Phận xiếc rong

Thứ Bảy, 05/06/2010, 18:05
Sau mỗi màn phun lửa, nuốt rắn, đâm kiếm, bọn trẻ cầm chiếc mũ tơi đến từng bàn nhậu hy vọng sẽ được khách thưởng bằng những đồng bạc lẻ. Có người lắc đầu, người cho điếu thuốc, người thưởng ly bia… Và cũng có người văng tục, dọa đánh vì sự xuất hiện của nghệ sĩ nhí làm cụt hứng câu chuyện tầm phào mà họ đang ngon trớn pha trò với các chiến hữu quanh bàn nhậu!
>> Xiếc rong - nghề “hốt” bạc

“Cát-xê” bèo bọt

7h tối, khi những đứa trẻ đồng trang lứa sum vầy bên mâm cơm gia đình, trong vòng tay ôm ấp của mẹ cha thì Tèo (15 tuổi) và Cu Em (14 tuổi) rời căn phòng trọ lúp xúp, tồi tàn nằm dọc bến Phú Định (quận 8) lọc cọc đèo nhau trên chiếc xe đạp cũ mèm vào trung tâm thành phố bắt đầu cuộc mưu sinh.

Điểm dừng đầu tiên và quen thuộc của 2 đứa trẻ côi cút sống lang bạt, đứa sinh ra không biết mặt cha mẹ, đứa "có mà như không" là phố nhậu bờ kè nằm dọc kênh Thị Nghè (đường Trường Sa, quận 1). Ở nơi người ta ăn uống cười nói rổn rảng, hai đứa trẻ dừng xe, lột xác thành nghệ sĩ xiếc.

Chúng mở miệng chiếc bao xác rắn rách te tua lần lượt lôi ra đạo cụ là cái lon sắt để đựng dầu hôi, vài con rắn lục kim thân mảnh-nhỏ hơn ngón tay út, đầu nhọn hoắt, cây kiếm nhôm và cặp chùy sắt nặng gần 2 ký lô bày ra nền đường. Đâu đó rồi, Cu Em hứ lên một tiếng rõ to để thu hút sự quan tâm của đám khách nhậu rồi bắt đầu trổ tài. Nó lôi trong một chiếc lon sắt con rắn lục kim từ từ đưa vào miệng cho con vật thoát ra lỗ mũi.

Màn biểu diễn trong sự thờ ơ của khách bên bàn nhậu.

Xong màn biểu diễn nuốt rắn rùng rợn kia, chẳng có vị khách nào vỗ tay. Lần này đến lượt thằng Tèo "tác nghiệp". Nó lấy cặp chùy nối sợi dây xích ấn vào mí mắt rồi dùng nội công đứng thẳng, mặc cho hai khối cầu mỗi khối nặng cả ký lô trì mi mắt và… đung đưa. Nó sang qua sang lại mấy vòng rồi lại khuỵu chân tháo chiếc móc ra khỏi mắt.

Kết thúc màn biểu diễn, cũng chẳng có vị khách nào vỗ tay. Cu Em tiếp tục hự to rồi trổ màn phun lửa. Sau đó nó lẳng lặng tới từng bàn chìa chiếc nón tơi chờ khách thưởng. Có ông khách hất hàm bảo nó "biến", ông hào sảng hơn thả vào chiếc nón một nắm đậu phộng rồi cười hô hố.

Chừng như quá quen với những màn tương thưởng này nên Cu Em vẫn cười tươi. Mắt nó rực sáng khi nghe một ông khách gọi "ê nhóc" rồi tống vào tay nó ly bia ú ụ bảo "uống cạn tao mới thưởng". Vừa nói, ông vừa móc ví ra tờ 10.000 đồng dứ dứ phía trước…    

Theo chân hai nghệ sĩ xiếc nhí sà hết quán này đến quán khác, chúng tôi thấy hai thằng bé liên tục ngậm rắn, phun lửa… trong sự thờ ơ của những ông khách mặt đỏ bừng hơi men. Khoảng 12h khuya, khi cuộc vui đã tàn, những ông khách lục đục ra về, quán thu dọn khép cửa thì bọn trẻ kết thúc cuộc mưu sinh.

