Ông Tiến sỹ "có duyên" với những đôi gò bồng đảo khổng lồ

Chủ Nhật, 06/01/2008, 15:15
Câu chuyện về người phụ nữ có đôi gò bồng đảo khổng lồ phải nhờ đến bàn tay của ông và cộng sự để lấy lại sự cân bằng trong sinh hoạt và thẩm mỹ thôi thúc tôi gõ cửa phòng ông: Tiến sỹ Trần Thiết Sơn. Tính đến nay, ông đã phẫu thuật thành công cho khoảng 50 ca phì đại tuyến vú. Một căn bệnh mà nếu chưa biết về công việc của ông và các cộng sự, chúng ta cứ ngỡ nền y học nước nhà phải bó tay.

"Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên", không hiểu sao câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du cứ xuất hiện mỗi khi tôi nghĩ đến một phần công việc Tiến sỹ Trần Thiết Sơn đã và đang làm. Dẫu tôi biết rằng những chị em tìm đến ông không phải là người có vòng một trời ban cho đẹp như lời của tác giả "Truyện Kiều".

Câu chuyện về người phụ nữ có đôi gò bồng đảo khổng lồ phải nhờ đến bàn tay của ông và cộng sự để lấy lại sự cân bằng trong sinh hoạt và thẩm mỹ thôi thúc tôi gõ cửa phòng ông. Căn phòng từng gợi tò mò cho tôi khi thấy trên tủ tư liệu có một góc được mã hóa vỏn vẹn bằng một từ chỉ vòng một của chị em.

Cứu tinh của hai người phụ nữ có vòng một khổng lồ

Báo chí liên tục đưa tin, ngày 14/11/2007, Tiến sỹ Trần Thiết Sơn và cộng sự ở Khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Saint Paul đã thực hiện ca phẫu thuật đặc biệt. Đó là cuộc phẫu thuật cho cặp vú... dài 45cm, nặng gần 4kg của một cô gái 25 tuổi, đến từ Hải Dương.

Không thỏa mãn với những thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi đề nghị ông cho một cuộc gặp chỉ nói riêng về... vòng một của chị em. Ông cười hiền lành và đồng ý ngay.

Chiều chủ nhật, Khoa Phẫu thuật tạo hình, nơi ông làm việc tuy không tất bật người ra, người vào như thường ngày nhưng các phòng làm việc đều sáng đèn. Ông đến đúng giờ như đã hẹn trong bộ đồ khá bụi - quần bò, áo sơ mi thô đóng thùng.

Nhìn ông, tôi lại liên tưởng đến những việc ông đã làm cho cánh chị em và nghĩ đây chắc hẳn là một người đàn ông rất yêu cái đẹp, đặc biệt là phái nữ. Rồi tôi chợt so sánh.

Với các nhà thơ tình, họ yêu cái đẹp (tôi dám chắc phần lớn trong đó là hiện thân của người phụ nữ) một cách rất trìu tượng qua ngôn từ và những hình ảnh lấp lánh.

Còn một bác sỹ phẫu thuật thẩm mỹ như ông, tình yêu đó thể hiện một cách cụ thể. Đó là việc trả lại vẻ đẹp cho những "trái đào" chẳng may do yếu tố bệnh lý mà mất sức quyến rũ; do sự không ưu ái của tạo hoá khiến một số chị em không có vòng một... không chịu lớn.

Còn có rất nhiều, rất nhiều lý do khác nữa để một bác sỹ phẫu thuật thẩm mỹ như ông phải can thiệp để giúp chị em có vòng một ưng ý, nhất là khi chúng ta đang sống trong xã hội văn minh và cởi mở như hiện nay.

Trở lại câu chuyện của nữ bệnh nhân H. (chúng tôi đề nghị giấu tên), chúng tôi được vị bác sỹ này cho biết, nhờ đọc báo, người nhà bệnh nhân mới biết và đưa cô đến Bệnh viện Saint Paul.

Đứng trước người mẹ trẻ mới sinh con chưa đầy 3 tháng, ông không ngạc nhiên song thấu hiểu sự khốn khổ của chị khi phải sở hữu bộ ngực to quá cỡ này. Sự kỳ dị của nó khiến chị bất tiện trong sinh hoạt, ảnh hưởng xấu đến yếu tố tâm lý. Không có chiếc áo may sẵn nào chị mặc vừa nói chi đến những chiếc nịt ngực thông thường.

