Ông Phước “khùng” và chiếc xe trị hoả

Chủ Nhật, 11/03/2007, 15:17
Bạn bè thì gọi ông là Phước “khùng”, còn vợ ông chỉ mỉm cười lặng lẽ khi nhìn ông say mê với sáng tạo của mình. Thế rồi chiếc xe cứu hoả mini Tina-M ra đời đã đánh tan mọi lời dị nghị. Giờ đây cả Việt Nam đã biết đến ông với chiếc xe cứu hoả mini của mình.

Mấy năm về trước, nhà hàng xóm ông bị cháy, xe chữa cháy vào được đến đầu hẻm là  hết, hẻm dài hơn 200 mét và rộng chỉ hơn 1 mét, lính cứu hỏa không thể kéo dây vô tới, thoáng chốc, căn nhà chỉ còn lại đống tro tàn. Một đêm tỉnh dậy, trán toát mồ hôi, ông nằm mơ thấy nhà mình cháy rụi trong con hẻm bít rịt ấy. Ngay đêm đó, ông bắt đầu mày mò sáng chế xe chữa cháy mini.

Ông tên Huỳnh Hữu Phước, ngụ tại quận 2, TP HCM, người đã đem xe chữa cháy mini đi Hà Nội dự cuộc thi Sáng tạo Việt Nam và ẵm giải, vài tháng sau đó, xe chữa cháy và ông được mời đi thuyết trình đề án tại một hội nghị tại Mỹ.

Bỏ tiền để thử... lửa

Cuối tháng 2, tôi gặp ông trong cái xưởng cơ khí bé tẹo. Cầm tờ báo cũ, ông cho tôi thông tin: theo thống kê, từ năm 2002 đến 2006, trung bình mỗi ngày, cả nước xảy ra 7 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 1 người. Những bài báo về các vụ cháy, ông thường cẩn thận lưu lại, ông tiếc một điều, bao nhiêu tháng mày mò nghiên cứu, những chiếc xe chữa cháy của ông các tổ chức từ quốc tế đến trong nước đều công nhận tính năng của nó, nhưng nó chưa một lần được sử dụng như một công cụ chữa cháy.

Một ngày mùa khô năm 2002, lửa bùng lên tại một căn nhà trong hẻm 6/13 Trần Não, phường Bình An, quận 2, TP HCM, lửa bốc ngùn ngụt. Người dân gọi điện tới 115, lát sau, tiếng còi hụ inh ỏi cả xóm. Nhưng khi vào đến đầu hẻm, chiếc xe cứu hỏa kềnh càng không thể vào sâu, con hẻm chỉ rộng hơn 1m.

Lực lượng lính cứu hỏa loay hoay không làm cách nào để phun nước chữa cháy. Ôâng Phước cùng những người dân cả xóm được huy động để cứu căn nhà bằng những thau, xô, chậu, hơi nóng phả ra ngùn ngụt. Những xô nước hình như không ăn thua so với ngọn lửa ngày một hung tàn. Chỉ trong chốc lát, căn nhà tan thành tro bụi trước sự bất lực của hàng trăm con người. Ông Phước rùng mình nhìn sang nhà mình...

Kể từ cái đêm gặp ác mộng ấy, ý tưởng về một chiếc xe chữa cháy nhỏ đã có trong đầu, ông hì hụi làm việc. Không chút kiến thức về phòng cháy chữa cháy, cháy nổ, ông mua sách về đọc. Ông mày mò, lên kế hoạch, cắt từng ống sắt, tiện từng con ốc, hì hụi khoan khoan, cắt cắt rồi lại xé thiết kế vẽ lại, rồi lại cắt cắt, khoan khoan.

Ngày nào ông cũng lân la khắp các chợ từ Dân Sinh đến Nhật Tảo kiếm từng con ốc, từng ống sắt, về nhà ông lại vùi đầu vào đống sắt vụn, dầu mỡ. Ông mua hẳn chiếc xe lam, rã máy, mua bồn nước, phụ kiện rồi cưa đục đẽo suốt đêm ngày.

Khi chiếc xe gần hoàn thành, ông nói với mấy người bạn thân, không nói không rằng, mấy ông bạn chỉ kết một câu: tay Phước này “khùng” rồi. Vợ ông (một nhà giáo) biết chuyện, chỉ cười trừ, bà im lặng để ông sống trong nỗi đam mê của mình.

Tháng 3/2003, sau gần 3 tháng rưỡi kể từ khi có ý tưởng, chiếc xe chữa cháy mini tí hon ra đời. Xe gồm một bồn chứa nước, hai bình CO2, năm vòi xịt, bề ngang 80 cm, chiều dài 1,1m. Xe có thể vào lọt những con hẻm với bề ngang chỉ hơn 1m.

