Ở nơi người dân chung sức ngăn sông đắp đường

Thứ Bảy, 29/03/2014, 13:57
Thôn Đông Bình, xã Duy Vinh (Duy Xuyên, Quảng Nam) bị vây bọc bởi sông Thu Bồn và sông Ly Ly khi chảy qua đây nên lâu nay được xem là “ốc đảo”. Có một thời gian, người dân Đông Bình giao lưu với bên ngoài bằng cầu phao bắc qua nhánh sông Thu Bồn. Nhưng, trận lũ lịch sử tháng 11/2013, đã cuốn trôi cây cầu này khiến gần 1.500 người dân thôn này phải “lụy” đò, trong điều kiện khó khăn, bất tiện và đầy nguy hiểm.

Đầu tháng 12/2013, xuất phát từ ý tưởng của một người dân trong thôn là ông Lê Hoặc (73 tuổi), người dân Đông Bình đã chung tay ngăn sông làm đường. Ông Hoặc tâm sự: “Ý tưởng ngăn dòng Thu Bồn, kéo nước chảy về nhánh sông Ly Ly để làm đường nối thôn Đông Bình với bên ngoài nung nấu trong tui đã lâu, nhưng trước đây dòng sông quá sâu nên không khả thi. Đến nay, xung quanh thôn đã có bờ kè, không bị lở, thêm vào đó nhánh Thu Bồn đã bị bồi đắp, ngày một cạn dần, thay đổi dòng chảy là yếu tố quan trọng nhất để thực hiện ước mơ ngăn sông làm đường”.

Để biến ý tưởng thành hiện thực, ông Hoặc vận động người dân trong thôn đóng góp tiền của, công sức. Ai giàu góp nhiều, ai khó góp ít, có những người gia cảnh khó khăn, người già neo đơn được miễn (nhưng mọi người đều cố gắng vay mượn để góp phần mình trong việc làm đường-NV). Tổng số tiền người dân trong thôn, con cháu đi làm ăn xa cùng các “Mạnh Thường Quân” đóng góp là 240 triệu đồng. Có tiền, người dân chia nhau đi khắp vùng tìm mua hơn 5.000 cây tre, vận chuyển hàng ngàn khối đất đá để đắp đê ngăn nước.

Con đường ngăn sông Thu Bồn nối thôn Đông Bình với bên ngoài.

Mỗi ngày, hàng chục công lao động, gồm: Thanh niên, nông dân dầm mình trong nước để cắm cọc, giăng vách chặn dòng Thu Bồn. Thấy mọi người lao động nặng nhọc nên ông Hoặc đi quanh làng vận động bà con góp khoai, sắn nấu cho ăn giữa buổi để có thêm sức làm… Sau khi người dân Đông Bình đắp đất ngăn dòng Thu Bồn, chính quyền địa phương cũng hỗ trợ 200 triệu đồng để mua xi măng làm thành con đường bê tông dày 20cm, dài gần 300m. “Tính ra, để có con đường này người dân Đông Bình tui đã góp vào đó trên 2.000 công lao động”, ông Hoặc cho biết thêm.

Có dịp về lại Đông Bình mới có thể hiểu hết niềm vui không thể diễn tả hết của người dân một thời sống… “ốc đảo”. Xe cộ qua lại con đường bê tông đắp ngăn sông Thu Bồn tấp nập, những nụ cười rạng rỡ, phấn khởi trên bao gương mặt, từ trẻ thơ đến các cụ già. Ban đêm, dòng điện sáng trưng được kéo từ bên kia cầu đi khắp lối làng ngõ xóm… Rất nhiều thứ giản đơn mà đến nay người dân nơi đây mới tận mắt chứng kiến lần đầu.

Bà Đỗ Thị Cả (74 tuổi) phấn khởi nói: “Từ khi làm con đường bắc ngang sông, rất nhiều ôtô đi vào làng, cái mà xưa nay bà con ở đây ngủ cũng không dám mơ tới. Tui không ngờ đến khi tuổi đã già lại có được niềm vui này!”. Ông Phan Công Nhanh, Chủ tịch UBND xã Duy Vinh, thổ lộ: “Thật sự đây là điều không thể tưởng tượng nổi, chỉ có sức dân, chỉ có sự đồng lòng, quyết tâm của người dân mới làm được những việc “kỳ tích” như vậy! Đây là con đường của lòng dân!”

An Khang
.
.
.