách xử lý khi trẻ bị đuối nước là rất quan trọng.

Huấn luyện viên cứu đuối Trương Đức Ngọc, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Trung tâm Thể thao dưới nước TP HCM nhấn mạnh: Nếu không ứng cứu đúng cách sẽ kéo theo nhiều người bị đuối nước hơn. Nếu có một hoặc một vài người bị đuối nước, điều cần ghi nhớ là không bao giờ được cứu trực tiếp, vì khả năng người trên bờ sẽ bị kéo xuống nước hàng loạt, bị chìm theo. Cách xử lý là những người trên bờ cần la thật to để thông báo. Đồng thời, cần nhanh chóng tìm bất kỳ vật dụng nào để có thể cứu gián tiếp như: cây sào, phao, áo, quần, dây nịt… Hãy cho những người bị đuối nước bám vào các vật dụng này để người trên bờ kéo dần vào. Khi đi tắm biển hay sông, người biết bơi hay không cũng chỉ nên tắm gần bờ 

Hoàng Châu
.
.
.