Nữ sinh ‘tuột xích’ và lá thư viếng mẹ viết từ trại giam

Thứ Tư, 19/08/2015, 10:27
Khi được giới thiệu đây là gương mặt cải tạo tốt tiêu biểu của trại, có bức thư gửi lời xin lỗi xúc động nhất, trong đầu tôi vẫn không thể hình dung ra Nhàn. Gặp Nhàn, ấn tượng đầu tiên là nét ương bướng còn phảng phất trên khuôn mặt nhưng đôi mắt ướt thì lúc nào cũng như chực khóc…

Nhàn tên đầy đủ là Nguyễn Thị Thanh Nhàn (41 tuổi), trú ở phố Quang Trung, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Sinh ra và lớn lên giữa chốn Hà thành phồn hoa đô hội, Nhàn cũng được gia đình cho ăn học tử tế như bao người, đặc biệt do học lực ổn nên Nhàn thi đỗ vào một trường đại học ngoại ngữ trên địa bàn Thủ đô. Học đến năm thứ 3 thì bất ngờ Nhàn tuyên bố sẽ nghỉ học, ở nhà lấy chồng. Bố mẹ bất ngờ, thầy cô, bè bạn thì tiếc và lo cho tương lai của Nhàn. Chỉ khi cuộc hôn nhân sớm nở chóng tàn với người chồng kỹ sư hoá học đi đến hồi kết bằng việc kéo nhau ra toà li dị (năm 2004), Nhàn mới ngộ ra thì đã muộn.

Phạm nhân Nguyễn Thị Thanh Nhàn và bức thư gửi lời xin lỗi xúc động của Nhàn được các cán bộ đánh máy, lưu giữ tại Trại giam số 6.

Con trai của Nhàn cũng chịu nhiều thiệt thòi, thiếu thốn tình cảm cha mẹ. Buồn chán chuyện gia đình, Nhàn lao vào cờ bạc. Bị thua nhẵn túi, Nhàn đi buôn ma tuý, để có tiền trả nợ và thoả mãn các thú vui… Năm 2006, Nhàn bị Công an Hà Nội bắt giữ khi đang cùng đồng bọn mua bán trái phép 500 viên thuốc lắc, bị Toà án nhân dân TP Hà Nội tuyên 15 năm tù.

Cuộc sống bay nhảy tự do bên ngoài giờ khép kín sau bốn bức tường giam chật hẹp khiến Nhàn như phát điên. Có những lúc trong đầu Nhàn chỉ nghĩ đến hai từ “tự tử” bởi chẳng bao giờ hình dung được mình sẽ trải qua ngần ấy năm tù. Thế nhưng, được sự quan tâm động viên, giáo dục của các cán bộ nên chị dần thích nghi với cuộc sống ở trại, cũng như ngộ ra rằng mình phải thay đổi, phải cải tạo tốt để chờ ngày trở về. “Có lẽ, bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời tôi là vào năm 2010, ngày tôi nghe tin mẹ mất. Hôm đó là ngày nghỉ, tôi đang ở phân trại số 1, cán bộ Thanh vào hỏi thăm, thông báo tin buồn và cho phép tôi nghỉ đến khi nào bình tĩnh mới phải đi làm. Tôi bị sốc, đờ đẫn đi, nằm một chỗ, không ra điểm buồng…”, Nhàn kể, Nhàn không ngờ mình được ưu ái thế, các cán bộ trực đến phiên đều vào thăm hỏi, động viên.