Ông Phước đặt tên nó là Tina-M, là tên gọi ở nhà của ba cô con gái ông. Ông bỏ thêm tiền tự thiết kế, xây dựng một khu thử máy, mua củi, dầu rồi châm lửa... đốt. Lần đầu tiên khi thấy ngọn lửa bốc lên, người trong xóm kinh hãi chạy đến hướng có khói, đến nơi người ta ngỡ ngàng khi thấy ông bình thản đứng ngắm... ngọn lửa mỗi lúc một bốc cao, bên cạnh ông là một chiếc máy giống y máy nổ, mọi người chưa hiểu chuyện gì thì ông cho nổ máy rồi xịt nước vào đám cháy, chỉ trong tích tắc đám cháy tắt lụi.

Mọi người vui mừng, nhưng ông lại trầm tư, có cái gì đó không ổn ở chiếc Tina-M này. Giá thành làm được một chiếc Tina-M quá cao so với dự tính: hơn trăm triệu. Với giá này, không thể sản xuất hàng loạt để giúp những nơi khác.

Ông lại mày mò, tiếp tục nghiên cứu, lại xin vợ “xuất” thêm tiền, bạn bè đến, nghe ông lại đổ tiền vào thử... lửa, đặt luôn cho ông cái biệt danh Phước “khùng”, họ nói những nghiên cứu của ông sẽ chẳng đi đến đâu.

Thế nhưng những nghiên cứu của ông lại đưa ông đi xa mới lạ! Giữa năm 2003, người ta thông báo về cuộc thi sáng tạo Việt Nam, ông hay tin, suy nghĩ mãi, khi ấy chiếc Tina-M cũng vừa hoàn thành, nó còn lạ lẫm với cả chính ông nhưng ông vẫn quyết định đưa “sản phẩm” của mình đi dự thi, ông chỉ muốn nghe xem những người có chuyên môn đánh giá về sản phẩm của ông thế nào, và nếu có cơ hội thì đi Hà Nội cho biết.

Ông gửi hồ sơ đi, vài tuần sau thì ông nhận được thông báo ra Hà Nội để trình bày sáng chế. Ông "khăn gói quả mướp" cùng chiếc máy Tina-M ra Hà Nội. Hơn 100 hồ sơ dự thi chỉ có duy nhất hai sáng chế cá nhân đoạt giải trong đó có ông.

Ai ngờ chiếc Tina-M lại đưa ông đi xa hơn thế, vài tháng sau, Ngân hàng thế giới đã chọn ông đi dự hội nghị phát triển toàn cầu tại Washington D.C (Mỹ). Hội nghị có sự tham dự của đại diện 78 quốc gia, ông là một trong 15 người được chọn để báo cáo đề án về xe chữa cháy mini.

Tại Mỹ, ông đã được người ta dẫn đi tham quan khắp các tập đoàn nổi tiếng, ông cũng được tận mắt chứng kiến những công nghệ hiện đại nhất trong trung tâm không gian Nasa. Ông nhớ mãi câu nói của một thành viên Nasa khi ông luôn miệng trầm trồ khen ngợi về công nghệ của họ: Nasa cũng bắt đầu từ những con số không.

Câu nói ấy theo ông về Việt Nam, rồi khi về tới nhà, ông lại lao vào hàn tiện, khoan cắt để cải tiến chiếc Tina-M. Cho đến những ngày đầu năm 2007, ông đã bỏ ngót 400 triệu vào công việc nghiên cứu các loại xe Tina-M.

Ông đã hoàn thành đến 4 chiếc với những kiểu dáng khác nhau phù hợp cho từng loại địa hình. Số tiền nghiên cứu mới đầu lấy từ nguồn dành dụm của vợ chồng ông sau nhiều năm, nhưng rồi dần ông phải bán đất, từ hơn 1.000m2 cha ông để lại, bây giờ đất nhà ông chỉ còn lại chưa đến 500m2.

Mặc cho những toan tính thường nhật, mặc cho những lời can ngăn của bạn bè, ông vẫn lao vào nghiên cứu. Đến chiếc Tina-M gần đây của ông đã lên đến trên 1.200 chi tiết máy móc, mà đáng quý là, hầu hết những linh kiện đều do Việt Nam sản xuất.

Xe có thể dập lửa cùng lúc bằng ba phương pháp: dập bằng nước, CO2, hỗn hợp giữa nước và CO2. Tháng 4/2005, khi thấy gần ưng ý với những sản phẩm của mình, ông mời rất nhiều người, bạn bè đến để thử máy. Thêm hơn 2 triệu tiền củi, dầu, xăng. Ông đã tạo nên một trận cháy tương đương với một đám cháy lớn.

