Nông dân Hà Nội "trắng tay" sau khi bị thu hồi đất

Thứ Bảy, 23/05/2009, 16:42
Hàng chục nghìn hộ dân bị thu hồi đất trên địa bàn Hà Nội đang lâm vào cảnh "dở khóc, dở cười" khi bỗng dưng trở thành thất nghiệp, cuộc sống bộn bề khó khăn do không có điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp.

Thời điểm này, tất cả các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội có đất nông nghiệp đang khẩn trương triển khai xác định các hộ dân bị thu hồi trên 30% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, được hưởng chế độ hỗ trợ ổn định đời sống, học tập, đào tạo nghề và việc làm theo Quyết định của UBND TP Hà Nội.

Tuy nhiên, có một nghịch lý xảy ra trong quá trình thực hiện là phần lớn hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp đều ở thời điểm trước ngày 1/7/2008. Và đương nhiên theo Quyết định của thành phố thì chỉ những hộ dân bị thu hồi đất sau ngày 1/7/2008 mới được hưởng chính sách này.

Canh cánh nỗi lo cơm áo, việc làm 

Huyện Hoài Đức hiện đang có số lượng đồ án, dự án đầu tư nhiều vào hạng nhất, nhì tại Hà Nội. Thậm chí có xã đã "xoá sổ" xong đất nông nghiệp, nhưng cuộc sống của nhiều hộ dân vốn gắn với hoạt động nông nghiệp vẫn chưa có được kết thúc có hậu. Chỉ có khoảng 20% nông dân mất đất chủ động xoay xở "chuyển nghiệp".

Trong căn nhà 3 tầng mới khang trang, ông Nguyễn Văn Lục (thôn An Thọ, xã An Khánh, huyện Hoài Đức) rầu rầu tâm sự: Hai vợ chồng ông năm nay đều ở tuổi 70, đang sống cùng gia đình người con út và 2 cháu nhỏ.

Tháng 4/2008, gia đình ông nhận 270 triệu tiền đền bù cho 6 sào đất canh tác, vừa đủ để xây nhà và mua sắm thêm vài món đồ gia dụng tối thiểu. Song gia đình ông Lục đã phải đối mặt với nỗi lo cơm áo hàng ngày. Mất đất nông nghiệp tức là gia đình ông đã mất đi hơn 1 tấn thóc/năm. Cuộc sống khó khăn trăm bề.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết 100% gia đình tại thôn An Thọ và 4 thôn khác tại xã An Khánh đều mất hết đất canh tác. Cả xã duy nhất chỉ có 1 thôn là Vân Lũng may mắn sinh nhai nhờ nghề phụ, 4 thôn còn lại với hàng nghìn khẩu đang chật vật mưu sinh kiếm sống.

Lao động nông thôn bị thu hồi đất mong được chuyển đổi nghề nghiệp.

Xã An Khánh là nơi thành lập cụm công nghiệp đầu tiên của tỉnh Hà Tây cũ. Thế nhưng, hành trình tìm kiếm việc làm của người An Khánh vẫn không hết gian nan. Ông Bùi Văn Vận, Phó Chủ tịch xã An Khánh, thừa nhận: Khi toàn bộ 510ha đất canh tác của xã bị thu hồi từ năm 2000 đến nay, hơn 5.000 lao động tại đây rơi vào cảnh thất nghiệp. 80% trong số đó đang tự xoay xở, tạo việc làm cho bản thân.

Trong đó, khoảng 1.000 - 2.000 lao động đang bám trụ tại thành phố và các địa phương lân cận. Các doanh nghiệp trên địa bàn xã hiện chỉ thu hút được 6% lao động tại địa phương, với mức thu nhập trên dưới 1 triệu đồng/tháng. Ngay sát An Khánh là xã An Thượng cũng nằm trong diện mất tới 2/3 diện tích đất nông nghiệp (130ha trong tổng số 200 ha đất canh tác) nhưng cả xã hiện mới chỉ có vài lao động được nhận vào làm chân bảo vệ tại Công ty Hà Đô.

Điều đau lòng nhất khiến ông Lê Văn Vinh - Chủ tịch xã trăn trở là nhiều dự án cứ ôm đất "xí phần" rồi quây lại… bỏ hoang hàng mấy năm trời trong khi nông dân không có đất canh tác, chỉ biết đứng nhìn và… tiếc rẻ.  Cần có thêm quỹ hỗ trợ cho nông dân bị thu hồi đất trước thời điểm 1/7/2008

Ngày 21/5, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Đào Văn Bình cũng đã đi khảo sát công tác triển khai thực hiện Quỹ hỗ trợ ổn định cuộc sống, đào tạo nghề và việc làm cho các hộ dân bị thu hồi 30% đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Từ Liêm. Với khoảng 11.000 hộ dân có đất nông nghiệp bị thu hồi, trong đó 90% số hộ dân bị thu hồi 30% diện tích trở lên. Riêng huyện Hoài Đức, cho đến nay về cơ bản đã phủ kín dự án. 10/20 xã và thị trấn của huyện đã và sẽ bị thu hồi hết đất nông nghiệp để phục vụ cho các dự án.

Trong đó, các xã An Khánh, Lại Yên, Kim Chung và Vân Canh đã mất 100% đất nông nghiệp. Tổng số hộ dân bị thu hồi đất là 16.241 hộ, chiếm gần 38% tổng số hộ trong toàn huyện, trong đó số hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi từ 30 - 100% diện tích là rất lớn...

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trung Thuận, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hoài Đức cho rằng, khó nhất hiện nay là nhiều lao động mất đất tại huyện Hoài Đức không được thụ hưởng Quỹ hỗ trợ. Mặc dù có nhiều xã bị thu hồi đất nông nghiệp nhưng hầu hết các dự án đều lấy đất trước thời điểm 1/7/2008. Sau thời điểm này chỉ có 94/1.000 ha đất bị thu hồi nên vô hình trung số lượng lớn lao động bị mất đất trước đó không thuộc diện được hỗ trợ. Vì vậy, huyện Hoài Đức đang kiến nghị thành phố cho lập một quỹ riêng để hỗ trợ các lao động này.

Đây cũng là tâm tư chung của các quận, huyện có đất nông nghiệp bị thu hồi trên địa bàn Hà Nội. "Chúng tôi sẽ phải tìm ra được hướng phát triển mới sau khi Ban chỉ đạo giải quyết việc làm của huyện được thành lập và tiến hành tổng điều tra thực trạng việc làm trên địa bàn" - ông Thuận cho biết thêm

Thu Uyên
.
.
.