Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Sơn và 10 năm đi tìm thương hiệu của chính mình

Thứ Năm, 20/07/2006, 13:31
Một đời làm doanh nhân lắm thăng trầm, chỉ đến khi quyển tự truyện "Nguyễn Thị Sơn - Tình yêu, gia đình, sự nghiệp" ra đời, nỗi chất chứa nặng nề ấy đã vơi đi ít nhiều. Chị còn là một người phụ nữ phi thường khi nuôi dạy 5 người con trở thành những doanh nhân trẻ thành đạt.

Đã ngoại ngũ tuần nhưng nữ doanh nhân Nguyễn Thị Sơn vẫn đảm nhiệm vừa là Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý và Kinh doanh quốc tế, vừa là Hiệu  trưởng Trường Cán bộ quản lý doanh nghiệp.

Quê chị ở Bắc Ninh, nhưng lớn lên và lập nghiệp tại TP Hồ Chí Minh. Tiếp xúc với chúng tôi tại trụ sở Báo CAND, chị kể rằng, cuộc đời chị là sự đan xen giữa niềm đắm say hạnh phúc và những câu chuyện buồn. Chồng chị là một chàng trai có chung một sở thích với chị. Sau mùa hè đỏ lửa năm 1972, tất cả thanh niên bị chính quyền Sài Gòn bắt phải nhập ngũ, anh Triệu, chồng chị lúc đó đang là sinh viên y khoa cũng bị bắt đi lính.

Mãi đến cuối năm 1977, chồng chị được trở về đoàn tụ với gia đình và được bố trí về làm việc tại phòng khám lao của quận. Sau đó, chị đi Đức và Tiệp Khắc học sản xuất giày và nghiên cứu thị trường. Lô hàng đầu tiên của công ty kể từ khi chị về làm giám đốc đạt chất lượng, được đối tác khen ngợi. Cứ như thế, dần dần, chị đã trả được nợ xây dựng nhà máy.

Tháng 12/1988, công ty chính thức đổi tên thành Công ty Xuất nhập khẩu Legamex. Thương hiệu Lega-fashion bắt đầu xuất hiện trên thương trường và ngày càng ghi dấu ấn cho người tiêu dùng thông qua các chương trình giới thiệu thời trang. Lega-fashion cũng chính là đơn vị đầu tiên tôn vinh nghề người mẫu Việt Nam. Công nhân mỗi lúc một đông, có lúc lên đến 4.000 người, ngoài ra công ty còn giải quyết việc làm cho khoảng 15.000 lao động ở các xí nghiệp vệ tinh. Công ty bắt đầu có uy tín không những trong nước mà nhiều quốc gia khác như Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Danh tiếng của vị nữ Giám đốc Nguyễn Thị Sơn nổi như cồn. Báo đài trong và ngoài nước ca ngợi chị và Legamex được nhắc đến là một doanh nghiệp điển hình của Việt Nam thời kỳ đầu của chính sách mở cửa.

Thương hiệu Legamex đã trở thành thương hiệu mạnh đầu thập niên 90 thế kỷ XX. Năm 1991, từ cấp quận, công ty trở thành đơn vị trực thuộc Sở Công nghiệp TP Hồ Chí Minh. Hai năm sau, Nhà nước có chính sách mới cổ phần hóa doanh nghiệp và Legamex được chọn làm thí điểm đầu tiên. Chị cũng lại là người hăng hái đi đầu với nhận định cổ phần hóa sẽ có thêm nhiều cơ hội để phát triển sản xuất kinh doanh đồng thời chấp hành và hưởng ứng chính sách đổi mới của Nhà nước.

Mọi việc đang tiến hành suôn sẻ thì đùng một cái, kết luận của Ủy ban Thanh tra TP Hồ Chí Minh "bay"  đến và 3 ngày tiếp theo là quyết định đình chỉ toàn bộ công tác Ban Giám đốc Công ty Legamex. Vụ án được khởi tố, chị trở thành bị can với tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

"10 tháng là thời gian mà tôi khóc hết nước mắt" - chị kể, chị nghĩ đến các con, lo lắng không biết ở nhà chúng ra sao, nỗi lo thường tình của một người mẹ, nhưng rồi chị cũng xua chúng đi bằng công việc. Cuối cùng chị cũng trở về nhà sau 10 tháng với một trạng thái nặng nề và câu hỏi "vì sao" luôn ám ảnh. 2 năm trời chị không được phân công công tác. Nhiều người khuyên chị nên ra làm tư nhân, chị dứt khoát mình đã là người của Nhà nước, Nhà nước tin tưởng mới tuyển dụng, bổ nhiệm làm công chức rồi làm quản lý, chị xem đó là một niềm vinh dự.

Chị muốn tiếp tục được làm việc để khẳng định và chứng minh rằng cán bộ Nhà nước vẫn còn những người thành công bằng sự trung thực và bằng chính khả năng của mình. Tháng 10/1998, chị được chuyển về Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và giữ vai trò Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý doanh nghiệp.