Rồi ông dập tắt lụi trong vòng chưa đến một phút. Ai cũng tấm tắc khen. Đến lúc này bạn bè khi xưa từng đặt cho ông biệt danh Phước “khùng” mới vỗ vai ông rồi kết luận vui rằng: ông “khùng” nhưng ông có lý.

Sáng chế để... trùm mền

Trong một chuyến công tác tại TP HCM năm 2005, ông Klaus Roland - Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam đã bất ngờ ghé thăm xưởng làm việc của ông tại quận 2. Dự kiến chỉ ghé 15 phút nhưng ông Giám đốc đã lưu lại đến hơn 2 giờ đồng hồ để nghiên cứu những chiếc Tina-M với sự thán phục.

Một lãnh đạo của TP HCM hay tin, đã cử người xuống tận nơi để tìm hiểu thực hư về chiếc xe này. Ngay sau đó là sự xuất hiện của các sở, ban, ngành, các trung tâm trong cả nước đến gặp ông để tìm hiểu. Mới đây, một tổng công ty lớn chuyên về cơ khí đã cho người xuống tìm hiểu và đặt vấn đề với ông về việc xin chuyển nhượng bản quyền công nghệ để họ sẽ sản xuất Tina-M bán ra thị trường. Người ta đã đặt vấn đề là thế, nhưng ông vẫn chỉ dám hy vọng!

Tháng 10/2005, ông được Sở Khoa học công nghệ TP HCM hỗ trợ mặt bằng để ông tham dự Hội chợ Công nghệ và Thiết bị Việt Nam. Đã có không ít doanh nghiệp đến tham quan những chiếc Tina-M của ông, cũng nói với ông về những dự định đặt hàng ông sản xuất nhưng ông phải xin lui.

Người ta muốn ông sản xuất số lượng lớn trong khi với cái xưởng cơ khí của một cơ sở hàn tiện bé tẹo, ông chỉ có khả năng sản xuất một vài chiếc. Như bao người làm khoa học khác, ông hy vọng những sáng chế của mình sẽ được áp dụng vào cuộc sống.

TP HCM là một điểm nóng về cháy nổ, mới đây, Chính phủ đã cho TP HCM thành lập riêng một Sở PCCC tại thành phố này. Điều đáng nói là tại các TP lớn như TP HCM, Hà Nội, nhiều khu dân cư đông đúc, khi đám cháy xảy ra thì lực lượng chữa cháy và xe chữa cháy rất khó khăn trong việc tiếp cận đám cháy do địa bàn nằm trong hẻm nhỏ, ngoằn ngoèo.

Hiện nay, nhân lực và phương tiện phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy không đáp ứng được tình hình, 80% phương tiện chữa cháy có tuổi thọ trên 15 năm. Việc có những chiếc xe chữa cháy mini là một việc cấp bách, thế mà những chiếc Tina-M của ông Phước vẫn phải... trùm mền.

Đầu tháng 7/2006, chiếc Tina-M của ông đã được chương trình "Những chuyện lạ Việt Nam" của Đài Truyền hình Việt Nam ghi hình về kỷ lục “xe chữa cháy nhỏ nhất chữa cháy nhanh nhất”. Kỷ lục được thiết lập với loại xe bồn chứa 500 lít nước, 2 bình CO2, dập 30-40m3 lửa (được tạo bởi 4m3 củi, 10 lít dầu và 5 lít xăng) trong 48 giây.

Năm ngoái, niềm vui lớn của ông là việc cho Đội phòng cháy chữa cháy của phường Bình An, quận 2 mượn một trong 4 chiếc Tina-M để chữa cháy, 3 chiếc còn lại ông để trùm mền, lâu lâu ông lại đổ dầu vào để thử máy. Ông bảo, làm như vậy máy sẽ tránh hư hao so với để trùm mền.

Tôi hỏi ông sao không tự lập cho mình một công ty rồi sản xuất những sản phẩm do mình làm ra, bán cho cộng đồng? Ông cười: “Một mình tôi làm không nổi, còn vợ, còn ba cô con gái vẫn còn đang tuổi đi học, mình quen với một cái xưởng nhỏ, tư duy nhỏ rồi”.

Thú thật, khi tận mắt chứng kiến cái xưởng sản xuất chưa đầy 50m2 của ông với 3 người thợ thì khẳng định đề án công ty đối với ông là quá lớn, nhưng đáng khâm phục rằng, từ cái xưởng nhỏ xíu ấy lại cho ra đời chiếc xe chữa cháy mini mà nếu nó đến được với mọi ngõ hẻm, khu phố, chắc chắn những con số thiệt hại do hỏa hoạn hàng năm sẽ giảm rất nhiều...

Thuận Thiên
.
.
.