Nông dân khổ vì công ty lúa giống bội tín

Thứ Hai, 14/12/2009, 15:49
Những ngày qua, càng tất bật lo tìm giống để sản xuất vụ đông xuân, nông dân thôn Vinh Kiên (xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, Bình Định) càng ấm ức chuyện Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An (Tổng Công ty) và các cơ quan chức năng ngành nông nghiệp trong tỉnh "nói láo". Vụ việc bắt nguồn từ sự đổ bể trong vụ ký hợp đồng sản xuất lúa giống VT_NA1 giữa Tổng Công ty và HTX Nông nghiệp Cát Hanh 1.

Công ty không thực hiện như lời hứa

Theo trình bày của ông Nguyễn Đăng Ty, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Cát Hanh 1, ngày 22/11, Tổng Công ty có tổ chức buổi gặp mặt 60 hộ dân thôn Vinh Kiên để thương thảo chuyện sản xuất lúa giống VT_NA1. Tại buổi gặp mặt này có ông Trương Văn Hiền - Tổng Giám đốc Tổng Công ty; ông Hồ Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định; ông Nguyễn Xuân Thưởng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định; ông Lương Ngọc Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát,... Các bên đã thương thảo và đi đến thống nhất một số nội dung trong việc sản xuất lúa giống VT-NA1 trên diện tích 15ha tại thôn Vinh Kiên.

Trong đó, một số nội dung được các bên thống nhất rất quan trọng như: Tổng Công ty sẽ cung cấp giống cho nông dân với tỷ lệ 3kg/sào, sau khi thu hoạch, nông dân sẽ trả lại giống với tỷ lệ 1kg giống gốc bằng 3kg giống thương phẩm; Tổng công ty sẽ bán chịu phân bón cho nông dân; lúa giống sản xuất ra được Tổng Công ty thu mua toàn bộ với tỷ lệ 1kg thóc giống VT_NA1 bằng 1,35kg thóc tính theo giá thị trường ở thời điểm hiện tại; Tổng công ty bảo hiểm cho nông dân sản xuất giống với mức trung bình trên 60 tạ/ha; Thời điểm gieo sạ giống VT_NA 1 là sau ngày 15/12;...

Không có máy cày, người dân phải tự dùng sức mình để cải tạo ruộng gieo sạ.

Tuy nhiên, đến ngày 5/12, Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An gửi hợp đồng vào, có chữ ký của Tổng Giám đốc Trương Văn Hiền - đại diện bên A nhưng lại thiếu mất điều bảo hiểm sản xuất cho nông dân trên 60 tạ/ha. Ông Nguyễn Đăng Ty cho biết: "Thấy vụ việc không giống như thương thảo nên tôi không ký hợp đồng mà báo cáo với lãnh đạo Sở Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông, lãnh đạo huyện,... và đã được chỉ đạo là nên xét kỹ trước khi đặt bút ký hợp đồng. Tôi gọi trực tiếp cho ông Hiền thì được trả lời là do phía công ty đã "tính toán lại" nên mức bảo hiểm 60 tạ/ha không thể thực hiện được! Vậy là việc ký hợp đồng bị bể".

Nhận được thông tin "bể hợp đồng" sản xuất giống, người dân thôn Vinh Kiên mới "tá hỏa", lo tìm giống và cải tạo ruộng đất để sản xuất vụ đông xuân. Nhiều người còn lo lắng hơn khi các cánh đồng ở những thôn lân cận như Tân Xuân, Khánh Lộc đã gieo sạ được hơn 10 ngày.

Chị Lê Thị Cúc, một nông dân thôn Vinh Kiên, bức xúc: “Nhà tôi có đến 3 sào ruộng đăng ký gieo giống VT_NA1 thì bây giờ lấy tiền đâu ra mua cho đủ? Hết đường, tôi phải đem số thóc BC15 vốn là thóc thịt sản xuất năm trước làm thóc giống".

Ông Nguyễn Đình Thông (thôn Vinh Kiên) cũng có 5 sào ruộng đăng ký sản xuất giống VT_NA1 nên việc tìm giống càng vất vả hơn. Sau một vài ngày không tìm ra giống vừa ý, ông cũng dùng số thóc thịt BC 15 còn lại trong nhà đem ủ để gieo sạ cho kịp thời vụ.

Ông Thông trình bày bức xúc với PV.

Cần rút kinh nghiệm khi tư vấn cho nông dân

Theo ông Lương Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, UBND huyện không có chủ trương nào vận động nông dân sản xuất lúa giống cho Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An. Mối "làm ăn" giữa Tổng Công ty với HTX Nông nghiệp Cát Hanh 1 là do Trung tâm Khuyến nông tỉnh giới thiệu.

Ông Anh cho biết: "Tôi tham gia cuộc họp giữa nông dân thôn Vinh Kiên với Tổng Công ty chỉ là sự tình cờ chứ không hề hay biết trước. Ngay sau việc ký hợp đồng bị đổ vỡ, nhận được báo cáo của HTX Nông nghiệp Cát Hanh 1, chúng tôi đã yêu cầu HTX này phải khẩn trương chuẩn bị đủ giống cho nông dân sản xuất".

Trong năm 2008, HTX Nông nghiệp Cát Hanh 1 cũng đã "mai mối" cho nông dân thôn Vinh Kiên hợp đồng sản xuất lúa giống TBR1 cho Công ty Thái Bình và đã bị thua lỗ. Khi giá lúa giống cao thì công ty thực hiện đúng cam kết nhưng sau khi giá lúa giống này xuống thấp thì lại đổ lỗi cho chất lượng lúa không đạt và kiên quyết không mua lúa của nông dân. Vụ đó, HTX Nông nghiệp Cát Hanh 1 tồn đọng hơn 30 tấn giống TBR1. Trong khi giá lúa giống thấp nhất cũng 7.000 đồng/kg thì nông dân lại bán lúa giống TBR 1 như thóc thịt với 4.000 đồng/kg nên bị thua lỗ rất nặng.

Ông Lương Ngọc Anh nói: "HTX Nông nghiệp có vai trò là làm dịch vụ cho nông dân nên mỗi khi tư vấn cho nông dân làm ăn với các công ty cần phải chú trọng đối tác như thế nào, hợp đồng, các điều khoản thương thảo, nếu không thì nông dân sẽ bị thiệt rất nhiều. Vụ việc này, HTX Nông nghiệp Cát Hanh 1 nên rút kinh nghiệm nếu không sự việc tương tự sẽ lặp lại nhiều lần

Hoàng Minh
.
.
.