Nóng bỏng thực phẩm bẩn: Bún bẩn chưa Bộ nào quản lý!?

Thứ Bảy, 07/09/2013, 15:25
Tại cuộc họp ngày 6/9, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (QLCLNLTS) cho biết, bắt đầu từ năm 2001, Bộ NN&PTNT đã có Thông tư quản lý ATTP theo chuỗi, quản lý từ cơ sở sản xuất tới kinh doanh. Nhưng đến thời điểm này, số địa phương thực hiện vẫn còn đếm trên đầu ngón tay.

Theo ông Tiệp, tính đến hết 30/8 mới có 19 địa phương gửi báo cáo về Cục theo quy định, trong đó chỉ có 13 địa phương báo cáo kết quả kiểm tra, phân loại, tổ chức tái kiểm tra các cơ sở sản xuất xếp loại C (yếu kém, không đủ tiêu chuẩn) và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Trong số này chỉ có 8/13 tỉnh, thành đánh giá, kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản. Tỷ lệ cơ sở xếp loại C vẫn chiếm tới 33,3%. Với cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp chỉ được 6/13 tỉnh, thành thực hiện, tỷ lệ cơ sở xếp loại C là 44%. Đặc biệt, kết quả tái kiểm tra tại 6 cơ sở thì vẫn không có sự thay đổi, biến chuyển.

Đặc biệt, ông Tiệp nhấn mạnh tình trạng sử dụng hóa chất tẩy trắng Tinopal, một loại hóa chất tẩy dùng trong công nghiệp nhưng lại được các cơ sở sản xuất bún dùng để tẩy trắng bún. Tinopal là hóa chất sử dụng trong công nghiệp, vào cơ thể có thể làm tổn thương hệ tiêu hóa, niêm mạc thành ruột, dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày, tổn thương những mao mạch khiến cơ thể khó khăn trong việc hấp thụ các chất dinh dưỡng cũng như tiêu hóa thức ăn. Qua kiểm tra, tình trạng sử dụng Tinopal xuất hiện ở nhiều địa phương. Nhưng điều đáng nói là đến nay vẫn chưa có Bộ ngành nào đứng ra quản lý mặt hàng này.

Bún là mặt hàng chưa có cơ quan nào quản lý. Ảnh: D.T.

Tại cuộc họp, ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục ATTP, Bộ Y tế cũng thừa nhận, sản phẩm bún hiện chấp chới giữa các Bộ, chưa biết thuộc về Bộ nào chịu trách nhiệm quản lý. “Chi tiết ra, bún làm từ nguyên liệu là bột gạo ướt để làm bún là thuộc trách nhiệm của Bộ NN&PTNT, còn nếu sản xuất bằng tinh bột lại thuộc về Bộ Công thương. Nên cũng chưa rõ, trách nhiệm thuộc Bộ nào quản lý”, ông Hùng bày tỏ.

Trước thực trạng một sợi bún không biết Bộ nào quản lý, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, Bộ sẽ đề xuất với Bộ Y tế nhận trách nhiệm quản lý ATTP từ khâu sản xuất bột ướt để sản xuất bún. Đồng thời, giao Cục Bảo vệ thực vật phụ trách, có công văn chỉ đạo các địa phương kiểm tra làm rõ thực trạng.

Ngoài ra, theo ông Phát, thực phẩm không an toàn là kết quả của việc sử dụng các nguyên liệu đầu vào thiếu an toàn cùng với việc lạm dụng các hóa chất bảo quản. “Trong quá trình đi cơ sở, tiếp xúc với nông dân và địa phương, người dân rất bức xúc về vấn đề quản lý thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kém chất lượng, không nguồn gốc vẫn lọt vào thị trường và được sử dụng. Nhiều người phản ánh với tôi và cho rằng, tình hình tiêu dùng, sử dụng thuốc bảo về thực vật ngoài luồng có vẻ diễn biến nghiêm trọng hơn”, ông Phát cho biết.

Vấn đề này được ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV nhìn nhận, thuốc BVTV hiện chỉ được nhập khẩu chính ngạch, vì vậy, tất cả các lô hàng nhập khẩu ngoài con đường này, bao gồm cả tiểu ngạch đều là hàng lậu, không được kiểm soát. Qua kiểm tra phát hiện, trên thị trường xuất hiện một số loại thuốc không có nhãn mác tiếng Việt như thuốc thúc chín tố (gây chín hoa quả), chính là thuốc nhập lậu

Chi Linh
.
.
.