“Nóng” tình trạng trộm cắp điện năng

Chủ Nhật, 21/12/2014, 15:12
Hành vi trộm cắp không chỉ gây thất thoát tài sản cho ngành Điện mà còn gây ra mất công bằng trong sử dụng điện năng, không những thế còn gây mất trật tự, an ninh xã hội.

Thời gian qua, báo chí cả nước rộ tin "đồn" Tập đoàn điện lực Việt Nam đang "rục rịch" tăng giá điện, trong khi thực tế tại các địa phương, cứ hễ ngành Điện tăng giá thì hành vi trộm cắp điện năng có dấu hiệu gia tăng. Hành vi trộm cắp này không chỉ gây thất thoát tài sản cho ngành Điện mà còn gây ra mất công bằng trong sử dụng điện năng, không những thế còn gây mất trật tự, an ninh xã hội. Nghiêm trọng là những vụ tai nạn do trộm cắp điện gây thiệt hại tính mạng của chính những người trộm cắp điện.

Trộm cắp điện gây hậu quả nghiêm trọng

Đầu năm 2013, người dân tại ngõ 39 Dạ Nam, phường 2, quận 8, TP Hồ Chí Minh bị đánh thức bởi hai tiếng nổ lớn xảy ra liên tiếp tại trạm biến áp đầu ngõ. Khi người dân chạy tới đã thấy một nam thanh niên (20 tuổi) bị điện phóng cháy đen, đầu chảy máu nằm bất động. Phía trên trạm biến áp còn sót lại chiếc kìm cắt điện mà người thanh niên này trèo lên với ý đồ câu móc điện. Tuy đã được người dân nhanh chóng đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng người thanh niên đã qua đời.

Trên đây chỉ là một điển hình về hậu quả nghiêm trọng mà hành vi trộm cắp điện gây ra. Tuy nhiên, hậu quả về hành vi này còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn xã hội. Vì ngành Điện phải đầu tư sửa chữa các thiết bị điện để có điện cung cấp cho nhân dân trong khu vực này, cũng như phục vụ yêu cầu về an ninh, quốc phòng.

Chỉ tính riêng Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh trong năm 2013 đã phát hiện, lập biên bản và xử lý 904 trường hợp, truy thu sản lượng điện năng thất thoát do trộm cắp điện là 9,35 triệu kWh tương đương với gần 40 tỷ đồng. Không chỉ ở khu vực miền Nam, các tỉnh phía Bắc tình trạng trộm cắp điện năng cũng đang diễn tiến phức tạp.

Chỉ một tỉnh nhỏ như Hưng Yên, cả năm 2013 cũng đã phát hiện 251 vụ trộm cắp điện, truy thu 1,14 triệu kWh, tương đương 3,2 tỷ đồng. Tại Nghệ An, trong 10 tháng đầu năm 2014, ngành Điện đã phát hiện và xử lý 669 vụ, truy thu trên 1,4 triệu kWh, tương đương giá trị gần 3,9 tỷ đồng. Ở Hà Nội, năm 2014 số tiền tổn thất điện năng gây ra do hành vi trộm cắp điện cũng xấp xỉ 1 tỷ đồng.

Trộm điện tinh vi, diễn biến phức tạp

Hành vi trộm cắp điện ngày càng tinh vi, trong khi, sự phối hợp giữa các đơn vị hữu quan trong việc kiểm tra, giám sát lại thiếu chặt chẽ, còn hình thức xử lý lại chưa đủ răn đe, vì vậy mà nạn trộm cắp điện ngày càng trở nên phức tạp.

Theo thống kê của các Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, hình thức vi phạm có nhiều dạng nhưng phổ biến nhất là hình thức câu móc trực tiếp (lấy cắp điện trước hệ thống đo đếm); sử dụng nam châm để làm chậm vòng quay của công tơ điện... Ngoài ra còn có các hình thức; câu trực tiếp trên cột đầu nhà, trên lưới điện; khoan lỗ công tơ... Với các hình thức trộm cắp tinh vi, như ở một số địa phương của Đồng Nai (thuộc quyền quản lý của Tổng Công ty Điện lực miền Nam), tỷ lệ trộm cắp điện lên tới 100%. Và tình hình này đã nghiêm trọng đến mức, công ty điện lực sở tại đã phải đề xuất với Tổng công ty tạm dừng bán điện tại những địa phương đó.

