Nửa thế kỷ góp vui cùng Trung thu

Chủ Nhật, 02/09/2012, 02:41
Còn đúng 1 tháng nữa là đến Tết Trung thu 2012, ngày 30/8 chúng tôi đến gặp vợ chồng ông Bùi Tấn Hiệp - Lê Thị Minh Châu, chủ cơ sở Lê Uyên ở đường Phạm Văn Thuận, khu phố 7, phường Tam Hiệp, TP Biên Hòa (Đồng Nai) - nơi duy nhất ở TP Biên Hòa còn làm lồng đèn truyền thống. Hai vợ chồng ông đang tất bật với công việc dán dán, vẽ vẽ lên những chiếc lồng đèn giấy bóng kiếng.

Nói chuyện với chúng tôi, ông Hiệp thổ lộ, hơn 43 năm theo nghề làm lồng đèn giấy bóng kiếng, đã nhiều lần vợ chồng ông muốn bỏ hẳn nghề để chọn một công việc nhàn nhã, cho thu nhập cao hơn. Nhưng khi thấy những khuôn mặt trẻ thơ vui sướng với những chiếc lồng đèn đầy màu sắc mỗi khi Tết Trung thu đến, vợ chồng ông lại cố gắng vượt qua khó khăn để giữ lại cái nghề đã gắn bó với gia đình từ bao đời nay - từ làng Báo Đáp, tỉnh Nam Định. Nghề làm lồng đèn truyền thống của vợ chồng ông trước là thu nhập chính, còn bây giờ trở thành "nghề tay trái"; thu nhập chính của vợ chồng ông là cửa hàng chuyên bán hoa vải Lê Uyên.

Đến cơ sở của vợ chồng ông Hiệp mới biết được nỗi khó khăn, vất vả của nghề làm lồng đèn truyền thống. Hằng năm công việc làm lồng đèn được vợ chồng ông chuẩn bị trước 5-6 tháng. Năm nay lồng đèn truyền thống có dấu hiệu hồi sinh, các mối tiêu thụ gọi điện đến đặt hàng nhiều. Vợ chồng ông rất vui, nhưng sức lực có hạn nên chỉ làm được 2.000 cái với 10 loại lồng đèn, đủ các kích cỡ khác nhau, chỉ riêng việc làm khung để cho ra các loại lồng đèn: ngôi sao, cá, gà, bướm, máy bay, tàu thủy, giỏ hoa… mỗi ngày ông cũng chỉ làm được 20-30 cái. Còn vợ ông, người chuyên dán giấy bóng kiếng vào các khung làm từ 4h sáng đến 9h tối cũng chỉ được 30 cái.

Trước kia, tại TP Biên Hoà và các địa phương lân cận, ở đâu cũng có bán lồng đèn của vợ chồng ông. Người mua thường thích cái khung vững chắc, những nét vẽ có duyên được thể hiện trên từng sản phẩm. Nhưng rồi  lồng đèn điện tử của Trung Quốc tràn ngập thị trường, đã "giết" nghề làm lồng đèn ở TP Biên Hòa. Nếu như trước đây, ở phường Tân Mai (TP Biên Hòa) - có trên 10 hộ làm lồng đèn Trung thu (gia đình ông Hiệp trước ở phường Tân Mai); mỗi Tết Trung thu đưa ra thị trường 35.000-40.000 lồng đèn truyền thống, riêng ông và hai người em trai làm trên 15.000 cái. Làm đã cực nhọc (ngồi suốt mấy tháng trời), thu nhập lại thấp hoặc không đủ bù chi nên hai người em của ông và những hộ khác buộc phải bỏ nghề, chọn việc khác ổn định hơn.

Với ông, nghề làm lồng đèn đã gắn bó với ông từ năm 1969 khi còn là cậu bé mới 14 tuổi. Yêu nghề đến đam mê, nhưng không sống được với nghề, nhiều lần ông chán nản muốn bỏ để tìm công việc khác như hai người em trai của mình. Còn vợ ông, cũng yêu nghề nên khuyên ông nên giữ lại cái nghề cha ông truyền lại, không bởi chỉ là vì miếng cơm manh áo mà còn cả một tấm lòng biết ơn với cái nghề đã nuôi sống gia đình lúc cơ hàn.

Ông Hiệp đang làm đèn lồng truyền thống.

Nhìn những lồng đèn khi đã hoàn thành thấy đơn giản, có tận mắt chứng kiến các công đoạn vợ chồng ông thực hiện một cách tỉ mẩn, cẩn thận và nhẫn nại để có một cái lồng đèn, mới hiểu được lòng yêu nghề của vợ chồng ông đến dường nào. Ông tự tay chọn màu, rồi vẽ họa tiết trang trí, mà không làm đèn theo kiểu công nghiệp (màu sắc, họa tiết in sẵn trên giấy bóng kiếng) nên màu sắc của những lồng đèn do vợ chồng ông làm ra rất tươi sáng.

Ông Hiệp tâm sự: "Nếu chỉ vì mưu sinh, chúng tôi cũng không giữ được nghề cho đến tận bây giờ. Điều động viên lớn nhất đối với chúng tôi là sự háo hức của các cháu nhỏ vào dịp Tết Trung thu, chúng tôi muốn giữ cho các cháu nét văn hóa mà các thế hệ đi trước đã từng trải qua. Khi lồng đèn truyền thống Việt Nam vẫn còn chỗ đứng, chúng tôi vẫn tiếp tục làm cho đến lúc không còn sức nữa mới thôi"

Công Trường
.
.
.