Nông dân vẫn khó tiếp cận vốn

Chủ Nhật, 18/08/2013, 08:58
Theo số liệu điều tra tiếp cận nguồn lực hộ nông thôn Việt Nam (VARHS) 2006 - 2012, có 50% số hộ nông dân được khảo sát có vay nợ, 60% trong số đó ghi nhận có vay của ngân hàng.

Tuy nhiên, quy mô vay rất thấp, chỉ chiếm 13,6% trong tổng lượng vay. Đây là số liệu được công bố tại buổi tọa đàm trực tuyến “Đáp ứng nhu cầu tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 15/8.

Theo số liệu điều tra, từ năm 2008 đến nay, hằng năm, tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn (NNNT) tăng trung bình khoảng 20%. Tuy nhiên, do năng lực sản xuất lĩnh vực NNNT còn rất lớn nên chính sách tín dụng cho lĩnh vực này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và chưa phát huy hiệu quả như mong đợi.

Ông Lại Xuân Môn, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, trong 10 năm trở lại đây, nông nghiệp có những bước phát triển đột phá, nhưng thực ra cũng ít người chú ý, chỉ khi tài chính toàn cầu suy thoái, nông nghiệp, nông dân, nông thôn mới được chú ý. Đặc biệt, từ 2008 đến nay, nông nghiệp là cứu cánh, giúp ổn định xã hội, đời sống bà con cũng tăng lên.

Ông Môn cũng cho biết thêm: 2 tháng sau khi Nghị định số 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển NNNT ra đời, Hội Nông dân đã ký thỏa thuận với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), sau 4 tháng ký thỏa thuận với Agribank và đến giờ này, tín dụng dành cho nông dân thông qua Hội Nông dân mới là 13.000 tỷ đồng, trong khi hộ nông dân trong cả nước là 14 triệu hộ, như vậy chưa đến 4% số hộ nông dân được vay vốn trong khi bình thường khoảng 50% hoặc hơn có nhu cầu vay vốn.

Vậy không vay được vốn từ ngân hàng, người nông dân tìm đến nguồn vốn nào? Đây có phải lý do mà tín dụng đen bùng phát trong thời gian vừa qua? Nhìn vào thực tế cũng thấy, các tổ chức tín dụng về nông thôn thường thích cho doanh nghiệp vay hơn hộ nông dân.

Thừa nhận có hiện tượng này, ông Nguyễn Tiến Đông, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho rằng về tín dụng cho NNNT, cho vay món nhỏ lẻ thì chi phí hoạt động cao. Thứ 2, đối tượng vay NNNT là tác động nhiều bởi điều kiện tự nhiên, rủi ro không chỉ đơn thuần từ trình độ năng lực quản lý của chính hộ vay, mà còn từ khách quan, thiên nhiên như hạn hán thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh… người nông dân là đối tượng vay bị tổn tương lớn nhất.

Ngoài ra, đại diện Agribank cũng cho biết thêm: hiện tổng dư nợ của Agribank khoảng 560.000 tỷ đồng, trong đó có khoảng 70% dư nợ được đầu tư cho lĩnh vực NNNT. Về chất lượng tín dụng cho vay, nhất là cho  vay theo Nghị định 41 được đảm bảo, nợ xấu trong lĩnh vực này luôn dưới 3%.

Chính vì ngân hàng ngại cho vay tới hộ nông thôn vì vốn giải ngân thì nhỏ mà chi phí giám sát thì lớn, trong khi về phía người nông dân thì do cơ chế, thủ tục cho vay phức tạp nên thay vì tới ngân hàng thì họ sẽ chạy sang vay hàng xóm. Điều này dẫn đến việc họ tìm đến tín dụng đen.

Ông Nguyễn Tiến Đông cho rằng nông dân có những nhu cầu vay không tên, để chi dùng hằng ngày, nhỏ lẻ, không được hợp thức hóa đối với chính sách tín dụng. Vì vậy, người dân lại vay mượn nhau đơn giản hơn, lãi suất cao hơn, đây là tín dụng đen. Một số vùng thấy việc cho vay lãi suất cao hơn như vậy thì ham và hình thành hụi, họ…

Phân tích về rào cản cản tiếp cận vốn của nông dân hiện nay, ông Lại Xuân Môn chỉ ra 3 lý do. Thứ nhất là rủi ro nông nghiệp rất lớn, tác động, ảnh hưởng của ngoại cảnh đến 50-60%. Thứ hai là quy mô cho vay nhỏ, lẻ. Thứ ba là dù điều kiện vay vốn cho nông dân thậm chí không cần thế chấp nhưng nông dân vẫn phải có sổ đỏ mới vay được.

Ngoài ra, về phía doanh nghiệp, thì lĩnh vực nông nghiệp không hấp dẫn, lợi nhuận ít, rủi ro cao. Thế nên họ cũng ít đầu tư vào nông nghiệp, do vậy nông dân tiếp tục khó vay vốn. Để tháo gỡ những khó khăn này, từ giờ đến cuối năm, chính sách tín dụng với nông nghiệp có điểm gì mới, nổi bật không?

Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN) cho biết, từ nay cho đến cuối năm, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các chính sách tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân đã được quy định. Đồng thời sẽ tiếp tục thực hiện giãn, hoãn nợ; giảm một phần lãi đối với những khoản nợ xấu…

Bên cạnh đó, NHNN cũng đang nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất cho vay một số chương trình mới, phù hợp với quy trình sản xuất của bà con

Hà An - Lưu Hiệp
.
.
.