Xót xa hơn cả là người mẹ đang sở hữu hai bầu vú khổng lồ này lại không có một giọt sữa cho đứa con bé bỏng. "Nếu để thêm 3 tháng nữa, chị H. sẽ vượt qua một phụ nữ trước đây tôi từng phẫu thuật có bầu vú dài gần 50cm, nặng hơn 4kg", ông nói.

Không thể để người mẹ trẻ phải chịu đựng sự quá khổ của bầu ngực, ông và các cộng sự nhanh chóng tiến hành phẫu thuật. Từ 14h đến 17h ngày 14/11/2007, ca phẫu thuật mới hoàn thành. Tuy căng thẳng và mệt mỏi song giúp được chị H. bỏ đi gánh nặng của cặp vú khổng lồ, ông thấy nhẹ lòng.

Chị H. mắc phải căn bệnh phì đại tuyến vú, một căn bệnh do rối loạn hormon, thường xảy ra với phụ nữ sau sinh. Trường hợp này rất hiếm gặp, tỷ lệ 1/20 so với thiểu sản tuyến vú (vú không phát triển, một biểu hiện dễ nhận thấy ở phụ nữ châu Á).

Theo chị H. ngực chị bắt đầu phát triển khi mang bầu, đến khi sinh con, bầu vú của chị to một cách khác thường. Bầu vú to và kéo dài tới rốn. Sức nặng của nó kéo chị về phía trước, kéo xệ da vùng ngực. Khi ngủ, chị phải nằm nghiêng, nếu không vòm ngực phải chịu sức nặng quá tải của bầu vú, rất dễ nghẹt thở.

Chị H. không phải là trường hợp đầu tiên Tiến sỹ Sơn và các đồng sự gặp và can thiệp bằng phẫu thuật theo phương pháp Thoreck. Khoảng giữa năm 2006, Bệnh viện Saint Paul tiếp nhận một bệnh nhân đặc biệt tên M. (đề nghị giấu tên), ở Hà Nội. Bệnh nhân M. đang nuôi con nhỏ 6 tháng tuổi.

Theo bệnh nhân, đây không phải lần đầu tiên cô tìm đến bệnh viện. Trước đó, khi sinh con ở bệnh viện phụ sản, các bác sỹ ở đây chứng kiến người mẹ có bầu vú to một cách bất thường trong sự ngỡ ngàng.

Những bất tiện trong việc cho con bú (dù rất ít sữa) khiến chị tìm đến các cơ sở y tế với mong muốn được cải thiện. Tuy nhiên, ở đâu cũng lắc đầu từ chối. Phải mặc áo ngực đặt hàng riêng, không dám ló đầu ra đường và chịu sự đơm đặt của dư luận, người mẹ trẻ mới 26 tuổi chấp nhận sự bất thường của tạo hóa trong sự buồn tủi.

Không ai ngờ chỉ một cái nhìn tình cờ của người thân chị M. khi đi chăm sóc bệnh nhân ở Bệnh viện Saint Paul đã cho chị một cơ hội. Đó là lúc người này đi qua Khoa Phẫu thuật tạo hình và nhìn thấy một bảng tin toàn  ảnh.

Ngạc nhiên, người này dừng lại rất lâu trước bản tin sinh động. Từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, những hình ảnh trên đó cho biết thông tin mới mẻ về thành tựu y học. Những thành tựu tưởng chỉ có ở phương Tây. Đó là những người phụ nữ bị mắc căn bệnh ung thư vú phải cắt bỏ hoàn toàn bầu vú có thể làm lại "trái đào" tròn trĩnh như vốn có.

Đó là những thiếu nữ tuy qua tuổi dậy thì nhưng ngực phẳng lỳ như đàn ông vẫn có thể tự tin mặc áo tắm hai mảnh nhờ bàn tay bác sỹ. Hay những phụ nữ sau sinh đẻ, bộ ngực vốn tròn trịa khi xưa bỗng biến mất tăm nay lấy lại được vẻ đẹp nguyên sơ như thời con gái.

Người này đã đem những gì mình thấy nói lại với M. và người thân của chị. Như bắt được vàng, M. đã vội vàng đến gặp các bác sỹ. Và cũng rất nhanh chóng, ca phẫu thuật đầu tiên cho cặp vú khổng lồ lần đầu tiên phát hiện trong giới y học Việt Nam được thực hiện.

