Nữ công dân danh dự của đảo Cát Bà

Thứ Sáu, 08/04/2005, 16:23
Trong thời gian làm việc tại Cát Bà, Tiến sỹ Rosi Stenke, sống và làm việc trong một căn phòng 18m2 giữa rừng sâu. Hôm chúng tôi đến thăm đúng vào dịp gió nồm nam, nền nhà lép nhép nước.

Từ tháng 11/2000, một tổ chức phi Chính phủ của Đức là Hội động vật về bảo tồn loài và quần thể (ZGAP) - Munich cùng Vườn thú Muenste Zoo đã cộng tác với Vườn quốc gia Cát Bà (Việt Nam) thực hiện Dự án bảo tồn voọc"… Và, nữ Tiến sỹ Rosi Stenke có mặt ở đây suốt 5 năm qua.

Qua một năm đầu lặn lội trong rừng, Tiến sỹ Rosi Stenke đã tìm ra nguyên nhân làm cho đàn voọc Cát Bà đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Hiện, cả đàn chỉ còn 62 con nhưng chỉ có từ 9 đến 13 con đực trưởng thành. Do tác động của con người, đàn voọc Cát Bà lại bị chia cắt ra thành 8 tiểu đàn, sống biệt lập với nhau, có đàn chỉ có 3 đến 4 con, nhiều đàn chỉ có con cái, do vậy chúng không thể sinh sản được.

Tiến sỹ Rosi Stenke phấn khởi khoe: "Đó là tình trạng trước đây thôi. Còn bây giờ, sau 5 năm, bà con ở đây đã thay đổi hẳn nhận thức. Nạn săn bắn thú rừng đã cơ bản được kiểm soát. Điều mừng hơn, đã có dấu hiệu đầu tiên về sự tăng trưởng của số lượng đàn voọc. Trong 5 năm qua, đã có 9 con voọc con chào đời…".

Một con voọc Cát Bà.

Khi chúng tôi đến thăm, trong căn phòng nhỏ của Tiến sỹ Rosi Stenke, tất cả máy móc, trang thiết bị nghiên cứu của Dự án phải kê, gác chồng đống trên bàn, trên nóc tủ. Dù khu nhà Ban giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà còn nhiều phòng rộng, khô ráo trên tầng 2, nhưng chẳng hiểu vì sao chị lại ở căn phòng dưới tầng 1 ẩm thấp như vậy.

Đã thế, Tiến sỹ Rosi Stenke còn phải trả tiền thuê căn phòng này cùng 1 gian xép 12m2 làm kho và cũng là nơi nghỉ cho người trợ lý với giá 1,5 triệu đồng/tháng. Mức giá thuê ngang với một căn nhà mặt tiền ở nội thành Hải Phòng. Được biết, tổng kinh phí cho Dự án từ  năm 2000- 2006 là 350.000USD nhưng Tiến sĩ Rosi đã chi chủ yếu cho các công việc của dự án như trang thiết bị cho các tổ tuần tra, phụ cấp cho các tổ quần chúng bảo vệ .v.v… Những khoản chi này quá lớn nên chị đã phải trích cả lương của mình để bù thêm.

Thấy chị vất vả, kham khổ, vợ chồng bác Phạm Văn Dùng, nguyên là cán bộ Vườn quốc gia Cát Bà nghỉ hưu, chủ động mời chị Rosi về nhà mình, cơm nước cho chị. Biết gia đình cũng không khá giả, chị Rosi xin gửi bác 150.000đ tiền ăn một tháng. Vậy là suốt 5 năm qua, giữa rừng Cát Bà, quanh mâm cơm đạm bạc với dưa cà, mắm muối ở nhà bác Dùng có thêm một phụ nữ người Đức…

Chia tay Tiến sỹ Rosi Stenke, chúng tôi cảm phục một tấm lòng, một trái tim hết mình vì sự nghiệp bảo tồn động vật quý hiếm ở khu dự trữ sinh quyển thế giới- quần đảo Cát Bà và trăn trở mãi một điều: Có cách nào chăng chúng ta giúp chị vượt qua những khó khăn, thiệt thòi với mức sống nghèo so với nhiều người Việt Nam, như hiện tại?

Phan Anh Cường
.
.
.