Viết tiếp loạt bài bếp ăn bán trú - hàng loạt nỗi lo khi bước vào năm học mới:

Nửa triệu học sinh bán trú tại TP Hồ Chí Minh đang ăn uống ra sao?

Thứ Tư, 08/10/2014, 08:12
Câu chuyện 3.000 học sinh (HS) quận Hoàng Mai, Hà Nội ngày nhập trường phải lên lớp với cái bụng “lép kẹp” vì ăn trưa bằng mì tôm, bánh ngọt khiến phụ huynh như muốn “nhảy dựng” về bữa ăn học đường. Sau các số báo được đăng tải trên Báo CAND ra ngày 29, 30/9 và 1/10, ghi nhận của PV Báo CAND tại TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày cũng đang có tới hơn nửa triệu HS, tương đương với dân số của cả tỉnh Điện Biên đang được phục vụ ăn bán trú nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATVSTP.
>> Bài 1: Cuộc chiến “độc quyền” bếp ăn bán trú trong trường học

“Xót xa lắm khi chứng kiến học sinh nhập viện hàng loạt chỉ vì ăn cái bánh mì do trường đặt mua ở nơi quá xa, về tới nơi gây nhiễm khuẩn. Nỗi lo đâu chỉ có của phụ huynh, ngành Giáo dục TP Hồ Chí Minh cũng lo lắm!”, một cán bộ y tế học đường đã chia sẻ.

Nỗi bất an thường trực: Ngộ độc thực phẩm!

Nỗi lo về ngộ độc thực phẩm (NĐTP) thường trực khiến cứ mỗi khi đầu năm đưa con tới trường, đầu tiên là các phụ huynh có con học mầm non (MN), tiểu học (TH) tại TP Hồ Chí Minh thường chạy xuống ngó cái bếp ăn, phòng ngủ trưa ở nơi con được học hành cả ngày. Nhất là sau vụ NĐTP xảy ra tại Trường Tiểu học Long Bình, quận 9, với 97 HS phải nhập viện vào tháng 4/2014, phụ huynh và nhà trường tới giờ còn “xanh mặt” và ám ảnh cái cảnh nháo nhào bỏ mọi công việc, chạy vào viện chăm con cấp cứu vì NĐTP.

Chị N.T.Thu, có con học TH tại một trường khu vực quận 4, TP Hồ Chí Minh, nói: “Ngày nào con tôi đi học về cũng đòi ăn liền, cháu kêu đói. Chúng tôi đã từng kiến nghị nâng phí bữa ăn từ 27.000 lên 30.000đ/ngày cũng được, miễn là chi tiêu tài chính phải công khai, đừng bao giờ để phụ huynh nghi ngờ là bữa ăn con mình bị bớt xén”.

Cho con học bán trú tại một trường TH quận 1, tiền ăn một ngày đóng 30.000đ nhưng anh N.T.H (ngụ quận 7) vẫn không yên tâm. Nghe nói nhà trường đặt suất ăn sẵn (SĂS) tại một công ty ở quận Thủ Đức, anh lẳng lặng tới “thám thính” hoạt động chế biến tại công ty này mới tạm yên tâm. Anh kể, do đã từng chứng kiến một cơ sở cung cấp SĂS cho trường học hoạt động trong cảnh địa điểm nấu, rất xa khu dân cư, dùng nước giếng khoan, khu vực nấu thì ẩm thấp, có nhiều ao tù nước đọng. Nhưng anh kinh sợ nhất là khi nhìn tận mắt thấy khu vực chia thức ăn chuẩn bị đem tới cho HS vẫn có ruồi muỗi côn trùng, nên khi xin học cho con dù là tại trường trung tâm thành phố, anh cũng phải tự đi tìm hiểu kỹ tới tận nơi nấu bữa ăn cho con mình thế nào!

Sau vụ việc ngộ độc ngày 18/4, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh chỉ đạo: Phó hiệu trưởng phụ trách bán trú phải nếm thức ăn trước khi đưa tới bàn ăn cho học sinh.

Ngày 3/10, chúng tôi cũng có dịp gặp gỡ trao đổi với một Phó trưởng Phòng GD&ĐT tại TP Hồ Chí Minh. Vị này thừa nhận: Nếu so sánh giữa SĂS đặt bên ngoài và bữa ăn được nấu tại trường là có sự khác biệt lớn: bữa ăn tại trường nấu có độ nóng, ngon, đầy đủ hơn. Còn SĂS hiếm hoi lắm mới được một bữa tạm ưng ý. Đặt nơi khác nấu chưa bao giờ yên tâm, nhất là việc không thể kiểm tra thường xuyên được chất lượng ATTP. Nhưng nhu cầu bán trú thì phải đáp ứng. Đành phải “cột” trách nhiệm của đơn vị cung ứng trong bản hợp đồng với các trường. Khi xảy ra NĐTP mới qui trách nhiệm. Nhưng nói thực, khi đó thì cả thầy trò và phụ huynh cũng xỉu vì lo cấp cứu ngộ độc.

