PCCC tại TP HCM: Thiếu và yếu toàn diện

Thứ Ba, 22/04/2008, 15:51
Thiếu gần 8.000 trụ nước PCCC trong khi đó TP Hồ Chí Minh lại xuất hiện nạn ăn cắp nắp trụ nước PCCC. Thượng tá Sơn cho biết thêm, theo thống kê đến thời điểm này có hơn 210 trụ nước chữa cháy ở những khu vực đường vắng trong thành phố bị mất nắp và gần 1.000 cái bị hư hỏng.

Nói đến những điểm có nguy cơ cháy cao phải nói đến các khu đông dân cư, nơi đặt nhiều nhà máy, công ty như ở những khu chế xuất, khu công nghiệp v.v... Nhưng một thực tế cho thấy, tại những điểm có nguy cơ cháy cao này lại quá thiếu và yếu công cụ hỗ trợ lẫn nhân lực khi có cháy, nổ xảy ra.

Thiếu công cụ

Những điểm có nguy cơ cháy cao chủ yếu là các khu dân cư, nơi có nhiều người lao động sống tập trung. Những khu dân cư này toàn là những căn nhà cấp 4 chủ yếu ở các quận 4, 7, 8, Bình Thạnh, Tân Bình… được xây dựng sơ sài, thưng nóc, vách bằng đủ các loại nguyên vật liệu dễ cháy như giấy dầu, lá, bạt dù… cho nên cứ xảy ra hỏa hoạn là ít nhất cũng phải từ 2-3 căn làm mồi cho bà hỏa. Tuy nhiên, tại những điểm dễ cháy như thế này thì các thiết bị phòng cháy rất hiếm khi thấy.

Ví dụ như, vụ cháy xảy ra trong những ngày đầu tháng 1-2008 tại phường 3, quận 8. Khi lực lượng PCCC đến nơi, điểm cháy nằm sâu bên trong hẻm hơn 300m lại không có cột trụ tiếp nước chữa cháy.

Xe PCCC mini thì phải huy động hàng chục người dân dùng xô xách chế nước vào bình mới phun được nước. Thiếu nước, phương án chữa cháy bị chậm lại. Theo một cán bộ của Sở PCCC, vận tốc lửa di chuyển trong một phút là khoảng 15m, như vậy chỉ cần chậm trễ chừng vài phút coi như nguyên một khu dân cư đi theo "bà hỏa".

Cái thiếu thứ hai mà không chỉ người dân bức xúc mà ngay cả Sở PCCC, các đội chữa cháy ở các khu vực trong thành phố cũng bức xúc không kém. Đó là tình trạng quá thiếu các trụ tiếp nước PCCC, hay có gắn  trụ nhưng gắn không đúng vị trí hoặc quá xa khu vực cần phải có trụ nước PCCC. Nếu tính đến thời điểm này, toàn bộ các trụ nước PCCC chỉ có khoảng hơn 4.000 trụ (đáp ứng chỉ được 1/3 nhu cầu).

Thượng tá Nguyễn Vũ Sơn, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy và cứu hộ cứu nạn - Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Hiện TP Hồ Chí Minh đang có rất nhiều khu đô thị mới mở ra, gắn với nó là rất nhiều tuyến đường mới. Nếu các tuyến đường chính trong thành phố đều có trụ nước PCCC thì đặc biệt những khu đô thị này vẫn thiếu, hoặc có nhưng chưa thể sử dụng được. Nếu theo tiêu chuẩn cứ 150m phải có một trụ nước PCCC thì toàn thành phố phải đáp ứng từ 12.000 trụ trở lên. Đây là con số chúng tôi đã dự tính từ năm 2005".

Thiếu gần 8.000 trụ nước PCCC trong khi đó TP Hồ Chí Minh lại xuất hiện nạn ăn cắp nắp trụ nước PCCC. Thượng tá Sơn cho biết thêm, theo thống kê đến thời điểm này có hơn 210 trụ nước chữa cháy ở những khu vực đường vắng trong thành phố bị mất nắp và gần 1.000 cái bị hư hỏng.

Vừa qua, phía các công ty cấp nước thành phố đã tiến hành cho sửa chữa các trụ nước mất nắp này nhưng vẫn chưa sửa chữa hết. Như vậy, đã thiếu trụ tiếp nước, nay lại bị nạn trộm nắp trụ PCCC (làm giảm áp lực tiếp nước) công cụ PCCC đã thiếu nay lại càng trầm trọng hơn.

Yếu nhân lực

Hết quý I/2008, tại địa bàn TP Hồ Chí Minh có hơn 50 vụ cháy lớn nhỏ xảy ra, trong đó những vụ cháy lớn thường là ở các công ty có số lượng hàng hóa lớn gồm toàn những mặt hàng dễ cháy. Trong khi đó, các khu chế xuất, khu công nghiệp, nếu xảy ra cháy thì thiệt hại được tính bằng tiền tỉ. Theo quy hoạch phát triển đến năm 2020, toàn TP Hồ Chí Minh sẽ có 23 khu chế xuất, khu công nghiệp với hàng ngàn công ty, xí nghiệp.

Rất nhiều vụ cháy xảy ra vào các buổi tối khi trong công ty chỉ có duy nhất một bảo vệ hay cùng lắm chỉ là một nhóm người không đáng kể. Việc kiểm tra bao quát một diện tích rộng như vậy nhưng chỉ với một số nhân lực ít ỏi thì việc canh gác đã khó huống hồ chi việc chữa cháy tại chỗ.

Mới đây nhất là vụ cháy ngày 15/4 tại Công ty liên doanh ASC Charwie (Thủ Đức) gây thiệt hại gần 100 tỷ đồng nhưng dường như bảo vệ và lực lượng PCCC tại chỗ chỉ có… 4 người.

Phương tiện chữa cháy thì có thể sắm sửa, thay thế, nhưng khi nguồn nhân lực thiếu thì khó có thể phát huy được phương pháp chữa cháy kịp thời.

Vẫn còn nhiều công ty, xí nghiệp và ngay cả khu dân cư vẫn ỷ lại vào các đội chữa cháy chuyên nghiệp mà quên rằng muốn bảo vệ được tài sản của mình phải bắt đầu từ chính khả năng vốn có của mình

M.Đức
.
.
.