Nông dân ĐBSCL khốn đốn vì dịch heo tai xanh

Thứ Tư, 25/08/2010, 13:30
Nhiều chủ trang trại nuôi heo ở ĐBSCL đang phải đau đầu vì đàn heo khỏe mạnh. Vì hiện nay người dân không tìm ra nơi tiêu thụ dù họ chấp nhận bán với giá bằng với mức giá hỗ trợ của Nhà nước, tức 25.000đ/kg (heo hơi). Còn nếu chọn giải pháp tiêu hủy để nhận 25.000đ/kg thì địa phương không dám xác nhận bởi theo qui định, chỉ có thể hỗ trợ người dân khi heo bị bệnh, phải tiêu hủy.

Theo đánh giá mới nhất của UBND tỉnh Tiền Giang - một trong những địa phương đã công bố dịch heo tai xanh, khả năng heo mắc bệnh tai xanh từ nay đến cuối tháng sẽ vượt mức 10% trong tổng đàn (tương đương 55.000 con). Còn nếu tính tổng thiệt hại cho công tác tiêu hủy, hỗ trợ, phun thuốc tiêu độc khử trùng, kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh… con số lên đến trên 500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vấn đề đau đầu hiện nay là số heo không mắc bệnh (khỏe mạnh) không biết tiêu thụ ở đâu vì tâm lý của phần lớn người dân e ngại thịt heo, người nuôi cầm chắc phần lỗ nếu tiếp tục duy trì đàn. Trong khi đó, nhiều đại lý bán thức ăn cho heo đã ngừng bán thiếu vì sợ khó thu hồi vốn. Điều này dẫn đến việc nhiều hộ dân phải bán tháo đàn heo để "tự cứu" mình.

Ông Ngô Hữu Thệ - Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) cho biết: Nhiều chủ trang trại có qui mô đàn heo trên 100 con đang phải đau đầu vì đàn heo đang khỏe mạnh?! Vì thực tế hiện nay người dân không tìm ra nơi tiêu thụ dù họ chấp nhận bán với giá bằng với mức giá hỗ trợ của Nhà nước, tức 25.000đ/kg (heo hơi), trong khi giá thành sản xuất hiện nay là 30.000 đồng/kg thịt. Còn nếu chọn giải pháp tiêu hủy để nhận 25.000đ/kg thì địa phương không dám xác nhận bởi theo qui định, chỉ có thể hỗ trợ người dân khi heo bị bệnh, phải tiêu hủy.

Đàn heo của anh Lê Kim Đang đang tới kỳ xuất chuồng, nhưng phải "neo" lại trong khi anh không còn tiền để mua thức ăn cho chúng.

Ông Kiều Mạnh Minh - Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam chi nhánh Tiền Giang cho biết: "Ngân hàng đã quyết định xem xét khoanh nợ cho các hộ nuôi heo có heo bị nhiễm bệnh. Riêng việc tiếp tục cho vay để giữ đàn thì cần phải có chủ trương cụ thể chứ trong quyền hạn của chúng tôi không thể tự quyết được".

Có một thực tế là dù biết Nhà nước sẽ hỗ trợ 25.000đ/kg nếu tiêu hủy nhưng do tâm lý ngại thủ tục kê khai, chờ đợi nhận tiền chậm chạp như đã từng xảy ra đối với dịch cúm H5N1 trên gia cầm nên nhiều hộ dân nuôi heo dạng nhỏ lẻ dù heo có bệnh hay không có bệnh đã "tranh thủ" bán ngay cho thương lái để trang trải nợ nần, chi phí thức ăn…

Anh Lê Kim Đang - chủ trang trại ở xã An Thạnh Thủy, huyện Chợ Gạo có đàn heo gần 200 con các loại cho biết: "Với giá thương lái mua dưới mức 25.000đ/kg thì người nuôi như tui cầm chắc lỗ 600.000đ/tạ, còn nếu nuôi heo nái thì lỗ càng nặng vì hiện giờ heo con không thể xuất chuồng, hơn 50 con heo nái của tui đang "ôm" khoảng 150 con heo con đang lay lắc từng ngày, dù giá heo con đã sụt từ 50.000đ/kg xuống còn 32.000/kg nhưng tìm đỏ mắt không có người mua".

Theo ông Phan Văn Hợp - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre), tổng đàn heo của huyện hơn 200.000 con. Trung bình mỗi ngày có 25 xe tải, thu mua 2.000 con heo kiểm dịch xuất khỏi huyện. Đến khi trên địa bàn xuất hiện ổ dịch heo tai xanh, một số tỉnh gửi công văn tạm ngưng thu mua heo của Bến Tre, sức tiêu thụ đã giảm do người dân có tâm lý ngại dùng thịt heo. 

Ông Nguyễn Thanh Cẩn - Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang cho biết: "Hiện tại, Bộ NN&PTNT chỉ có những qui định về hỗ trợ đối với những hộ có heo mắc bệnh nên việc các hộ nuôi, nhất là nuôi theo dạng trang trại muốn được hỗ trợ vốn trong điều kiện dịch bệnh đang bùng phát này cũng là một yêu cầu chính đáng. Chúng tôi sẽ sớm đề xuất ý kiến này lên UBND tỉnh cũng như các ngành có liên quan sớm có chính sách tốt nhất để giúp người dân giữ đàn heo".

Đà Nẵng: Chủ tịch UBND các quận, huyện phải chịu trách nhiệm nếu để dịch heo tai xanh lan rộng

Trước tình hình dịch heo tai xanh diễn biến phức tạp, sáng 24/8, UBND TP Đà Nẵng đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp bàn biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Tại buổi làm việc ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ tình hình nhằm hạn chế lây lan, dập dịch kịp thời, tăng cường tiêu độc khử trùng và các công tác tuyên truyền, công khai công bố những khu vực có dịch bệnh cũng như đã ra khỏi dịch bệnh. Lập 3 trạm chốt chặn, kiểm tra 24/24h nhằm ngăn chặn heo chưa qua kiểm dịch vào thành phố.

Thành phố giao Sở TN-MT phối hợp với các địa phương hướng dẫn các địa điểm tiêu hủy. Chủ tịch UBND các quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước thành phố nếu để dịch lan rộng. Về mặt kinh phí, thành phố hỗ trợ 25 nghìn đồng/kg heo tiêu hủy, hỗ trợ kinh phí vận chuyển, hóa chất để tiêu hủy heo bệnh.                             

Hoài Thu

Nam Giang
.
.
.