PV Báo CAND đã tới tham quan giờ ăn trưa tại Trường TH Kim Đồng, quận Gò Vấp, khi HS còn đang học tiết 4, cấp dưỡng của trường đã phải chuẩn bị chia thức ăn vào từng khay trên các bàn nhựa được kê sẵn ngoài sân, hành lang phòng học. Cô Hiệu trưởng Trường TH Kim Đồng nói: “Trường Kim Đồng có bếp ăn và mỗi ngày nấu hơn 1.000 suất. Nhà trường phải cố gắng lắm mới xây dựng được bếp ăn đảm bảo một chiều, tất cả đều được ngành Y tế thẩm định. Tuy nhiên, do chật chội thì phải tận dụng hành lang, ngoài sân có mái che cho HS ngồi ăn trưa. Sau bữa ăn, các em còn phải ngủ trưa trong phòng”.

Trong một dịp tới thăm Trường TH Nguyễn Văn Trỗi (quận 4, TP Hồ Chí Minh) cho thấy, cũng phải áp dụng một cách tổ chức tương tự. Cấp dưỡng dọn sẵn bàn ghế nhựa ra sân, bày bữa ăn cho HS tại bất cứ chỗ nào trống, có bóng mát cây xanh.

Đã tới hồi cấp thiết chuẩn hóa bếp ăn bán trú

Theo số liệu của Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, trong tổng số 1.675 trường học từ MN, TH, THCS, THPT trên địa bàn thì có tới 1.376 trường có tổ chức ăn bán trú (tức 548.144 HS có ăn trưa, ăn xế) tại trường, chiếm tỉ lệ tới 82,2% trên tổng số trường phổ thông TP Hồ Chí Minh có lớp bán trú, tức tỉ lệ trường bán trú đã “bao phủ” gần hết. Nhưng lo nhất là 235.780 HS TH của 152/400 trường TH bán trú đang phải đối mặt nguy cơ thiếu vi chất, dinh dưỡng trong bữa ăn, vì không có bếp ăn, phải đặt SĂS bên ngoài.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Tài Dũng, Phó phòng Quản lý HS-SV, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, nói: Khối MN có 766/772 trường bán trú đã có bếp ăn thiết kế xây dựng, cũng như có “bộ thực đơn” cho trẻ theo đúng tiêu chí của Bộ Y tế - Bộ GD&ĐT phối hợp. Riêng khối TH, THCS, THPT, do “lịch sử để lại” và kể cả các dự án xây trường mới, trong tất cả các dự án đều “khuyết”, bỏ quên hạng mục xây nhà ăn, bếp ăn, nhà nghỉ trưa cho HS. Hiện, TP Hồ Chí Minh mới chỉ có 43/143 trường THCS bán trú là có bếp tại chỗ, còn tới 102 trường, lo cho 63.671 HS ăn uống hằng ngày trông chờ vào lương tâm của người chế biến thực phẩm từ cơ sở cung ứng SĂS.

Theo thông tin mới đây nhất từ Chi cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh về vụ việc 97 HS Trường TH Long Bình khi nhập viện với nhiều triệu chứng nôn, ói, khó chịu, khó thở, sau khi ăn món cơm chiên Dương Châu do Chi nhánh Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản cung cấp suất ăn trưa. Điều tra xét nghiệm mẫu lưu thực phẩm của món cơm trên, ghi nhận có sự hiện diện vi sinh vật gây bệnh: Staphylococcus aureus (vi khuẩn tụ cầu vàng). Dựa trên kết quả điều tra này, Thanh tra Sở Y tế đã xử phạt vi phạm hành chính với cơ sở, tổng số tiền phạt là 23.000.000đ.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh cho biết: Thực trạng công tác quản lý về vấn đề ATTP trong các bếp ăn trường học cho thấy đã tới hồi cấp thiết phải xây dựng mô hình bếp ăn chuẩn cho HS. Hiện, TP Hồ Chí Minh có 136 công ty cung cấp SĂS đã có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP do Chi cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh thẩm định và cấp phép, được kiểm tra thường xuyên, có thể áp dụng cho các trường chưa có bếp, ký hợp đồng, nhưng các trường phải kiểm soát được chất lượng an toàn. Tuy nhiên, nếu thực hiện được bếp ăn tại chỗ, tổng giá thành cho bữa ăn hợp lý hơn, không bị động do giá cả thị trường, kiểm soát, khắc phục kịp thời được chất lượng bữa ăn cho HS là điều các nơi cần phấn đấu

Huyền Nga
.
.
.