Tại Hà Nội, có lần đoàn kiểm tra và giám sát mua bán điện của Tổng Công ty Điện lực Hà Nội đi kiểm tra thực tế sử dụng điện tại thôn Kim Lũ, xã Tân Lập, huyện Sóc Sơn khi phát hiện, bắt quả tang hành vi trộm cắp điện còn bị một số đối tượng vây hãm, phải nhờ lực lượng Công an can thiệp.

Công nhân ngành Điện tăng cường kiểm tra, giám sát lưới điện.

Đặc biệt, cuối tháng 2/2013, anh Nguyễn Hữu Huỳnh, Đội trưởng Đội quản lý khu vực khi phát hiện hành vi câu móc điện trực tiếp tại hộ sử dụng điện Tạ Thị H, trú tại xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai, Hà Nội) trong khi bảo vệ hiện trường và lập biên bản đã bị em của chị H. là Tạ Huy Trường rượt đuổi chém nhiều nhát vào vai và mặt gây thương tích 4%. Đối tượng Trường đã bị Toà án nhân dân huyện Thanh Oai xử phạt 6 tháng tù giam...

Điều này cũng phản ánh những khó khăn trong công tác phòng, chống các hành vi trộm cắp điện, trong khi đó, lại thiếu quá nhiều các cơ chế pháp lý cần thiết để xử lý có hiệu quả các hành vi trộm cắp điện.

Văn bản xử lý cần sát với thực tế hơn

Qua khảo sát thực tế tại một số tỉnh, thành phố, Bộ Công an - Bộ Công thương - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao đã lên kế hoạch, xây dựng Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự và chuyển giao hồ sơ để xử lý đối với hành vi trộm cắp điện, tạo điều kiện cho ngành Điện thực hiện tốt chức năng của mình.

Theo Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, Dự thảo Thông tư liên tịch quy định Hành vi trộm cắp điện, có trường hợp lấy cắp theo hình thức "tác động làm sai lệch chỉ số đo đếm của công tơ và các thiết bị điện khác có liên quan đến đo đếm điện", để xác định tính toàn vẹn của hệ thống niêm phong và sai số của công tơ làm căn cứ tính toán để bồi thường hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự thì khách hàng, người đại diện hợp pháp của khách hàng hoặc người làm chứng phải chứng kiến để công nhận hiện trạng của hệ thống niêm phong và kết quả kiểm định.

Nhưng nếu trong trường hợp các đối tượng trên không hợp tác thì sẽ dẫn đến một thực trạng là công tơ đó không thực hiện được cả việc truy thu sản lượng điện đã bị mất chứ chưa nói đến việc bồi thường, phạt hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, khi khách hàng đã tác động vào chì niêm phong thì có rất nhiều cách để làm công tơ không lên số hoặc lên ít số (ghim đĩa, vần lại số…)  mà không cần phải làm sai lệch đo đếm. Do đó nếu có mang đi kiểm định thì công tơ sẽ không bị sai số vì vậy không thực hiện xử lý được.

Trong Dự thảo Thông tư liên tịch cũng quy định trách nhiệm đối với hành vi trộm cắp điện, theo đó, trộm cắp điện với số lượng dưới 20.000 kWh thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 134/2013/NĐ-CP. Trộm cắp điện với số lượng từ 20.000 kWh trở lên thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009)... Tuy nhiên, để xác định chính xác số lượng điện bị trộm cắp làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự thì một trong những yếu tố quan trọng nhất là phải xác định được chính xác số ngày trộm cắp điện.

Thông tư có hướng dẫn “số ngày trộm cắp điện được tính từ ngày thực hiện hành vi vi phạm đến ngày bị phát hiện, trừ thời gian ngừng cấp điện và ngừng sử dụng điện có lý do”. Như vậy căn cứ để xác định “từ ngày thực hiện hành vi vi phạm đến ngày phát hiện” chỉ thực hiện trong trường hợp bắt quả tang và đồng nghĩa với việc số ngày tính bồi thường nhỏ hơn hoặc bằng 1...

Chính vì những lý do nêu trên mà hầu hết các trường hợp trộm cắp điện chỉ dừng ở mức độ xử phạt hành chính mà không chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự được. Do vậy, liên ngành soạn thảo Thông tư liên tịch cần đề ra các biện pháp cụ thể, để khi áp dụng vào thực tế, các ngành liên quan có thể hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ.

Minh Khoa - Trần Xuân
.
.
.