Chính nỗi đau này đã giúp Nhàn xốc lại tinh thần, xác định lại hướng đi đúng đắn của cuộc đời mình. Trong lá thư gửi lời xin lỗi, Nhàn viết: “Con gái bất hiếu của mẹ chưa từng một lần được thắp lên bàn thờ mẹ một nén hương thành kính. Vành khăn tang vẫn chờ con về, giọt nước mắt tiếc thương chưa được thấm trên mộ mẹ. Con vẫn chưa về được mẹ ơi, vì “món nợ” cuộc đời con vay chưa trả hết… Nước mắt con đã cạn khô khi hằng đêm trên mảnh đất xa xôi, trong bốn bức tường trại giam, con luôn nghĩ về mẹ, về gia đình. Không thể nhìn mặt mẹ lần cuối là sự bất hiếu của một đứa con. Nhưng còn gấp trăm ngàn lần nữa là vì tội lỗi của con mà mẹ đã quyết định ra đi cho lòng thanh thản…”. Nói đến mẹ, những giọt nước mắt ân hận lại dâng tràn nơi khoé mắt, những ngày sau đó chị chỉ nghĩ đến con trai, và luôn tâm niệm mình phải cải tạo thật tốt để nhanh chóng được trở về…

Ngày Nhàn đứng giữa hội trường buổi giao lưu “Ước mơ ngày trở về” (do Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp tổ chức) đọc bức thư xin lỗi, cả hội trường đều lặng đi và hàng trăm phạm nhân đã xúc động, không cầm được nước mắt. Còn Nhàn chia sẻ, người dạy Nhàn viết những câu văn, bài thơ đầu tiên là cán bộ Nguyễn Duy Đạo, cán bộ giáo dục của Phân trại số 2.

“Khi mới viết câu chữ ngô nghê lắm, nhưng cán bộ rất tin tưởng và tận tình hướng dẫn, chỉnh sửa cho tôi” – nói rồi Nhàn còn khoe về rất nhiều tác phẩm báo tường mà Nhàn tham gia từ năm 2011 đến nay. Là một trong những phạm nhân có tên trong danh sách được đề nghị xét đặc xá dịp 2-9 năm nay, đến bây giờ Nhàn vẫn nguyên cảm giác lâng lâng vui sướng.

Trung tá Nguyễn Thành Trung, Đội trưởng Đội Giáo dục hồ sơ, Trại giam số 6 cho biết, Nguyễn Thị Thanh Nhàn là một trong những phạm nhân có ý thức cải tạo tốt, dù án 15 năm nhưng tính đến lúc được đặc xá phạm nhân này chỉ phải chấp hành 8 năm 8 tháng, với 4 lần được giảm án (năm 2012 được giảm 12 tháng, năm 2013 giảm 20 tháng, năm 2014 giảm 20 tháng, tháng 5/2015 được giảm tiếp 20 tháng).

Cho rằng chính Trại giam số 6 đã thay đổi cuộc đời mình, Nhàn xúc động kể lại kỷ niệm khi Nhàn bị bệnh bướu cổ, người gầy rộc đi, được Ban Giám thị tạo điều kiện cho đi bệnh viện: "Tôi nằm viện mất 21 ngày, Ban Trung (Phó Giám thị phụ trách Phân trại số 2 - PV) lên thăm tôi 3 lần, rồi cán bộ Đạo, cán bộ Hải… đều trực tiếp đến thăm tôi, lúc vào thăm, người cho tôi 100 nghìn đồng, người cho tôi 200 nghìn đồng. Nhưng nhớ nhất là lúc bước ra khỏi cổng trại để đến viện, vừa đi tôi vừa rớt nước mắt bởi có cán bộ còn chạy theo giúi tiền vào tay tôi… Không phải vì giá trị vật chất đâu, đấy là sự quan tâm mà tôi không bao giờ nghĩ là mình được nhận” – Nhàn nói, tay khẽ gạt những giọt nước mắt.

Rồi Nhàn tự hào kể về người con trai năm nay đã 17 tuổi, cao 1m72, học trường chuyên về ngoại ngữ, tin học và rất giỏi về công nghệ thông tin; về công việc móc len, khâu bóng – thứ nghề “giắt lưng” khi Nhàn hoàn lương, trở về với đời thường.

Quỳnh Vinh
.
.
.