Pả Hiền “đi đầu” ở xã Thuận

Thứ Năm, 13/11/2014, 13:18
Không chỉ làm kinh tế giỏi, Pả Hiền ở xã Thuận (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) còn có nhiều đóng góp trong phong trào giữ gìn ANTT, bảo vệ đường biên, cột mốc. Ông vừa được UBND tỉnh Quảng Trị tặng bằng khen về những đóng góp trên...

Đến xã Thuận, hỏi thăm Pả Hiền, ai cũng biết. Một cụ già tầm 70 tuổi, hồ hởi chỉ đường cho chúng tôi, vừa nói: “Giờ này chắc nó (Pả Hiền) đã đi lên rừng rồi. Tuần nào nó cũng có vài lần đi canh chừng đường biên, cột mốc, dọn dẹp vệ sinh”. Hồi chiến tranh, Pả Hiền là bộ đội tham gia nhiều trận đánh ở địa phương. Sau ngày xuất ngũ, phát huy phẩm chất của người lính, ông tích cực tham gia công tác xã hội, nhiều năm liền làm cán bộ xã giữ nhiều chức vụ khác nhau. Điều đáng ghi nhận, ở cương vị nào ông cũng luôn được bà con tin tưởng.

Pả Hiền tâm sự: “Mình từng là một người cán bộ được nhân dân yêu mến và tin cậy. Bởi vậy, không thể phụ lòng tin của bà con, mình luôn tâm niệm, cần phải nỗ lực để xây dựng khối đoàn kết toàn dân, giữ vững an ninh chính trị để người dân yên tâm xây dựng cuộc sống mới”.

Với ý nghĩ đó, mỗi ngày, sau giờ làm việc vất vả, bà con ở xã Thuận lại thấy Pả Hiền trong màu áo bộ đội sờn bạc, vác cây rựa lên rừng để kiểm tra các cột mốc ở đường biên giới, hoặc đi đến các gia đình trong bản vận động bà con kế hoạch hóa gia đình, chăm lo cho con cái học chữ, bày cách làm kinh tế để vươn lên thoát nghèo…

Xã Thuận có chung đường biên giới với các huyện Mường Noòng và SêPôn của nước bạn Lào. Thời gian trước, tình hình ANTT ở đây khá phức tạp, người dân qua lại đông khó kiểm soát, tình hình xâm canh xâm cư thường xuyên xảy ra. Trước tình hình đó, Pả Hiền chủ động phối hợp với các đoàn thể, già làng trưởng bản và Đồn Biên phòng đóng trên địa bàn, để có kế hoạch vận động sát thực và hiệu quả đối với bà con ở khu vực hai bên biên giới. Đến nay, xã Thuận đã có 5 cặp bản kết nghĩa bản - bản với huyện SêPôn và huyện Mường Noòng…

Ông Pả Hiền luôn nêu gương trong phát triển sản xuất và giữ gìn ANTT ở xã Thuận, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị.

Không chỉ là người đi đầu trong phong trào bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn ANTT thôn bản, Pả Hiền còn nêu gương trong phong trào phát triển kinh tế. Mặc dù đã ở vào tuổi ngoài 60, ông vẫn chủ động và sáng tạo trong lao động sản xuất. Với tổng diện tích trên 7ha đất trồng, Pả Hiền đầu tư trồng những loại cây chủ lực mà gia đình chọn là sắn, chuối và cao su. Bên cạnh đó, ông còn mạnh dạn vay vốn để nuôi dê. Khác với nhiều người nuôi dê trong bản, đàn dê của gia đình ông không chăn thả mà đầu tư xây dựng hẳn khu chuồng trại tập trung để quản lý và có điều kiện chăm sóc vật nuôi tốt hơn.

Từ một hộ đói nghèo, Pả Hiền đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu và có của ăn của để. Noi gương Pả Hiền, nhiều hộ dân trong thôn đã đến học hỏi kinh nghiệm và bắt tay vào phát triển kinh tế. Nhờ đó, ý thức làm kinh tế của người dân được nâng lên rõ rệt, bà con ngày càng đoàn kết, nâng cao trách nhiệm trong việc chấm dứt tình trạng xâm canh xâm cư. Từ đó, tạo môi trường lành mạnh để mọi người cùng yên tâm phát triển mô hình sản xuất, xây dựng cuộc sống mới. Hiện nay trong số 42 hộ gia đình đang sinh sống tại bản 4 của xã Thuận thì đã có gần chục hộ gia đình học tập mô hình kinh tế của Pả Hiền, đặc biệt là trong vấn đề trồng trọt. Mọi người chí thú khai hoang đất đai để trồng trọt. Cũng như ông, mọi người ai cũng đều biết tính toán, nhìn xa khi biết làm ăn theo hướng lấy ngắn nuôi dài. Gần 70ha đất đồi của bản 4 bây giờ đều được phủ xanh bởi những rừng chuối, rừng cao su xanh tốt.

Với những nỗ lực đó, nhiều năm liền, Pả Hiền được UBND tỉnh Quảng Trị  tặng bằng khen, giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác mặt trận và có nhiều đóng góp trong công tác bảo vệ an ninh biên giới. Và, năm 2014 này, ông là một trong 30 người dân tộc thiểu số uy tín trên toàn tỉnh, có những thành tích xuất sắc, tiếp tục được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị tặng bằng khen

Phan Thanh Bình
.
.
.