Lúc này, tiền cổ phần của gia đình chị được hoàn trả, tuy có thiệt thòi về tỉ giá giữa lúc mua cổ phần và lúc hoàn trả nhưng chị động viên gia đình cứ nhận. Legamex dám lội đi trước thì phải chấp nhận sự may rủi. "Còn riêng bản thân chị sau bao nhiêu năm nhìn lại, chị đã đúc kết lại sự cố xảy ra với mình?" - chúng tôi hỏi. Chị bảo không muốn nhắc lại chút nào chuyện đau buồn đã qua nữa, mọi điều chị đã nói trong tự truyện. Nhưng ngẫm lại, nguyên nhân chủ quan từ chính bản thân, chính chị cũng thấy nhiều bài học cần rút ra để suy ngẫm đó là sự hãnh tiến và sự chủ quan.

"Xuất phát từ lòng nhiệt tình, làm được việc và kết quả thành công đáng khích lệ, được nhiều người khen ngợi, tôi chỉ thấy sự sáng chói của cơ hội thăng tiến mà không thấy hết những nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy đến cho mình" - chị tâm sự. "Tôi cũng chưa đủ kinh nghiệm để lường trước hết sự phức tạp trong quan hệ giữa người và người". "Sau bao thăng trầm như thế chị quan niệm về cuộc đời có bi quan, chán nản không?". Chị lại cười: "Bây giờ tôi suy nghĩ cuộc đời như một tấm gương, mình cười với gương thì mình nhận được nụ cười của người trong gương và ngược lại. Vì thế tôi mong được yêu mến mọi người để được mọi người yêu mến lại".

10 năm gây dựng lại thương hiệu

Và chị bắt đầu một lúc kiêm ba vai trò Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý doanh nghiệp, giảng viên đứng lớp và tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp. Chị lại thành công sau 5 năm hoạt động. Năm 2004, trường được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Nhiều học viên của trường đã trở thành doanh nhân thành đạt. Năm 2004, đề án thành lập Trường Đại học Tư thục VCCI đã được chấp thuận về quy hoạch, dự kiến xây dựng tại phường Tân Tạo A, quận  Bình Tân, TP Hồ Chí Minh.

Môi trường mới, công việc mới, kinh nghiệm từ  hàng loạt chuyến công du đến các nước đã giúp chị niềm vui và cũng giúp chị thực hiện hàng loạt những trăn trở của mình, trong đó có đề án thành lập Viện Khoa học pháp lý và kinh doanh quốc tế. Tháng 10/2005, trong hội thảo tại Nha Trang về vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế, khi phát biểu chị đã đề cập đến đề án này và được Hội Luật gia Việt Nam nhiệt tình ủng hộ. Hai tháng sau, chị nhận được quyết định thành lập Viện kèm theo quyết định bổ nhiệm làm Viện trưởng.

Theo đà câu chuyện, khi chúng tôi hỏi chị đã lại leo lên đến đỉnh rồi, nhìn lại phía sau chị có thấy tiếc nuối điều gì nữa không? Giọng chị nhẹ nhàng, bình thản: "Tôi trân trọng những gì trời đã ban cho tôi kể cả những gì trời đã bắt tôi đau khổ. Còn nếu tiếc, tôi tiếc cho những hoài bão của mình bị chậm lại, bỏ lỡ nhiều cơ hội. Cả cuộc đời phấn đấu rồi phải mất 10 năm để khôi phục lại uy tín bằng việc chứng minh khả năng thật sự của một con người thật là quá đắt".

Cho đến giờ phút này, có thể nói sau bao nhiêu thăng trầm của hành trình khẳng định khả năng tự lực, tìm lại "thương hiệu con người" đúng nghĩa sống đúng, sống tốt, vì cái chung… chị đã thành công trọn vẹn trên con đường sự nghiệp và hạnh phúc gia đình. Chị còn băn khoăn các con chị đang phấn đấu cho mục tiêu tốt đẹp của xã hội, muốn phấn đấu vào Đảng, nhưng trong bản tự khai lý lịch gia đình, phải ghi sao đây. Nếu ghi mẹ từng ở tù 10 tháng thì không đành bởi vì có ai kết tội chị đâu, chỉ giam giữ để điều tra, còn không ghi vào lý lịch thì chính lương tâm chị không cho phép, chị không muốn mình và các con thiếu trung thực…

Bây giờ, nếu nhìn từ ngoài vào chị đã tự mình minh oan cho mình bằng những năm tháng khổ lực phấn đấu, nhưng còn trong tâm hồn chị - vẫn còn một đám mây che phủ, một sự ức chế vì vậy nên khi các con khuyên chị không cần công bố tự truyện, rằng bây giờ mọi người đã biết mẹ là ai rồi. Chị bảo chị cần phải viết. Và từ quyển tự truyện được trích đăng trên các phương tiện truyền thông, chị nhận được nhiều lời chia sẻ của bạn đọc, đồng thời giải tỏa phần nào tâm lý bị ức chế lâu nay. Khi trò chuyện với chúng tôi, chị bảo cho đến hiện tại, hàng nghìn doanh nhân đến học ở trường, viện của chị, chỉ biết chị là cô Sơn - nhà giáo, hiệu trưởng. Sẽ nhiều người biết rõ chị là ai

Lưu Vinh - Hạnh Chi
.
.
.