Ngồi dưới ánh đèn đường leo loét đầu cầu Thị Nghè, hai đứa chụm đầu moi tiền trong chiếc lon ra đếm. Đêm nay chúng không được may lắm. Diễn mệt nhoài nhưng tiền “cát-xê” mà hai đứa thu được chưa đầy 100.000 đồng. "Vậy là còn may đó chú, có khi chỉ được vài ba chục, về làm hai tô phở với ổ bánh mì là sạch bách" - Cu Em tặc lưỡi.

Nỗi niềm biết tỏ cùng ai

Sương đêm mỗi lúc một lạnh. Trên đường về với căn phòng trọ ẩm thấp, ngột ngạt rộng chưa đầy 10m2 nhưng chứa đến 6 nghệ sĩ xiếc nhí, Tèo cho biết nó và Cu Em cùng 4 đứa ở phòng học xiếc từ một ông thầy tên Dự cũng xuất thân từ trẻ lang thang. "Ông thầy bảo tụi con sống trên đời phải có cái nghề, nếu không muốn làm phường trộm cướp, hút chích thì phải sống lương thiện. Sau khóa học 4 tháng, tụi con ra nghề, tự kiếm sống. Ở thành phố có rất nhiều đứa xiếc vỉa hè như tụi con, phân chia địa bàn hẳn hoi, đứa nào xâm phạm là bị đập thẳng cẳng".

Hôm ấy vì có chuyện đột xuất nên chúng tôi không trò chuyện được lâu với 2 nghệ sĩ xiếc nhí kia. 4 ngày sau, cũng tại phố nhậu bờ kè, chúng tôi gặp lại màn diễn xiếc của hai nghệ sĩ nhí nhưng lần này không có Cu Em, thay vào đó là một thằng bé mặt già chát, dáng người khắc khổ như ốm đói.

"Cu Em nó đang dưỡng thương chú ơi" - Tèo nói: "Hôm trước lúc diễn pha dùng mí mắt rinh vật nặng, có ông khách nói đó là trò bịp, bảo chiếc cầu nhẹ tênh chứ nặng gì đâu rồi thọc tay cầm chiếc cầu đoán trọng lượng. Thay vì nâng chiếc cầu, ổng lại giựt mạnh làm rách mí mắt thằng nhỏ, khiến máu chảy từa lưa. Gây án mà ổng còn nói tụi con đóng kịch. May mà có mấy người can thiệp, ổng mới đền cho ba trăm uống thuốc (300.000 đồng) đó chú".

Tèo kể chuyện tai nạn mà giọng cứ tỉnh bơ. "Tụi con quá quen với mấy vụ sự cố kiểu như vậy rồi chú ơi" - nó lại tiếp tục tâm tình bằng cái giọng điệu già chát: "Có lần con đang nuốt rắn bị ông khách say đến bóp miệng để coi "có đúng con rắn vào miệng bò ra mũi không". Ổng làm đột ngột khiến con rắn thọc đầu vào sâu trong cổ họng làm con sặc, ho muốn chết".

Thằng bé ốm đói, đế vào: "Xiếc vỉa hè máu me lắm chú! Có những quán nhậu nằm ven đường nên tụi con phải diễn trên đường. Nhiều khi đang diễn thì mấy thằng yêng hùng lao tới, nếu không kịp nhảy tránh thì bị tụi nó lụi, có đứa bị tung gãy tay gãy chân, có khi ôm cả cái mặt máu về phòng trọ"…

Nhìn mấy đứa trẻ côi cút bươn chải giữa dòng đời trong đêm tối, trong sự thờ ơ của những người xung quanh, tự dưng thấy lòng mình thắt lại. Chẳng biết bao giờ bình minh đến với các em?!

Thành Dũng
.
.
.