Nông dân lao đao vì mất đất sản xuất

Thứ Ba, 18/08/2009, 16:04
Do quy hoạch đất trồng cao su chồng lấn lên đất người dân đã sản xuất ổn định, nên có nơi như xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, việc thu hồi đất trồng cao su đã đẩy nhiều hộ dân đến chỗ trắng tay.

Từ nay đến năm 2015, tỉnh Bình Phước giao cho các doanh nghiệp trồng mới 25 - 30 nghìn ha theo phương thức sau thời kỳ kiến thiết cơ bản doanh nghiệp giao lại cho địa phương 10% diện tích, 90% diện tích còn lại chuyển sang hình thức thuê đất lâm nghiệp. Nhưng do quy hoạch đất trồng cao su chồng lấn lên đất người dân đã sản xuất ổn định, nên có nơi như xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, việc thu hồi đất trồng cao su đã đẩy nhiều hộ dân đến chỗ trắng tay.

Đồng Nai là một xã đặc biệt khó khăn, hiện toàn xã có 959 hộ với 4.224 khẩu, trong đó người dân tộc Stiêng, M'nông và Châu Mạ chiếm hơn 65%. Bình quân diện tích đất canh tác ở Đồng Nai đạt hơn 3 ha/hộ, bà con chủ yếu trồng mỳ, điều, gần đây phát triển cây cao su và cà phê.

Tháng 5/2008, các Công ty cổ phần Đầu tư (CPĐT) Quỳnh Vy và CPĐT An Phước (cùng có trụ sở tại TP HCM) được UBND tỉnh Bình Phước cho thuê hơn 600ha đất rừng sản xuất tại các tiểu khu 197 và 202, trong đó có hơn 300ha chồng lấn lên diện tích đất người dân địa phương đã sản xuất ổn định.

Trong đó có nhiều hộ không thuộc diện phải giải tỏa, thu hồi theo Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 12/5/2005 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước "Về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp" nhưng vẫn bị cưỡng chế chặt bỏ cây trồng để thu đất gây thiệt hại lớn.

Gia đình anh Điểu Đôn cùng 13 hộ dân nữa ở thôn 4, ngày 2/11/2006 được Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Nai hợp đồng giao khoán 35ha rừng nghèo kiệt tại tiểu khu 202 để trồng rừng, trồng cây công nghiệp và chăn nuôi, có chữ ký xác nhận của Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Đồng Nai và Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng.

Thế nhưng, ngày 10/3/2009, diện tích đất của các hộ trên vẫn bị cưỡng chế thu hồi để giao cho Công ty CPĐT Quỳnh Vy. Toàn bộ 35ha đất đã trồng cao su, điều và mỳ bị chặt bỏ không thương tiếc, doanh nghiệp không hề đền bù, mà chỉ áp mức hỗ trợ ít ỏi "bình quân 15 triệu đồng/ha". Trong khi đó người dân bị thiệt hại hàng tỷ đồng...

Tính đến ngày 25/7/2009, ngoài 52 hộ thôn 4 bị thu 75,34ha đất, còn có 42 hộ khác ở các thôn 6, thôn 7 và thôn 10 bị thu 37,96ha đất đã trồng cà phê cao su và điều, trong đó có 10,41ha cà phê và điều trồng từ năm 2004 trở về trước.

Báo cáo ngày 23/6/2009 của UBND xã Đồng Nai do Chủ tịch Lê Văn Ngọc ký gửi UBND huyện Bù Đăng còn nêu: "Tại tiểu khu 197, vùng quy hoạch trồng 478ha cao su của Công ty CPĐT An Phước có tới 50 ha đất sản xuất của người dân đã được UBND tỉnh giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và 80ha diện tích đất người dân sản xuất ổn định từ năm 2004 trở về trước, nếu thu hồi sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống kinh tế của nhân dân và không được sự đồng tình của dân".

Ngày 23/7, trong buổi làm việc với chúng tôi, bà Phạm Thị Thắm, cán bộ văn phòng UBND xã Đồng Nai cho biết: "Từ đầu năm đến nay trong xã phát sinh thêm 47 hộ thiếu đất sản xuất và 27 hộ nghèo". Đây chính là hệ lụy từ việc thu hồi đất của dân theo kiểu "lấy được" để cấp cho doanh nghiệp trồng cao su!.

Việc cưỡng chế chặt vườn cao su, vườn điều, phá bỏ rẫy mỳ - nguồn thu nhập chính của cả trăm hộ dân để lấy đất giao cho một vài doanh nghiệp cổ phần trồng cao su là nghịch lý, không chỉ gây lãng phí lớn mà còn khiến lòng dân bất bình!

Gia Bảo
.
.
.