Núi rừng bị tàn phá: Do khai thác đá quý tùy tiện

Thứ Hai, 26/05/2008, 09:41
Với kẻ nghèo, đá quý chính là một giấc mơ đổi đời nhanh nhất. Còn với các đại gia, có lẽ không còn món đồ trang sức nào có thể xa xỉ và sang trọng bằng mặt hàng này. Vẫn biết đá quý luôn có sức quyến rũ riêng của nó đối với bất kỳ ai. Nhưng chỉ khi vào tới tận vùng của đá quý mới thấy hết sự mê hoặc từ báu vật này trước các "tín đồ" đá quý.

So với nhiều vùng đất khác, có lẽ Yên Bái là mảnh đất được thiên nhiên thiên vị cho nhiều bãi đá quý hơn cả. Thời kỳ Pháp thuộc, người ta đã phát hiện ra những viên đá quý tại vùng đất này.

Nửa cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, huyện Lục Yên của tỉnh Yên Bái đã nóng lên như một vùng đất hứa cho các đại gia săn tìm đá quý. Hàng ngàn người khắp các nơi mang theo giấc mơ đổi đời đã đổ về đây lật tung cả vùng đất vốn dĩ trước đó chỉ là sự tĩnh mịch, âm u của núi rừng. Giờ đây khi Lục Yên đã không còn là điểm nóng của đá quý, thì cũng tại một vùng đất khác của tỉnh Yên Bái lại đang trở thành điểm hẹn, là bãi đáp mới của các "tín đồ" đá quý. Đó chính là huyện Yên Bình.

Theo quốc lộ 70 hướng chạy về Lào Cai, đi chừng 15km là tới địa bàn xã Tân Hương, huyện Yên Bình của tỉnh Yên Bái. Vài năm trở lại đây, Tân Hương được người ta chú ý tới nhiều hơn bởi đây chính là vùng đất mới của những viên đá quý. Phải mất khá nhiều thời gian "hóa trang" và tìm cho mình một "thổ công bản địa" đầy ranh mãnh, chúng tôi mới thâm nhập vào được các bãi đá quý của vùng.

Đi cùng người bản địa, chúng tôi không còn bị thăm dò hay xét hỏi, nhưng khi tới nơi chúng tôi cũng phải ớn lạnh trước những gì được tận mắt chứng kiến. Hình ảnh một nhóm đông đúc hàng chục người, kẻ đào đá, người bê vác xô cũng đủ để thấy sự gấp gáp của mỗi con người nơi đây trong công cuộc vật lộn tìm vận may đổi đời.

N.V.T. chỉ mới 17 tuổi quê ở tận Nghệ An nhưng đã làm việc ở bãi đá này được gần 3 năm, người gầy nhẳng và đen trũi. T cho biết: "Không ở đâu có những bãi đá như Yên Bái. Tìm thấy những viên đá có kích cỡ lớn thì khó, còn những viên đá cám, vụn vặt chỉ có giá trị làm tranh thì đầy".

Chỉ là những thợ đến đây khai thác các loại đá cám vụn vặt, nhưng N.V.H.cũng đã "chung tình" ở vùng đất này được hơn 6 năm. H. cho biết: "Chuyện dùng mìn phá đá bây giờ đã hạn chế đi rất nhiều, ngày xưa chỗ này vẫn chỉ là rừng, chưa có điện không dùng được máy khoan, mìn là công cụ hữu hiệu nhất để phá đá, chính vì vậy chuyện người chết do mìn nổ hay bị đá đè phải là rất bình thường, đã gắn mình với giấc mơ đá đỏ thì phải chấp nhận, không có bãi đá nào là không có sự chết chóc cả".

Cả vùng đất âm u toàn núi rừng là thế, vậy mà giờ đây tất cả đã trở nên náo động trước những giấc mơ tìm đá quý để đổi đời. Lòng ham muốn tột cùng trước sức cám dỗ của những viên đá quý khiến những phu đá ở đây tàn phá tất cả những khu đất nào nếu đã thấy "mùi" của đá quý.

Điều lạ thay, phần lớn trong các bãi đá chỉ là dân ở các vùng khác tìm về, còn dân bản địa hầu như lại không góp mặt. Người dân xã Tân Hương cho biết: "Trước khi người ta đến, ở đây chỉ là những cánh rừng xanh bạt ngàn nhưng rồi rừng cứ mất dần. Làm bất cứ việc gì người ta đều dùng tới mìn, tạo con đường dẫn vào bãi cũng dùng mìn. Chỉ bằng vài quả mìn, trong chốc lát người ta cũng đã san phẳng những quả đồi…".

Quả thật chỉ có mìn và lòng tham con người mới khiến cả vùng rừng núi xanh cao thành những bãi đất tan hoang khó có còn hi vọng hồi sinh. Dường như nơi đây chỉ là thế giới của những kẻ có giấc mơ thật mãnh liệt mới có thể trụ lại, rất nhiều phu đá xấu số chưa một lần được chạm vào viên đá quý dù chỉ như những đầu tăm vụn vặt, nhưng chỉ trong chốc lát anh em trong bãi đá đã phải quấn chăn chuyển về quê.

Mặc dù được thiên nhiên ưu đãi nhiều hơn so với các vùng đất khác, song khó ai có thể biết được các bãi đá quý ở mảnh đất này còn hay đã hết. Người ta chỉ biết rằng đá quý ở Yên Bái có chất lượng bậc nhất ở Đông Nam Á, không đâu có chất lượng đá quý tốt hơn là ở đây.

Nhưng thật ái ngại và buồn thay khi cách đây vài năm có đoàn khách nước ngoài đến để thăm dò trữ lượng cũng như tuổi của đá quý lại nói rằng: "Cả vùng đất này chính là khối ngọc nhưng không thể hợp tác bởi sự khai thác ở đây vô cùng thô sơ và tùy tiện"

Quốc Hưng
.
.
.