Lần đầu tiên áp dụng kỹ thuật Thoreck tại Việt Nam, Tiến sỹ Sơn và các cộng sự đã cắt đi phần bầu vú nặng hơn 4kg, tạo hình ngực rồi lấy phần quầng và núm vú ghép lại. "Quan trọng là phải tính toán, nhất là trong trường hợp để bệnh nhân còn có khả năng cho con bú. Nhìn tác phẩm này như không gian ba chiều, cắt, cuộn lại để đúng vị trí sao cho núm vú, nếp vú và bầu vú cân đối và thật như nó vốn thế", ông cho biết.

Trong y văn thế giới, những bệnh nhân mắc căn bệnh này chỉ có thể phẫu thuật còn các phương pháp khác như điều trị hormon... đều không mang lại kết quả như mong muốn. Nếu không điều trị kịp thời, về lâu dài làm cong và biến dạng cột sống, lồng ngực bệnh nhân. Căn bệnh này từng gặp ở các em gái lứa tuổi dậy thì hoặc phụ nữ sau sinh đẻ. 

Ở Việt Nam, phì đại tuyến vú ở bé gái đang tuổi dậy thì đã từng có. Cách đây ít năm, Tiến sỹ Sơn được mời tham gia phẫu thuật vòng một cho một bé gái 16 tuổi ở Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh. Ngực phát triển quá mức khiến bé gái gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt và ảnh hưởng tâm lý.

Đối với lứa tuổi dậy thì, căn bệnh này gây ra các tác hại như cong, vẹo cột sống dẫn đến gù lưng; khó vận động dẫn đến hạn chế luyện tập thể dục thể thao; khi nhảy, lắc mạnh sẽ bị đau; quần áo không mặc đúng lứa tuổi; tâm lý e ngại, sợ sệt, xấu hổ, thiếu tự tin...

Về lâu dài, việc bầu ngực phát triển quá lớn có thể gây nên lở loét thành ngực, chàm... Đây là một trong những yếu tố gây nên căn bệnh ung thư.

Tiến sỹ Sơn còn cho biết thêm, thiếu nữ dậy thì và phụ nữ sau sinh ở châu Âu dễ gặp bệnh này hơn do đặc thù về vòng một của họ phát triển. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay những người phụ nữ có tuyến vú phì đại gấp 3-4 lần bình thường không hiếm. 

Và giúp một bà mẹ và ba cô con gái thoát khỏi sự "ưu ái" quá mức

Năm 1995, Tiến sỹ Sơn thực hiện việc phẫu thuật căn bệnh phì đại tuyến vú lần đầu tiên cho một bệnh nhân ở Bệnh viện Việt - Pháp.

Hồi đó, thành tựu y học về lĩnh vực này chưa được biết đến nhiều, bệnh nhân phải tìm đến Bệnh viện Quốc tế và chấp nhận chi phí khá lớn. Bệnh nhân mắc bệnh phì đại tuyến vú song không đến mức khổng lồ như hai phụ nữ nêu trên. Bầu vú của chị chỉ dài cỡ 35cm và nặng gấp 3 lần mức trung bình. Ca phẫu thuật thành công, giúp bệnh nhân giải quyết được những phiền phức do sự "ưu ái" quá mức của tạo hóa.

Điều đặc biệt là từ thành công của ca phẫu thuật này, 2 người chị em gái của bệnh nhân lần lượt tìm đến bác sỹ Sơn và nhờ can thiệp. Kết quả mỹ mãn đến mức bà mẹ của ba nữ bệnh nhân này cũng tìm đến ông dù đã ở tuổi ngoài 60. Thế mới biết, sự bất tiện do vòng một "lớn mạnh" quá mức không chỉ với bệnh nhân đang còn trẻ.

Tính đến nay, ông đã phẫu thuật thành công cho khoảng 50 ca phì đại tuyến vú. Một căn bệnh mà nếu chưa biết về công việc của ông và các cộng sự, chúng ta cứ ngỡ nền y học nước nhà phải bó tay.

Theo bác sỹ Sơn, trọng lượng bầu vú ở những trường hợp này chưa đến mức quá cỡ như chị H., chị M. nêu trên song việc nó to gấp 3 bình thường (1,2-1,5kg) và dài khoảng 30-40cm khiến nhiều phụ nữ phải sống trong sự bất ổn về hình thể và tâm lý. Thu gọn bầu vú song vẫn bảo tồn khả năng cho con bú và thẩm mỹ là mục đích đặt ra của bác sỹ phẫu thuật trước bệnh nhân

Cao Hồng
.
.
.