Ổ dịch tiêu chảy đã được khống chế

Thứ Sáu, 11/04/2008, 08:51
Để đảm bảo không lây lan từ ổ dịch, liên tục trong 3 ngày qua từ 8/4 tới nay TTYTDP TP đã phối hợp cùng TTYTDP Thủ Đức tiến hành khử trùng cả khu nhà trọ trên và xung quanh. Cấp thuốc điều trị dự phòng cho toàn bộ hộ dân trong nhà trọ.

Ngay khi nhận được báo cáo về ca tiêu chảy cấp dương tính với phẩy khuẩn tả đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh, sáng 10/4 Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn - Cục trưởng Cục YTDP - Bộ Y tế đã bay vào TP Hồ Chí Minh và trực tiếp cùng Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu Hà xuống địa bàn nơi phát sinh ổ dịch là khu phố 2, phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức.

Đoàn công tác đã trực tiếp tới thị sát khu vực chợ Bình Triệu và khu nhà trọ số 7/10, đường số 10, KP 2, phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức, nơi bệnh nhân Nguyễn Thị Mơi ở trọ…

Ổ dịch cơ bản đã được khống chế

Để đảm bảo không lây lan từ ổ dịch, liên tục trong 3 ngày qua từ 8/4 tới nay TTYTDP TP đã phối hợp cùng TTYTDP Thủ Đức tiến hành khử trùng cả khu nhà trọ trên và xung quanh. Cấp thuốc điều trị dự phòng cho toàn bộ hộ dân trong nhà trọ.

Thực hiện lấy mẫu phân của 7 người (thân nhân người bệnh và những người tiếp xúc thường xuyên) gửi xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Viện Pasteur. Tại khu vực KP 2 trên, UBND phường cũng cho phát loa liên tục nhằm thông báo cho người dân biết phòng tránh.

TTYTDP cũng thực hiện lấy mẫu nước vi sinh, mẫu nước cống thải của nhà trọ để xét nghiệm tìm vi khuẩn tả cũng như thực hiện lấy mẫu nước xét nghiệm tại ngôi chùa trên địa bàn đã cung cấp đồ chay cho quán ăn trong chợ Bình Triệu (nơi bà Mơi và con gái mua và ăn ngày 6/4). 60 ni cô tại chùa trực tiếp tham gia nấu ăn cũng đã được hướng dẫn công tác VSATTP.

Chưa xác định nguồn lây nhiễm

Theo phân tích của Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn, những chi tiết xung quanh trường hợp bệnh nhân Mơi cho thấy dịch đã vào TP Hồ Chí Minh. Thông thường người lành có mang trùng tả trong vòng 1 tuần. Nếu không được phát hiện và điều trị dự phòng sẽ tiếp tục thải ra môi trường theo đường phân. Từ đó vi trùng theo nguồn nước thải ra ao hồ, sông… tuỳ theo tập quán ăn uống, thực hiện vệ sinh của từng khu vực mà sẽ lây lan sang người khác, rồi tiếp tục được thải ra và có thể tiềm ẩn trong môi trường từ 15 tới 20 năm. 

Nhiệm vụ cơ bản để phòng chống dịch tại TP Hồ Chí Minh

Theo nhận định của Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn, về cơ bản ổ dịch tại Thủ Đức như vậy đã được xử lý nhưng nguy cơ còn cao do lưu lượng người dân qua lại từ các tỉnh ngoài Bắc, Trung vào TP rất lớn.

Do đó nếu công tác giám sát không tốt sẽ tạo điều kiện cho vi trùng tiềm ẩn trong môi trường phát tán, lây lan. Việc xử lý ổ dịch bằng Cloramin B bột là đương nhiên nhưng quan trọng nhất là cách pha, liều lượng thật chính xác. Điều trị dự phòng cho người tiếp xúc bệnh nhân phải đúng phác đồ.

Theo chỉ đạo của Thứ trưởng để phòng tránh dịch tốt, 7 nhiệm vụ cơ bản mà ngành y tế cũng như chính quyền TP Hồ Chí Minh cần tuân thủ nghiêm ngặt gồm:

- Tất cả 24 quận, huyện phải xây dựng kế hoạch phòng chống dịch cho riêng mình. Xử lý nghiêm những quán ăn không đúng chuẩn, không đảm bảo vệ sinh. Giám sát và lấy mẫu nguồn nước các loại: nước máy, nước giếng, nước thải, nước ao hồ trong khu vực. Nếu phát hiện vi khuẩn tả phải xử lý ngay.

- TTYTDP TP, Viện Y tế công cộng phải phối hợp phát hiện những khu vực rộ lên những ca tiêu chảy cấp, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. Thực hiện khử khuẩn,vệ sinh môi trường theo qui định không đợi có kết quả mới làm.

 -  Kiểm tra cơ số thuốc, dịch truyền tại các cơ sở y tế, kiểm tra hạn dùng của thuốc, kỹ thuật khử trùng bằng Cloramin B phải được phổ biến, thao tác nhuần nhuyễn.

- Viện Pasteur công bố trên phương tiện thông tin cho người dân biết những loại kháng sinh đã bị kháng, tránh tình trạng người dân mua thuốc tự điều trị ở nhà, không khỏi bệnh mà vẫn lây lan ra cộng đồng.

 - Diễn tập khâu sàng lọc và phân loại bệnh nhân phòng khi dịch xảy ra ồ ạt. Bố trí bộ phận phân loại và cấp cứu bệnh nhân ngay tại khu tiếp nhận. Đảm bảo bệnh nhân được cấp cứu dịch truyền bằng 5 đường có kiểm soát. Tránh việc di chuyển bệnh nhân gây nguy cơ tử vong cao.

 - Tổ chức gấp các đội cấp cứu lưu động trong trường hợp cần thiết xuống tận địa bàn cấp cứu tại chỗ cho bệnh nhân. Các khoa lây của tất cả BV trong TP phải được cấp đủ thuốc Cloramin B, khu cách ly đảm bảo.

Nga Huyền
.
.
.