Nông dân thành tỉ phú cá cảnh

Thứ Tư, 04/02/2009, 08:40
Từ 10 năm nay, cái tên "vợ chồng Huy cá cảnh" đã trở thành một danh từ quen thuộc trong giới kinh doanh, chơi cá cảnh khắp miền Bắc. Hiện tại, nhà anh chị có gần 100 loại cá cảnh khác nhau, từ quý hiếm đến bình dân.

Vốn là nông dân, cộng thêm nghề nuôi cá giống được bố truyền cho, những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Phạm Văn Huy ở thôn Sòi, xã Đồng Sơn (huyện Yên Dũng - Bắc Giang) tập tành với nghề nuôi cá thịt giống bán cho các làng, xã lân cận.

Mỗi lần ra Hà Nội, anh thường đi qua những cửa hàng bán cá cảnh, nhìn những chú cá nhỏ chỉ bằng nửa con mè, con trắm ở nhà mà có giá đắt gấp hàng trăm lần vì phải nhập từ nước ngoài về, Huy tự nhủ: "Sao mình không thử nuôi cá cảnh và nhân đàn ngay tại ao của mình?".

Nhờ người quen mua giúp 1.000 con cá chép cảnh giống bé xíu như đầu đũa từ Nhật về, Phạm Văn Huy ở tự mày mò nuôi thử nghiệm. Từ sáng đến tối, anh ngâm mình dưới ao quan sát, để ý kỹ lưỡng ghi chép cẩn thận tập quán, thói quen sinh hoạt và cách ăn uống của cá. Mỗi khi nhiệt độ thay đổi hay đàn cá chỉ cần bơi kém linh hoạt là vợ chồng anh lại cuống cuồng lo cá bệnh, cá ốm. Từ chỗ không có chút kiến thức nào về cá cảnh, Huy đã tự rút ra những kinh nghiệm riêng của mình về chăm sóc cá.

Đàn cá chép Nhật lớn dần, đã đến lúc có thể mang bán thì vợ chồng anh mới ngớ ra không biết phải mang cá đi đâu bán. Hai vợ chồng đành thả cá vào xô, chậu rồi chằng buộc sau xe đạp, rong ruổi đạp bán rong khắp Bắc Ninh, Bắc Giang. Chị Lê, vợ anh còn xách cá đi ôtô khách lên tận Lạng Sơn, xuống Hà Nội, Hà Tây, Hải Phòng chào bán. Vừa bán rong, vừa tiếp tục nuôi và thử nghiệm cho cá đẻ, Huy đã có một số vốn kha khá.

Dồn ruộng, thêm tiền thầu ao, hồ của thôn, vay mượn họ hàng để trang bị máy móc, xây các ô nuôi cá riêng biệt, Phạm Văn Huy đã trở thành người tiên phong ở Bắc Giang mở trang trại nuôi cá cảnh quy mô lớn. Khách hàng cũng dần dần tự tìm đến tận nơi để mua cá.

Không còn cảnh long đong bán rong, có nhiều thời gian hơn, Huy tập trung đi các địa phương học kinh nghiệm nuôi cá cảnh rồi về áp dụng thử ở trang trại của mình. Nhưng có lẽ, kinh nghiệm anh học được lại chính là những lần thất bại, cá chết, thua lỗ. Nguồn cá anh chủ động vào tận các tỉnh phía Nam, sang Trung Quốc mua cá con về nuôi lớn rồi bán cho khách mua buôn.

Ngồi tiếp chuyện chúng tôi nhưng thỉnh thoảng anh chị lại đảo ra hồ cá, khi thì cho cá chép ăn, lúc lại bật máy sưởi cho cá rồng, cá đô… Anh kể, cứ loại cá nào nhập về và cho đẻ được là chắc chắn có lãi, giá bán trên thị trường cũng không bị thổi vọt lên quá cao.

Có kinh nghiệm gì chăm sóc cá như cách phân biệt từng loại bệnh cá mắc phải, mật độ nuôi cá, nhiệt độ nước… anh đều tận tình trao đổi với khách hàng. Mỗi loại cá lại có một loại thức ăn riêng, có loại chỉ đơn giản là thức ăn dạng cốm bán sẵn. Nhưng cũng có loại cầu kỳ đòi hỏi phải ăn giun, cá con, thịt, tôm…

Nhìn những bể kính thả đủ các loại cá cảnh để khách hàng ngắm, lựa chọn mới thấy nghề nuôi cá cảnh công phu và đòi hỏi sự khéo léo tuyệt đối. Những con cá trên mình được săm chữ Phúc, Lộc, Thọ hoặc bụi hoa được anh chị nâng niu khẽ khàng mỗi khi vớt lên hay thả xuống. Anh Huy giải thích, chỉ cần một vết xước nhỏ trên thân cá cũng đủ để cá bị bệnh.

Nhiều giống cá nhập về có giá tính theo USD như cá la hán, cá đô, cá sấu hỏa tiễn, mắt ngọc, tam dương, la hán, kiếm, chép đỏ Nhật, tai tượng và đặc biệt là cá rồng. Riêng cá rồng lại chia thành nhiều loại: kim long, hồng long, hắc long, rồng hoà vũ, rồng thanh long… Giới chơi cá cảnh, đặc biệt là những người làm nghề kinh doanh, buôn bán đặc biệt thích nuôi cá rồng. "Người ta cho rằng chỉ cần cá rồng bị ốm là trong nhà sẽ có chuyện hoặc làm ăn thua lỗ. Vì vậy, khi cá rồng chết, ngay lập tức người nuôi sẽ mua một con khác thay thế dù giá của loại cá này không hề rẻ, từ 30 - 50 triệu đồng/con", anh Huy cho biết.

Hiện tại, nhà anh chị có gần 100 loại cá cảnh khác nhau, từ quý hiếm đến bình dân. Mỗi năm, có tới cả triệu con cá các loại từ trang trại này ngược xuôi các tỉnh miền Bắc. Cái tên "vua cá cảnh" bắt đầu xuất hiện và gắn với anh chị từ năm 2007, khi anh tiếp tục mở thêm một trang trại nữa ngay cạnh quốc lộ 1A. Toàn bộ cơ sở hạ tầng của trang trại rộng trên 10.000m2 này được anh Huy đầu tư trên 4 tỷ đồng. Vụ giáp Tết năm 2008, anh chị đã bán hơn 6 tấn cá cảnh.

Không những thế, nhờ trang trại cá cảnh, anh chị còn tạo việc làm cho hơn chục lao động với thu nhập trung bình 1,5 triệu đồng/tháng. Đầy kỳ vọng, anh chị lại thổ lộ những dự định cho năm mới xây dựng một khu du lịch sinh thái với các dịch vụ câu cá giải trí và một siêu thị cá cảnh

Chi Linh
.
.
.